Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012
EmailPrintAa
10:33 08/06/2014

Sáng 7/6 tại phiên họp hội trường, Quốc hội thảo luận Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Tham gia thảo luận, đại biểu Võ Kim Cự, PBT Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh khẳng định:

Trong thời gian vừa qua Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nhiều chủ trương, nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho chương trình giảm nghèo, đã huy động được cả hệ thống chính trị thường xuyên vào cuộc nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Có hàng triệu người dân được hưởng lợi từ chính sách này. Đây là chính sách đúng đắn, vừa đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định chính trị theo hướng phát triển bền vững, khẳng định được chế độ ưu việt của Đảng, nhà nước ta, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5/NQ-TƯ về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân và Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới. Đây là nền tảng, điều kiện, cũng là mục tiêu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Những nơi nào sáng tạo để thực hiện được chủ trọng xã hội hoá trong giảm nghèo và liên kết hóa; doanh nghiệp hóa thì nơi đó thành công trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung, đặc biệt là giảm nghèo bền vững và ngược lại. Vì nếu làm cho người nông dân biết thoát nghèo đi lên bằng chính lao động, đất đai của chính mình để họ biết liên kết từng hộ với nhau, từng xóm, xã với nhau và liên kết với quy mô vùng, liên vùng với nhau để có hàng hóa chủ lực của nông nghiệp lớn hơn, để chế biến và tiêu thụ thì chắc chắn vượt qua được nghèo đói. Trong đó nền tảng vẫn là xã hội hóa. Ví dụ: gắn kết giữa nhà khoa học, nhà nông dân, các tổ chức chính trị, doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng với các hộ nông dân.

Đồng thời với các tổ chức chính trị xã hội, hệ thống của Đảng, chính quyền, và ngành lao động thì vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nông dân, phụ nữ, hội cựu chiến binh, thanh niên và các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng chính sách xã hội có vai trò quan trọng. Nghị định 78/ NĐ- CP của Chính phủ rất đúng đắn, hợp lòng dân, đi vào cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội.

 

Đại biểu Võ Kim Cự - Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu thảo luận về chính sách xóa đói giảm nghèo tại Hội trường 

 

Đánh giá về hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo đại biểu Võ Kim Cự nhấn mạnh: Trong các chính sách chúng ta đã ban hành khá tốt và khá đồng bộ, nhưng đại biểu cho rằng quan trọng nhất và có tính khả thi, hiệu quả nhất, đó là chính sách về tín dụng trong các chương trình hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ 16 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có 6 chương trình do ngân hàng chính sách đã làm có hiệu quả rất cao trong báo cáo đã nêu rõ, ngân hàng chính sách xã hội đã đảm trách trách nhiệm này rất nặng nề. Bởi vì đối tượng của ngân hàng chính sách xã hội cho vay đều khó khăn, rất nghèo và cận nghèo. Tuy vậy, có một đội ngũ cán bộ ngân hàng chính sách rất tích cực, tâm huyết do Thống đốc ngân hàng nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị rất quyết liệt, cho nên đã triển khai thực hiện rất tích cực và có hiệu quả, đã kịp thời cho vay những nơi như tái định cư, nơi vừa bão lũ xong, nơi nào khó khăn là  có cán bộ của ngân hàng chính sách kịp thời có mặt và đặc biệt là quản lý vốn rất tốt. (Tỷ lệ vốn quá hạn chỉ có 0,82% tức là chưa đầy 1%, rất an toàn). Vì vậy, hàng triệu người dân rất tâm đắc, biểu dương, đánh giá cao ngân hàng chính sách xã hội.

 Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đại biểu đề nghị:

  Mục tiêu của chúng ta chẳng những giảm nghèo mà phải thoát nghèo bền vững và vươn lên khá hơn. Vì vậy, phải tăng vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, bởi vì từ năm 2010 đến nay chưa được tăng vốn điều lệ. Nếu chúng ta tăng khoảng 4 ngàn đến 5 ngàn tỷ đồng mà giải quyết được chục vạn hộ và hàng triệu người giảm nghèo thì tăng như thế này là cần thiết, cấp bách và rất đúng đắn. Hà Tĩnh tuy đang rất khó khăn, nhưng đã bổ sung được vài chục tỷ và sẽ bổ sung thêm trong thời gian tới); đây là một nhu cầu rất cần thiết và đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa.

Thứ hai, trong 16 chương trình, mục tiêu quốc gia thì chương trình nào cũng quan trọng, cần thiết, nhưng một số chương trình trùng lặp. Đề nghị cắt, giảm hoặc điều chỉnh một số chương trình chưa cấp bách, ưu tiên nguồn lực cho 2 chương trình vừa cơ bản, vừa cấp bách đó là: Chương trình giảm nghèo và Chương trình xây dựng nông thôn mới, vì 2 chương trình này mãi mãi cần thiết, nó vừa cấp bách, vừa cơ bản. Phải trở lại gốc, đó là tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm mới thoát nghèo bền vững.

Thứ ba, Chính phủ đã có chủ trương, có nghị định khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là cần thiết và phải ưu tiên đầu tư hơn nữa. Sở dĩ doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư trong nông nghiệp vì rủi ro cao, lợi nhuận rất thấp.  Đây là vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, đại biểu đề nghị phải mở rộng hơn nữa chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nông nghiệp chính là hỗ trợ gián tiếp cho nông dân, để doanh nghiệp là nền tảng thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển( đầu tư khâu giống, gia nhập công nghệ mới, chế biến và tiêu thụ sản phẩm) nhằm thực hiện mô hình đồng nhất một loại giống, một công nghệ để đồng nhất một sản phẩm. Để nhiều xã, nhiều huyện cùng làm một loại giống, thực hiện một công nghệ sẽ có những sản phẩm hàng hóa chủ lực lớn. Thông qua doanh nghiệp để tổ chức việc làm và giải quyết vấn đề xây dựng hạ tầng và xử lý nhiều vấn đề khác. Phấn đấu mỗi xã phải có từ 5-7 doanh nghiệp, 6-8 hợp tác xã. Đồng thời đề nghị Quốc hội tiếp tục hỗ trợlãi, và giảm lãi vay cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Vì muốn thoát nghèo bền vững, ( 3 đối tượng là nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo) có thể trở lại nghèo ngay, nhất là những tỉnh khó khăn, vùng bão lụt . Mặt khác đại biểu cũng đề nghị đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cần có cơ chế thủ tục hành chính riêng để được tiếp cận vay vốn phục vụ SXKD.

          Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này


    Ý kiến bạn đọc