Nhiều vấn đề “nóng” trên lĩnh vực Y tế được làm rõ
EmailPrintAa
15:53 10/11/2021

Sáng 10/11/2021, tại Hội trường Diên Hồng, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; việc đảm bảo cung cấp và quản lý giá xét nghiệm đối với các vật tư y tế liên quan đến COVID-19; thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo với Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước về những nội dung đã làm được cũng như những vấn để còn hạn chế.

Đối với câu hỏi về giá các thiết bị y tế, nhất là giá sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trang thiết bị y tế, sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm không thuộc lĩnh vực quản lý và được quản lý theo luật giá. Giá các mặt hàng của các hãng, các quốc gia khác nhau cũng có sự khác biệt rõ rệt; tùy theo từng thời điểm thậm chí cùng thời điểm nhưng giữa nước có nhu cầu cao và nhu cầu bình thường thì giá ở nước có nhu cầu cao cũng cao hơn. Từ 01/7/2021, Bộ Y tế đã tiên lượng được thị trường test nhanh, việc dùng test nhanh sẽ sôi động hơn nên Bộ đã có văn bản yêu cầu tất cả đơn vị thuộc bộ và địa phương thực hiện theo phương thức minh bạch, trường hợp người dân tự nguyện đến xét nghiệm thì chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, vì vậy có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị đối với các cơ sở tư nhân.

Bộ Y tế cũng đã có 2 Công điện gửi các cơ sở y tế là không thu tiền của người bệnh trong xét nghiệm COVID-19, trong trường hợp có Bảo hiểm y tế thì thanh toán bảo hiểm y tế, trường hợp không có bảo hiểm y tế thì do ngân sách Nhà nước chi trả. Thủ tướng cũng lên tục có chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt, không có lợi ích nhóm. Thời gian tới, để đảm bảo nguồn cung và giá thành các sản phẩm, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 16 về giá xét nghiệm; chú trọng các sản phẩm sản xuất trong nước (hiện nay nước ta có 8 doanh nghiệp cung cấp test nhanh, PCR, kháng thể).

Về nguyên tắc phân phối vaccine, tập trung phân bổ cho tỉnh thành phố có diễn biến dịch phức tạp, những địa phương có nguy cơ cao. Trong Nghị quyết 21 cũng quy định cụ thể các đối tượng ưu tiên sử dụng vaccine, thời gian qua Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương phân bổ vaccine với người cao tuổi trên 50 và 65 tuổi. Theo Nghị quyết 128 đã quy định rõ với các địa phương trong tháng 10 phải phủ cho được đối tượng trên 65 tuổi và đến tháng 11 phủ trên 50 tuổi. Một số địa phương đã tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Trong tháng 11 sẽ triển khai trên địa bàn toàn quốc tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Về tiêm mũi thứ 3, hiện Bộ Y tế mới lập kế hoạch và chưa tiêm mũi 3, dự kiến tiêm vào cuối tháng 12; trong 2 tuần đầu tháng 11 sẽ cố gắng phủ hết mũi 1 rồi đến mũi 2, sau đó mới tiêm mũi 3. Mũi 3 sẽ ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, có bệnh nền.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn sáng 10/11

Việc học sinh không được đi học, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất sớm đưa học sinh trở lại trường học. Các biện pháp phòng chống dịch đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể. “Đề nghị, không nên chờ đợi khi có vaccine mới cho học sinh đến trường. Vì độ rủi ro của dịch bệnh đối với các em không cao, nên các địa phương cần mạnh dạn đưa các cháu đến trường. Các nước trên thế giới hiện đang ưu tiên học trực tuyến và xem đây là giải pháp hữu hiệu đối với các học sinh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Trả lời tranh luận của đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thừa nhận: Hệ thống y tế cơ bản của Việt Nam thực tế không đáp ứng được khi dịch bệnh xảy ra, nhất là đối với địa bàn có dịch phức tạp. Nhiều trạm y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; còn 20% trạm y tế chưa được xây dựng, sửa chữa. Năng lực y tế cơ sở, tuyến xã còn có hạn chế; mỗi Trạm y tế xã hiện nay có 6-12 người không đáp ứng theo yêu cầu thực tế…

Từ những khó khăn này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu lên một số giải pháp thời gian tới như: Đưa bác sỹ từ trạm y tế xã lên các trung tâm y tế huyện vừa khám vừa học hỏi; thiết lập hệ thống khám chữa bệnh từ xa; tổ chức lại y tế tuyến xã, hình thành mô hình bác sỹ gia đình; đổi mới cơ chế tài chính đối với trạm y tế; từ nguồn vốn 200 triệu USD của các tổ chức quốc tế như ADB, WB, Bộ dự kiến đầu tư cho 29 tỉnh, thành phố, trong đó đầu tư nâng cấp sửa chữa gần 1.000 trạm y tế.

Chiều nay, 10/11, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Trần Đình Trọng

    Ý kiến bạn đọc