Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều cho thấy: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 3 Điều, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai; bổ sung một số loại hình thiên tai; điều tra cơ bản trong phòng, chống thiên tai; kế hoạch phòng, chống thiên tai; việc hình thành Quỹ Phòng, chống thiên tai và quy định quản lý thu chi của Quỹ; thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; quy định với cấp phép nạo vét luồng lạch đối với đê từ cấp III trở lên và việc sử dụng bãi nổi, cù lao.
Tham gia phát biểu thảo luận, liên quan đến Luật Phòng chống thiên tai (PCTT), đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia đề nghị nên nghiên cứu, xem xét cho thành lập Cơ quan Quản lý Quỹ Phòng chống thiên tai cấp huyện (hình thức kiêm nhiệm, không bổ sung biên chế) tại Khoản 1, Điều 10. Đại biểu cho rằng việc xây dựng kế hoạch, thu và nộp quỹ Phòng chống thiên tai hàng năm chủ yếu là ở cấp huyện thực hiện; ngoài ra cấp huyện còn quản lý 20% nguồn thu Quỹ, vì vậy khi có thiên tai xảy ra sẽ giúp chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả.
Cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về phương án ứng phó với thiên tai đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước có quy định “Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện; tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi có trách nhiệm lập và rà soát, điều chỉnh, bổ sung hằng năm phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp”; Phương án ứng phó thiên tai thực hiện theo quy định tại Điều 22, Luật Phòng, chống thiên tai. Nếu theo quy định của Điều 22, Luật PCTT thì phương án ứng phó thiên tai có rất nhiều nội dung, cần có sự phối với giữa chủ đập và chính quyền địa phương các cấp (như sơ tán, ứng cứu, bảo đảm an ninh, vật tư, phương tiện...) nếu để Chủ đập tự lập và phê duyệt như quy định tại điểm a, Điều 22, Luật PCTT thì không khả thi, đề nghị nghiên cứu lại để đồng bộ các nội dung giữa Nghị định 114/2018/NĐ-CP và Luật PCTT.
Tại khoản 4, Điều 12 có quy định “nghiêm cấm các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý, khắc phục”, đại biểu cho rằng việc quy định điều cấm như trên sẽ khó thực hiện; trên thực tế do không có quy định cụ thể các biện pháp xử lý, khắc phục (xử lý, khắc phục đến mức độ nào; khắc phục dòng chảy như trước khi có hoạt động hay như thế nào), đề nghị quy định rõ, không mang tính định lượng do đây là điều cấm, rất quan trọng.
Đại biểu Trần Đình Gia - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bí thư huyện ủy Kỳ Anh phát biểu ý kiến
|
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Đình Gia cũng đề nghị chỉnh sửa nội dung “Dân quân tự vệ, lực lượng xung kích, các tổ chức đoàn thể của địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền” tại khoản 2, Điều 6 (Nguồn nhân lực phòng chống thiên tai), cần quy định người chỉ huy phòng chống thiên tai và chỉnh sửa nội dung “Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành phải đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống thiên tai” tại khoản 2, Điều 13. Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung “Chủ tịch UBND các cấp quyết định sử dụng nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương để cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn theo quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai” tại mục b, khoản 2, Điều 33.
Đối với Luật Đê điều , tại Điều 26 đề nghị định nghĩa rõ về các loại công trình như công trình quốc phòng - an ninh, công trình giao thông, công trình ngầm phục vụ phát triển kinh tế xã hội...
Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)