Lãnh đạo tỉnh làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông
EmailPrintAa
09:52 13/11/2013

Chiều 11/11, Lãnh dạo tỉnh đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin - Truyền thông, tiếp vầ làm việc với Đoàn, phía Bộ có đồng chí Nguyễn Bắc Son, UVTW Đảng, Phó Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông cùng 4 đ/c Thứ trưởng và các Đ/c lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, đơn vị liên quan.

Thay mặt Lãnh đạo tỉnh đồng chí Võ Kim Cự, Phó BT tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội; hoạt động Thông tin - Truyền thông thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2013 - 2015, đến 2020, đồng chí khẳng định:

Đồng chí Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc

 

Trong những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế thế giới và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả nổi bật trên các lĩnh vực: Năm 2012 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14%; Năm 2013 dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 19%, thu ngân sách đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và vượt 30% kế hoạch Trung ương giao. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,6%, ngành công nghiệp đạt 12,8%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và thương mại.

Các khu kinh tế trọng điểm của Quốc gia và của tỉnh đã và đang triển khai đảm bảo đúng tiến độ như Khu kinh tế Vũng Áng. Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Đặc biệt các dự án: POMOSA, Khu liên hợp gang thép, Cảng Sơn Dương, dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đảm bảo tiến độ, đồng thời các dự án khác đang triển khai nh dự án Quốc lộ 1A, 8A, 15A, Quốc lộ ven biển; Dự án Thuỷ lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi - Cẩm Trang  và nhiều dự án quan trọng khác v.v.

Hiện tại, Hà Tĩnh xếp thứ 6 cả nước về thu hút đầu tư, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh ở tốp cao. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được Chính phủ đánh giá là điểm sáng, có cách làm sáng tạo và đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng. Công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Những thành tựu nêu trên chính là điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh phát triển mạnh về thông tin và truyền thông, phát triển Chính quyền điện tử, góp phần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hội nhập sâu và rộng vào kinh tế quốc tế và khu vực.

Tuy vậy, đồng chí cũng cho rằng Hà Tĩnh tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, đời sống nhân dân còn thấp so với bình quân cả nước. Kết cấu hạ tầng tuy đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Kinh tế có bước phát triển nổi bật nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các quy hoạch, kế hoạch về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đã xây dựng, nhưng nhân lực, cơ chế chính sách và nguồn vốn thực hiện còn thiếu. Hạ tầng thông tin truyền thông chưa đồng bộ; việc ứng dụng CNTT chưa tương xứng với quá trình phát triển của tỉnh, các dịch vụ công trực tuyến còn ít; an ninh mạng chưa được quan tâm. Tổ chức quản lý ở cấp huyện còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Hệ thống thông tin vùng nông thôn, biên giới còn kém. Thông tin đối ngoại còn hạn chế, nhất là ở cửa khẩu, cụm cảng, khu kinh tế.

 Thương mại điện tử chậm phát triển. Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu về quản trị mạng và quản trị hệ thống còn thiếu. Bưu chính còn nhiều khó khăn v.v.

Để tỉnh tiếp tục thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghệ Thông tin và Truyền thông phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội thời gian tới, đồng chí Võ Kim Cự đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, giúp đỡ tỉnh một số nội dung sau đây:

1/ Về phát triển CNTT và xây dựng Chính quyền điện tử:

- Việc xây dựng Chính quyền điện tử các cấp là chủ trương chung, tuy vậy chưa có tỉnh nào hoàn thiện cấu trúc mô hình và được thể chế hóa như ở Hà Tĩnh. Đề nghị Bộ đồng ý đưa Hà Tĩnh vào danh sách địa phương thực hiện thí điểm mô hình hoàn chỉnh cấu trúc Chính phủ điện tử cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước, đồng thời hỗ trợ các dự án như phụ lục đính kèm.

- Khu Công nghiệp CNTT tập trung của Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và phê duyệt trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050. Đề nghị Bộ đưa vào danh mục các Khu CNTT tập trung của cả nước do Bộ cấp phép đồng thời hỗ trợ tỉnh giới thiệu, xúc tiến đầu tư và chỉ đạo các tập đoàn, các tổng công ty, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế hợp tác đầu tư phát triển vào Khu Công nghiệp CNTT tập trung của Hà Tĩnh.

- Với lợi thế là Trung tâm kinh tế Bắc Trung bộ (Có các Khu Kinh tế tầm cỡ quốc tế, Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, gắn với hành lang kinh tế Đông - Tây, tiểu vùng sông Mê Kông, có 2 Quốc lộ xuyên Á là QL8A và QL12 và các tuyến giao thông Bắc - Nam thuận tiện); Trong khi 6 tỉnh Bắc miền Trung chưa có Trung tâm dữ liệu tương xứng, đề nghị cho xây dựng Trung tâm dữ liệu Hà Tĩnh với vai trò là Trung tâm dữ liệu cho cả vùng Bắc Trung bộ, Lào và các tỉnh vùng đông bắc Thái Lan (đưa vào chương trình hợp tác với chính phủ Nhật hoặc Hàn Quốc).

- Hỗ trợ xây dựng Trung tâm hỗ trợ và phát triển công nghiệp CNTT theo tinh thần Thông báo số 189/TB-VPCP ngày 12/7/2010 của VP Chính phủ về việc thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

2/ Hỗ trợ Hà Tĩnh hoàn thành dự án số hóa, tin học hóa và phát sóng truyền hình lên vệ tinh (Dự án đã được phê duyệt với Tổng mức đầu tư là 145 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương nhưng hiện nay ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp nên khó khăn trong triển khai thực hiện)

3/ Hỗ trợ và giao cho Hà Tĩnh chủ trì các nội dung phát triển các giải pháp, dịch vụ phục vụ các lĩnh vực kinh tế như khai khoáng, luyện kim, Logistics, Kinh tế biển và ven biển, Nông nghiệp công nghệ cao, Lọc - hóa dầu (cho cả miền Trung vì chưa nơi nào làm việc này), nhằm hỗ trợ tỉnh trong quản lý các nhóm giải pháp phát triển.

4/ Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thông tin, truyền thông tại Khu Kinh tế Vũng Áng gắn với đô thị Nam Hà Tĩnh (Đang lập Đề án trình TTCP phê duyệt thành lập thị xã Hoành Sơn); Khu mỏ sắt Thạch Khê; Thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; hành lang phía Tây đường Hồ chí Minh. Trước mắt là hỗ trợ các Cụm thông tin đối ngoại tại Khu vực biên giới Cửa khẩu Quốc tế Cầu treo, Khu Kinh tế và Cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương.

5/ Tiếp tục hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, đặc biệt năm 2014 hỗ trợ thêm để khắc phục hệ thống thông tin liên lạc (100 bộ máy vi tính, 40 trạm truyền thanh cơ sở) bị hư hỏng do ảnh hưởng của bão số 10, hoàn lưu bão 11 gây ra; chương trình viễn thông công ích, bưu chính công ích và đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bưu điện văn hóa xã.

6/ Vận động Bộ KHCN cấp kinh phí từ Quỹ đổi mới công nghệ cho Hà Tĩnh thực hiện ứng dụng CNTT vào sản xuất nông nghiệp theo hình thức công nghệ cao vào các ngành chủ lực của tỉnh

7/ Hỗ trợ Đào tạo các CIO về CNTT, các chuyên gia bậc cao, chuyên viên, kỹ sư phần mềm phục vụ ứng dụng và phát triển Công nghiệp CNTT của tỉnh. Hỗ trợ Hà Tĩnh xây dựng Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Hà Tĩnh mang tầm khu vực, bảo đảm đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cho tỉnh, cho nước bạn Lào và một số tỉnh trong khu vực.

8/ Hà Tĩnh nằm trong vùng thường xuyên bị thiên tai đe doạ, hệ thống đê sông, đê biển, hồ đập rất lớn, đề nghị Bộ có các đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia, Ứng dụng CNTT để mô phỏng các biến cố, nhằm giúp Hà Tĩnh chủ động hơn trong công tác phòng chống bão lụt, thiên tai, hạn chế thiệt hại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của đồng chí Võ Kim Cự và ý kiến phát biểu của các đồng chí Thứ trưởng, Cục, Vụ, Viện,  đơn vị liên quan, đồng chí Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son hoan nghênh và đánh giá cao những thành tích, kết quả phát triển kinh tế - xã hội và lĩnh vực công nghệ Thông tin và Truyền thông của Hà Tĩnh đạt dược trong thời gian qua. Đồng chí Bộ Trưởng tiếp thu, ghi nhận và đồng tình, ủng hộ các kiến nghị, đề xuất của tỉnh. Đồng thời giao cho các Cục, Vụ, Viện, đơn vị có liên quan phối hợp với tỉnh để nghiên cứu, triển khai xây dựng các đề án lớn trình Chính phủ phê duyệt nhằm giúp Hà Tĩnh thực hiện tốt sự nghiệp phát triển công nghệ Thông tin và Truyền thông trong thời gian tới, để Công nghệ - Thông tin thực sự đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy  kinh tế -xã hội tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững. 


    Ý kiến bạn đọc