Quốc hội thảo luận tại Hội trường cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
EmailPrintAa
13:55 07/01/2022

Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 7/1/2021, các đại biểu thảo luận trực tuyến tại Hội trường Diên Hồng và 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh

Cùng dự có các đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình, cụ thể như: Tăng bội chi ngân sách Nhà nước để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; trong đó năm 2022 khoảng 102.800 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua). Đối với năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.

Đại biểu tham dự kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội Khóa XV

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 đã được kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV thông qua với quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tuy nhiên trước những diễn biến phức tạp và tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid trong thời gian qua, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, cấp bách nhằm cụ thể hóa Kết luận Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại, triển khai các nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội, Chính phủ ban hành đồng thời chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ cùng lúc, nên Chương trình sẽ tạo sự đột phá, lan tỏa lớn, với yêu cầu triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống thực tế hiện nay, đặc biệt sẽ giúp không bị rơi vào suy thoái, sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như động lực tăng trưởng trong dài hạn. Qua đó, tiếp tục khẳng định cam kết hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, việc xây dựng Chương trình tập trung thực hiện trong năm 2022-2023 cần đặt trong Chiến lược tổng thể phục hồi và phát triển dài hạn hơn; cần tiếp tục cụ thể hoá, đưa ra nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng, có thứ tự ưu tiên, phân nhóm hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp, tách những việc cần làm ngay, những nội dung cần triển khai từng bước để bảo đảm khả thi. Các chính sách hỗ trợ cũng cần có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai. Đặc biệt, chính sách muốn triển khai hiệu quả thì cần tính toán việc huy động nguồn lực đảm bảo một cách đầy đủ, nhanh chóng và an toàn; nhất là các nguồn vay phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường (Ảnh Quang Khánh - nguồn Báo Đại biểu nhân dân)

Bên cạnh đó, cũng rất quan tâm khả năng hấp thụ của nền kinh tế để bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Muốn vậy, phải chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn ngay từ đầu để không xảy ra sai sót, vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực rất lớn trong khoảng thời gian ngắn.

Thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là những chính sách bổ sung ngoài khung khổ của chính sách tài chính tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, kế hoạch tài chính, kế hoạch vay trả nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm của giai đoạn 2021-2025; đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề của dịch COVID-19.

Đối với nền kinh tế, gói tài khóa tiền tệ này nhằm mục đích kích thích và tạo sự đột phá, giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn cũng như không để lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế của thế giới.

Để đạt được các mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH đề ra, đồng thời hạn chế lạm phát, các đại Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh kính đề nghị Quốc hội cần quan tâm một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ngay từ khâu xây dựng và hoạch định chính sách. Cả hai chính sách này phải tác động vào tổng cung và tổng cầu. Trong đó, cung là hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp, cho người sử dụng lao động, giảm thuế, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Cầu là kích cầu thị trường, kể cả thị trường dịch vụ hàng hóa và kích cầu đầu tư trong nước của các thành phần kinh tế, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư của các thành phần kinh tế.

Thứ hai: Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, đó là tiền đề để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Vì vậy, gói hỗ trợ tài khóa cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế. Trong năm 2021, chúng ta đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, trong ngắn hạn, khi doanh nghiệp đang hết sức khó khăn thì việc hỗ trợ trực tiếp, kịp thời là hết sức cần thiết. Nhưng khi dịch bệnh dần được kiểm soát, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, chính sách như: Chính sách hỗ trợ khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, logistics, hỗ trợ thị trường lao động, thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Thứ ba: Trong năm 2021, việc sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp như: Giảm lãi suất, kéo dài thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho vay 0% cho các doanh nghiệp trả lương ngừng việc, khôi phục sản xuất, tái cấp vốn 0% đối với các TCTD cho vay đối với VNA đã phần nào hỗ trợ được khó khăn cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, trong dài hạn điều này khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các TCTD. Điều này nếu không được nhận diện đầy đủ, kịp thời thì sẽ gây ra áp lực cho CSTT và ảnh hưởng đến năng lực tài chính của TCTD vì vậy phải cần sự hỗ trợ kịp thời của chính sách Tài khóa để giảm bớt các rủi ro khi sử dụng CSTT.

Thứ tư: Thời gian qua, cùng với giá xăng, các nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất đều tăng mạnh (yếu tố chi phí đẩy) khiến cho các doanh nghiệp đã khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 lại càng khó khăn thêm. Vì vậy, cần có các chính sách tài khóa hỗ trợ bằng hình thức giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào của một số ngành trọng yếu, để kích thích sản xuất.

Buổi chiều các đại biểu tiếp tục thảo luận; thanh viên Chính phủ sẽ giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm./.

Xuân Hoa

    Ý kiến bạn đọc