Tham dự có đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng; Cục thuế, Cục Thi hành án dân sự, Công ty Điện lực Hà Tĩnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Các đại biểu tập trung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, việc sửa đổi một số điều của 8 luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Đại biểu tham dự phiên thảo luận tổ ở Hà Tĩnh |
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công: Dự thảo luật lần này điều chỉnh về nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Cácđại biểu cũng đã tập trung thảo luận thêm về phân loại, thẩm quyền, quy trình, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình, dự án, xây dựng kế hoạch đầu tư công 5 năm và hàng năm; trách nhiệm của các cơ quan trong quyết định chủ trương đầu tư; công tác giám sát, đánh giá.
Về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư: cần phải có cơ chế tăng cường giám sát, kiểm tra, đồng thời việc thẩm định và lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đảm bảo đúng quy định mà không làm phát sinh thủ tục hành chính.
Về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 75, Luật Đầu tư số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở). Đây là chính sách lớn, tác động đến tài chính, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, có thể tác động đa chiều đến thị trường bất động sản .
Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 4, Luật Điện lực theo hướng quy định nhà nước độc quyền trong “vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”; “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ”… Xã hội hóa trong hoạt động truyền tải điện là chính sách mới được bổ sung, có ý nghĩa hết sức quan trọng; trong khi đó, dự thảo Luật sẽ được thông qua trong một kỳ họp, đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ, các nội dung có liên quan để đề xuất sửa đổi, đảm bảo khi luật ban hành phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Thời gian áp dụng thuế suất thấp 5 năm như Tờ trình của Chính phủ có phù hợp không, có nên chăng chỉ áp dụng cho thời hạn khoảng 2-3 năm. (Việc giảm thuế sâu, kéo dài trong nhiều năm sẽ tác động tiêu cực ngay đến các nhà sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đối với xe chạy bằng xăng dầu, khi không có đủ thời gian, công nghệ và nguồn lực để chuyển đổi kịp thời sang dòng xe điện chạy pin).
Về sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự: Điều 10 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự theo hướng: Làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” (điểm b, khoản 1, Điều 55) trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản (khoản 2, Điều 55 và khoản 2, Điều 57).
Đồng chí Hoàng Trung Dũng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh |
Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung của các Luật. Tuy nhiên, quá trình thi hành luật hiện hành còn có một số vướng mắc, bất cập. Cần phải thống nhất giữa Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư về việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất, quyết định chủ trương đầu tư. Đề xuất sửa đổi tổng thể Luật Thi hành án dân sự. Quy hoạch đồng bộ về các dự án điện lực từ Trung ương đến địa phương, quan tâm quản lý giá điện, công tác quản lý nhà nước về truyền tải điện; quan tâm đến các dự án điện mặt trời tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tin mới cập nhật
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)
- Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Tĩnh ( 10/11)
- Quy định rõ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề ( 09/11)
- Đại biểu Quốc hội góp ý chi tiết về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng ( 09/11)