Tại điểm cầu tỉnh Hà Tĩnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì, cùng dự có các vị đại biểu Quốc hội tại địa phương; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, đại diện các Ban HĐND tỉnh, Sở Tài Chính, Sở Giao thông – Vận tải và lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Về chủ trương Đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ cao tốc luôn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của liên kết vùng và quốc gia. Toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, việc tiếp tục đầu tư 756 km còn lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành toàn tuyến, góp phần cùng các hình thức khác đảm bảo năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh theo chiến lược phát triển mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn phát biểu |
Đối với Hà Tĩnh là địa phương có 109 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua, trong đó có 4,84 km thuộc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đã bàn giao mặt bằng sạch và đang triển khai thi công; đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài khoảng 36 km; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng có chiều dài khoảng 54 km; và 14 km trong tổng 58 km đoạn Vũng Áng - Bùng. Đặc biệt việc đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc đoạn Bãi Vọt – Vũng Áng kết nối đến Khu kinh tế Vũng Áng trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết nhằm góp phần kết nối nhanh, thuận tiện giữa Khu Kinh tế Vũng Áng với nước bạn Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan qua Quốc lộ 8A đang được đầu tư xây dựng và kết nối với cả nước.
Theo thiết kế tuyến cao tốc qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh có đi qua các khu vực gồm khu vực kho đạn K19 thuộc khu vực giáp ranh các xã Thạch Ngọc, Việt Tiến, Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà; khu hậu cứ E92, xã Cẩm Quan và trường bắn Trung đoàn 841, xã cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần lấy thêm ý kiến thỏa thuận của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 để đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện dự án.
Về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ : Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hải Phòng nhằm tạo thuận lợi trong thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền. Tại kỳ họp này Quốc hội tiếp tục xem xét cơ chế đặc thù cho Thành phố Cần Thơ.
Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Đồng thời, với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của Vùng đồng bằng sông Cửu Long là Trục hành lang thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Cần Thơ và Trục sông Hậu (An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng), thành phố Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của Vùng. Cần Thơ có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là tài nguyên đất và nước, với hậu phương rộng lớn là cả Vùng đồng bằng sông Cửu Long với nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kết nối giao thương và hợp tác quốc tế.
Hầu hết các ý kiến thảo luận đều đồng tình việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là hết sức cần thiết, nhất là cơ chế về các chính sách quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; cơ chế thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư các dự án; chính sách liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia xin cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng của đại biểu tham dự. Đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu sâu các dự án Luật để góp ý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)