Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, sáng nay, 18.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1)”. Khoa học, chặt chẽ, tránh chồng chéo Báo cáo về Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát nêu rõ, nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách quy định tại Nghị quyết số 43/2023/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia (Dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1). Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng cho biết, phạm vi giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2023/QH15 là từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31.12.2023 và các thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước; phạm vi giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng quốc gia nêu trên là từ khi ban hành Nghị quyết đến hết ngày 31.12.2023 và các thời kỳ trước, sau có liên quan theo từng dự án cụ thể. Cần tiếp cận theo các nhóm vấn đề lớn Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí và đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự thảo Kế hoạch và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát. Liên quan đến đối tượng giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần bổ sung thêm HĐND để đúng và phù hợp với Nghị quyết số 94/2023/QH15 của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ, trong Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chưa chia khung, phân biệt rõ 7 dự án cụ thể trong khi mỗi dự án có một đặc thù và phân bổ khác nhau. Do đó, cần phải thiết kế lại Đề cương theo hướng có phần nội dung chung nhưng đồng thời cũng phải chia rõ, cụ thể từng dự án. Đánh giá đây là chuyên đề giám sát rộng nhưng thời gian rất ngắn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, với phạm vi giám sát như đã nêu, cần xác định phạm vi trọng tâm, trọng điểm để tránh dàn trải và quá trình giám sát có hiệu quả, kịp tiến độ báo cáo Quốc hội. Một số ý kiến cũng cho rằng HĐND các tỉnh, thành phố vừa tham gia giám sát, vừa là đối tượng chịu sự giám sát, do vậy, cần thiết phải có báo cáo cả 2 phần nội dung này. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện Kế hoạch, Đề cương báo cáo, hồ sơ giám sát. Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tập trung rà soát, xác định rõ phạm vi, mục tiêu trọng tâm, trọng điểm của chuyên đề giám sát. Nội dung và phạm vi giám sát rộng, nhiều nội dung chuyên sâu, vì vậy, cần tiếp tục xem xét rà soát bảo đảm tiếp cận theo các nhóm vấn đề lớn, nghiên cứu kỹ để sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 43/2023/QH15 và các Nghị quyết về chủ trương đầu tư của một số dự án trọng điểm quốc gia. Về lựa chọn đối tượng giám sát, tổ chức giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần bố trí lực lượng làm việc phù hợp, không hình thức, bảo đảm hiệu quả và ảnh hưởng ít nhất đến hoạt động của các bộ, ngành, địa phương; huy động HĐND các địa phương phối hợp với Đoàn ĐBQH thực hiện giám sát tại địa phương. |
Tin mới cập nhật
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)
- Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Tĩnh ( 10/11)
- Quy định rõ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề ( 09/11)
- Đại biểu Quốc hội góp ý chi tiết về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng ( 09/11)