Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục khó khăn, hạn chế trong thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh - Trần Đình Gia thảo luận
|
Sự ra đời của Luật Nhà giáo góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo, thích ứng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việc sửa đổi Luật Việc làm tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động.
Quy định rõ đối tượng, điều kiện tuyển dụng đặc cách, ưu tiên
Thảo luận dự án Luật Nhà giáo, các đại biểu nêu thực trạng về đội ngũ nhà giáo và công tác phát triển đội ngũ nhà giáo như: Các quy định về quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo thiếu đồng bộ, còn chồng chéo, khó áp dụng; vấn đề mất cân đối trong cơ cấu, thừa, thiếu cục bộ giáo viên; tỷ lệ giáo viên/lớp nhiều nơi chưa đảm bảo; chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa phản ánh đúng vai trò và vị thế của nhà giáo.
ĐBQH tỉnh Lâm Đồng - Trịnh Tú Anh phát biểu
|
Khẳng định truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã thấm sâu trong văn hóa Việt Nam, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển con người, các đại biểu cho rằng đây là luật mới, quy định đối tượng quy định tại nhiều văn bản quy phạm liên quan. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tham khảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách, pháp luật nhà giáo. Cần cân nhắc việc áp dụng tiêu chuẩn về sức khỏe khi xem xét bổ nhiệm hạng chức danh nhà giáo; rà soát, chỉnh lý quy định cơ sở giáo dục, bảo đảm thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Luật Viên chức.
Các đại biểu cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước chi trả kinh phí bồi dưỡng đối với nhà giáo ở khu vực công lập và ngoài công lập khi tham gia các chương trình bồi dưỡng bắt buộc và lựa chọn. Đồng thời, làm rõ sự khác biệt giữa chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng quy định với phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Các đại biểu đề nghị quy định cụ thể về thẩm quyền, nguyên tắc, điều kiện, trường hợp điều động nhà giáo; điều kiện, trình tự, thủ tục thuyên chuyển nhà giáo. Bổ sung thẩm quyền quy định chuẩn nghề nghiệp đối với nhà giáo công tác tại các trường thuộc tổ chức chính trị - xã hội; phân biệt rõ đối tượng, quy định điều kiện được tuyển dụng đặc cách, đối tượng được ưu tiên; có chính sách đủ mạnh thu hút nhà giáo ở lại công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Cà Mau - Đinh Ngọc Minh phát biểu
|
Cần xem xét giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên dạy các bộ môn nghệ thuật; quan tâm chế độ, chính sách cho nhân viên trường học ; bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi bạo lực; có chế tài xử lý đối với các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của giáo viên.
Các đại biểu đề nghị quy định các chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái nhà giáo theo hướng phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động của cơ quan quản lý giáo dục. Xem xét, bảo lưu một số chính sách nhà giáo đối với cán bộ quản lý giáo dục nguyên là nhà giáo; phân biệt rõ giữa nhà quản lý và nhà giáo trong một cơ sở giáo dục.
Xã hội hóa, thu hút nguồn lực cho vay giải quyết việc làm
Thảo luận sửa đổi Luật Việc làm, các đại biểu đề nghị bổ sung chính sách đào tạo, bồi dưỡng người lao động; hỗ trợ và mở rộng các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân; quy định việc làm không trọn thời gian của học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi; đào tạo kỹ năng, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp; quy định về xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội cho vay giải quyết việc làm.
Đối với việc thành lập Hội đồng kỹ năng nghề cần đánh giá, rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối, không thành lập các tổ chức trung gian, xác định rõ tiêu chuẩn, điều kiện, mức phí hay giá dịch vụ cấp thẻ cho đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia.
ĐBQH tỉnh Lâm Đồng - K’ Nhiễu phát biểu
|
Các đại biểu đề nghị sửa đổi Luật Việc làm cần làm rõ sự khác biệt, tính liên thông, lộ trình đăng ký lao động, đánh giá kỹ chi phí tài chính và hành chính khi xây dựng hệ thống thông tin về quản lý lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động. Rà soát bảo đảm nguồn lực cho vay, vốn ngân sách địa phương bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, tránh chồng chéo, phát sinh thêm các điều kiện, thủ tục hành chính.
Các đại biểu đề nghị bổ sung nhóm đối tượng “người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức” được hưởng trợ cấp thất nghiệp; bổ sung các chính sách việc làm đối với nhóm đối tượng chấp hành xong hình phạt tù theo quy định của pháp luật.
Cần quy định rõ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương chi cho hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề; cơ chế tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp với tổng thể việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Tin mới cập nhật
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)
- Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Tĩnh ( 10/11)
- Đại biểu Quốc hội góp ý chi tiết về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng ( 09/11)