Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội . Nhiều ĐBQH đặt vấn đề xung quanh các sự việc nổi cộm thời gian qua thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, như:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà |
Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;
Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này;
Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) chất vấn: Dư luận cử tri nêu việc đấu giá đất ở nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm, có nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá trên trời rồi âm thầm bỏ cọc, kết quả trúng đấu giá cao ngất ngưởng gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, điển hình như vụ đấu giá đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức vừa qua. Điều đó làm nhiễu loạn thị trường đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao tạo ra sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự, an ninh xã hội, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn) |
Trả lời các chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Báo cáo với Quốc hội về việc đấu giá đất và đặc biệt trong thời gian vừa qua đã nổi lên không chỉ có thổi giá mà thực tế còn là dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”. Điều đó gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng làm biến động thị trường bất động sản. Thứ hai là làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Thứ ba là làm thổi giá lên cao, tạo ra một mặt bằng giá mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế. Nếu nói sâu hơn nữa thì việc thổi giá lên đằng sau đấy còn rất nhiều hệ luỵ. Đặc biệt là các ngân hàng khi những giá đó là giá ảo nhưng lại có thể thế chấp để rút tiền ngân hàng lại là thực. Điều này sẽ làm mất an ninh tiền tệ. Rất nhiều đại biểu đã thấy rõ nguy cơ này…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội chất vấn (ảnh nguồn quochoi.vn) |
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp xử lý hiệu quả việc thu gom, xử lý rác, nhất là rác thải có Covid-19? Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả chiến dịch hạn chế dùng túi chất dẻo, túi ni lon và cần có giải pháp gì để đạt hiệu quả cao hơn? Quan tâm đến rác thải rắn và rác thải đô thị, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp để xử lý rác và hoàn nguyên những bãi rác hiện có vì vệ sinh môi trường và đô thị đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là nước thải và rác thải gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước, đất và phát thải khí nhà kính..
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, về chất thải y tế có Covid-19 và chất thải y tế nói chung, đây là vấn đề trong nhiều năm qua hết sức bức xúc. Bộ xác định đây là chất thải nguy hại, được quản lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại và quản lý chất thải y tế. Bộ Y tế sẽ xem xét và có hướng dẫn mang tính chuyên môn kỹ thuật, còn ngành tài nguyên môi trường hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, xác định phương pháp thu gom. Chúng tôi cũng đã cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý chất thải y tế này trong cả nước để cung cấp cho ngành y tế thời gian qua….
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự phiên chất vấn |
Giải trình thêm tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng quan điểm của Bộ là ủng hộ việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Liên quan đến vụ việc đấu giá đất Thủ Thiêm cơ quan chức năng đang tiến hành điều ra làm rõ và sẽ có kết luận chính thức trong thời gian tới.
Ngoài ra, cũng tại phiên chất vấn các đại biểu cũng đặt nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm trong sử dụng đất không theo quy hoạch; thông tin cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai; mất cân đối trong phân bổ đất nhất là đất cho mục đích công cộng; hướng dẫn sử dụng đất đa mục tiêu; việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương…
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời bổ sung liên quan đến giải pháp tài chính đất đai, hoàn thiện pháp luật về đấu giá đất.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định phiên chất vấn diễn ra thành công tốt đẹp; nhấn mạnh hoạt động chất vấn chính là sự cảnh báo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một vấn đề cần được lưu ý giải quyết, cũng là cơ hội để các Bộ trưởng thực hiện trách nhiệm giải trình, tạo sự đồng thuận xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn (ảnh nguồn quochoi.vn) |
Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần khoa học, đổi mới, dân chủ, trách nhiệm và tinh thần xây dựng rất cao, phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV diễn ra sôi nổi, dân chủ, thu hút được sự quan tâm chú ý rộng rãi của cử tri, Nhân dân cả nước và thành công tốt đẹp.
Qua phiên chất vấn cho thấy việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV rất đúng và trúng, vừa có tính thời sự, cấp bách vừa mang tính quan trọng cơ bản và lâu dài. Được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối 62 điểm cầu trên toàn quốc, phiên chất vấn tạo được sự tương tác, đối thoại trực tiếp giữa người hỏi và người trả lời, thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cả người điều hành, ngươi chất vấn và người trả lời chất vấn, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Kết thúc phiên chất vấn đối với từng lĩnh vực, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành đã có tổng hợp và sơ kết từng nội dung.
Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 Bộ trưởng thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường và công thương, đã có tổng số 80 đại biểu đăng ký chất vấn (có 35 đại biểu đối với lĩnh vực công thương, 45 đại biểu đối với tài nguyên và môi trường), trong đó có 48 đại biểu đã trực tiếp tham gia chất vấn và 10 đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Đối với các vị đại biểu Quốc hội chưa được trả lời hoặc có nhiều đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian chưa được chất vấn, đề nghị tiếp tục gửi các câu hỏi đến các thành viên Chính phủ để được trả lời bằng văn bản.
Các vị Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp trả lời, giải trình, tiếp thu đầy đủ. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp... đã tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Đối với lĩnh vực công thương, nội dung chất vấn chủ yếu tập trung vào vấn đề về sản xuất, cung ứng nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu; công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; các giải pháp lưu thông xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, nhất là đối với nông sản.
Đối với ngành tài nguyên và môi trường, nội dung chủ yếu tập trung vào công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng về đất đai, công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lĩnh vực, việc kiểm soát hợp đồng xả thải của các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nước thải tại các địa phương.
Qua phiên chất vấn cho thấy, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành mặc dù đã có kinh nghiệm đăng đàn như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hay mới lần đầu trực tiếp trả lời chất vấn như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lĩnh vực quản lý rộng, phạm vi đối tượng điều chỉnh lớn và nhạy cảm, ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, nhưng các vị Bộ trưởng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc tồn tại đã nhiều năm. Đồng thời đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, làm rõ những nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, từ đó góp phần nâng cao năng lực điều hành, quản lý, quản trị, kiến nghị, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu, nắm chắc vấn đề, đặc biệt là các vấn đề dư luận và cử tri quan tâm, bám sát thực tiễn thực tế địa phương và lĩnh vực được chất vấn để đặt các câu hỏi và tranh luận có chất lượng. Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các Trưởng ngành liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo quy định đã tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan.
Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề ngày hôm nay, tôi đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3 này. Đây cũng là một trong những đổi mới căn cơ trong hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục chủ động đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn nói riêng, làm cho công tác giám sát thực sự trở thành một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.
Để Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi vào cuộc sống, ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trước cử tri cả nước, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu mong mỏi của nhân dân và cử tri cả nước cũng như của đồng bào ta ở nước ngoài. Các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở nghị quyết về chất vấn, tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, chủ động tổ chức các phiên giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách tại Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước.
Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động hơn nữa trong việc thực hiện chức năng giám sát, góp phần quan trọng thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri, tích cực giám sát việc thực hiện giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đồng bào và cử tri cả nước đã dành thời gian quan tâm, theo dõi. Cảm ơn các thành viên của Chính phủ đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, trực tiếp trả lời chất vấn và tham gia giải trình, làm rõ thêm các vấn đề liên quan. Cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã kịp thời đưa tin, tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp đến đồng bào, cử tri, nhân dân cả nước để hoạt động chất vấn của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng gắn bó, gần với nhân dân hơn.
Với tinh thần và kết quả của phiên chất vấn, trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV sẽ tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với những chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống của người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của nhân dân sẽ ngày càng được củng cố vững chắc.
Tin mới cập nhật
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)
- Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Tĩnh ( 10/11)
- Quy định rõ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề ( 09/11)
- Đại biểu Quốc hội góp ý chi tiết về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng ( 09/11)