Luật cần xóa bỏ những khoảng trống pháp lý
EmailPrintAa
08:33 30/10/2019

Chiều ngày 29/10, tiếp tục chương trình kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Phó trưởng đoàn phụ trách đoàn ĐBQH Tĩnh - Nguyễn Văn Sơn chủ trì tổ thảo luận

Phó trưởng đoàn phụ trách đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Sơn chủ trì tổ thảo luận gồm các tỉnh: Hà Tĩnh, Hà Giang, Hậu Giang và Hải Dương. Đồng chí khẳng định việc cần thiết phải sửa đổi hai Luật nêu trên góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và lĩnh vực quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017) đã bộc lộ một số bất cập, khoảng trống trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, dẫn đến việc không thể khởi tố điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi này. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là rất quan trọng và cấp thiết.

Đại biểu Đoàn Hà Giang cho rằng khái niệm vũ khí quân dụng (quy định sửa đổi Khoản 2, Điều 3 dự thảo Luật) là chưa toàn diện, chưa bao phủ hết các loại vũ khí. Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn chỉnh khái niệm phù hợp và mang tầm bao quát.

Còn đại biểu Đoàn Hải Dương thì cho rằng không nên quy định cụ thể tên gọi của vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự, chỉ cần quy định là loại vũ khí được chế tạo sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất thì đều phải xử phạt. Và chỉ có như vậy mới không tạo kẽ hở trong quy định của pháp luật.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu cho rằng, dự án Luật cần làm rõ trình tự, thủ tục việc chuyển đổi mục đích thị thực nhằm đảm bảo tính rõ ràng khi áp dụng.

Kết thúc buổi thảo luận, đồng chí Nguyễn Văn Sơn tiếp thu, tổng hợp các ý kiến phát biểu đồng thời nhấn mạnh đến việc quản lý thị thực cần phải rà soát quản lý theo vùng, thắt chặt quản lý tại những vùng nhạy cảm về mặt quốc phòng an ninh và tạo điều kiện ở những vùng còn lại để người dân Việt Nam cũng như người nước ngoài có cơ hội giao thương, mở rộng hội nhập. Ngoài ra, đại biểu cho rằng luật cần tăng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, để các cơ quan này chịu trách nhiệm trước Quốc hội đối với những công việc mang tính chất hành chính, giảm thiểu thời gian làm việc của Quốc hội.

Phạm Nghĩa - Thúy An

    Ý kiến bạn đọc