ĐBQH Võ Kim Cự (Hà Tĩnh): Ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia nên tập trung cho cơ sở
Cần rà soát lại thật kỹ lưỡng, khách quan và chính xác các chương trình mục tiêu quốc gia. Vì dự kiến ngân sách Trung ương dành cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia trong danh mục mà Chính phủ đề nghị thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 là rất lớn. Điều đáng nói là, có không ít dự án, chương trình hợp phần của một số chương trình mục tiêu quốc gia bị trùng lặp cả về nội dung, nhiệm vụ và bố trí ngân sách; nhiều nội dung thuộc về nhiệm vụ chi thường xuyên của các ngành, các cấp nhưng chúng ta cũng vẫn đưa vào ngân sách dành cho chương trình mục tiêu quốc gia. Phải xem xét thật kỹ để tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước. Đặc biệt, nên thực hiện các chương trình có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ, một số chương trình mục tiêu quốc gia bị trùng lặp nội dung về xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn thì có thể xem xét, tập trung nguồn lực từ các chương trình này cho Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Tôi nghĩ xây dựng nông thôn mới vừa là nhiệm vụ cơ bản vừa là chiến lược phát triển lâu dài của đất nước. Thực chất, đào tạo nghề, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo... cũng là phục vụ cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Vì thế, nên giảm nguồn lực từ các chương trình khác để tập trung cho việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây vừa là nhiệm vụ KT-XH, vừa là nhiệm vụ chính trị của chúng ta, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.
Bên cạnh đó, phần lớn các chương trình mục tiêu quốc gia này đều là dành cho cơ sở, thực hiện ở cơ sở như chương trình nước sạch, chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới... Từ mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia thì rõ ràng ngân sách nhà nước phải ưu tiên cho cơ sở. Cần có sự điều chỉnh trong phân bổ ngân sách dành cho các chương trình mục tiêu theo tinh thần hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở.
ĐBQH Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh): Nói lồng ghép thì rất dễ nhưng thực tế thì khá lúng túng...
Báo cáo thẩm tra về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Ủy ban Tài chính và Ngân sách là căn cứ giúp ĐBQH, QH thảo luận về các chương trình này. Tuy nhiên, để quyết định chính xác danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 thì Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách là chưa đủ. ĐBQH rất cần ý kiến đánh giá về nội dung các chương trình này của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chuyên môn của QH. Vì nội dung cụ thể của các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan rất nhiều đến lĩnh vực chuyên môn của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc lồng ghép các chương trình này ở cơ sở như thế nào. Ta cứ nói lồng ghép, lồng ghép thì rất dễ, rất đơn giản nhưng thực tế lại khá lúng túng. Ví dụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nếu ta đối chiếu các chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang được thực hiện với 19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới thì sẽ thấy có rất nhiều tiêu chí trùng nhau, nhiều chương trình hiện nay cũng là nhằm thực hiện 19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề xuất xem xét, rà soát và loại bỏ một số dự án mang tính chất chi thường xuyên của các Bộ, ngành và địa phương. Đề xuất này chứng tỏ Ủy ban Tài chính và Ngân sách đã rất nghiêm túc và sâu sắc trong quá trình thẩm tra, không chỉ dừng lại ở việc thẩm tra về ngân sách của các chương trình mà còn đi sâu, đánh giá cả về các dự án thành phần của các chương trình này. Nhưng tôi băn khoăn ở chỗ, để thực hiện được Chương trình mục tiêu quốc gia thì cần kết hợp đồng bộ rất nhiều giải pháp, cả về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cả về quản lý, kỹ thuật... Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị loại bỏ khỏi một số chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... các dự án mang tính chất thông tin giáo dục, truyền thông. Tôi nghĩ cần cân nhắc thêm về điều này. Nếu đứng dưới góc độ tài chính ngân sách có thể đề xuất này hợp lý. Nhưng thực tế, công tác thông tin, giáo dục truyền thông có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc huy động toàn xã hội tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Khi có được sự đồng thuận của toàn xã hội thì các biện pháp về quản lý, kỹ thuật mới phát huy hết hiệu quả.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Trách nhiệm của chúng ta là phải sử dụng ngân sách đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất
Nhu cầu thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của chúng ta là rất lớn. Nhưng thực tế, nguồn lực của chúng ta không nhiều. Kế hoạch 5 năm 2011-2015, chúng ta dự kiến phát hành 225 nghìn tỷ vốn trái phiếu Chính phủ, trong khi nhu cầu lên tới 500 nghìn tỷ đồng là rất khó khăn. Trách nhiệm của chúng ta là phải sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đúng mục đích và hiệu quả nhất nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.
Việc tiếp tục thực hiện 15 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay và bổ sung thêm 1 chương trình mục tiêu quốc gia nữa trong giai đoạn 2011-2015 là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chương trình này cần lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, Chính phủ phải tiếp tục rà soát các dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia. Tôi rất đồng tình Chính phủ đã đề nghị loại bỏ gần 30 dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay do trùng lặp nội dung với một số chương trình khác. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án nữa có thể loại bỏ được để tăng đầu tư cho các chương trình cần thiết hơn. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến tính bền vững của các dự án thành phần. Thực tế tôi thấy có những dự án thành phần mà tính bền vững không cao. Ví dụ dự án thoát nghèo bền vững mà thực tế chúng ta đã giúp người dân thoát nghèo bền vững được hay chưa? Phải quan tâm đến hiệu quả bền vững của các dự án thì mới bảo đảm tính bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia được. Ví dụ, chúng ta thực hiện dự án truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về một vấn đề nào đó thì phải xác định nâng cao nhận thức ở mức độ nào để khi dự án không thực hiện nữa thì vẫn giữ được thành quả của dự án. Thứ hai là cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát và kiểm toán thường xuyên đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm ngân sách chi cho các chương trình này được quản lý và sử dụng có hiệu quả. Thứ ba, cần xác định rõ ràng và chính xác các mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực tế, 10 năm qua, chúng ta đã có những chương trình mục tiêu quốc gia không đạt yêu cầu đặt ra. Chương trình nước sạch và môi trường nông thôn thì 9/9 mục tiêu đều không đạt được; chương trình về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng có đến 7/9 mục tiêu không đạt... Phải xác định rõ ràng, cụ thể mục tiêu của từng chương trình thì mới có thể đánh giá hiệu quả của các chương trình một cách chính xác và rút được những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Thứ tư, cần xây dựng cơ chế chính sách chính thức cho hình thức đầu tư công tư kết hợp (PPP). Trong giai đoạn hiện nay, với túi tiền của Nhà nước còn mỏng, nếu chúng ta xây dựng được một cơ chế chính sách hợp lý thì sẽ thu hút được nguồn vốn tư nhân vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều công trình hiện nay, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn hoàn toàn có thể thu hút đầu tư của thành phần kinh tế tư nhân để giảm áp lực đối với ngân sách của Nhà nước.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)