Thảo luận tại hội trường về Luật Quản lý Ngoại thương
EmailPrintAa
15:21 07/11/2016

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV ngày 7/11/2016 Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Quản lý ngoại thương.

Đại biểu Lê Anh Tuấn, Uỷ viên Thường trực, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu thảo luận

 

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh, đại biểu Lê Anh Tuấn, Uỷ viên Thường trực, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã phát biểu thảo luận và đề xuất với Quốc hội 4 nhóm vấn đề về dự thảo luật:

Thứ nhất, đề nghị cần rà soát kỹ để bảo đảm tính tương thích hơn nữa giữa nội dung của một số chế định trong đạo luật này với các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Quy định về hạn ngạch (từ điều 18 đến điều 20) của dự thảo, như là biện pháp hạn chế số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, thực thi nền thương mại công bằng là cần thiết. Tuy nhiên, các quy định về nguyên tắc áp dụng hạn ngạch trong dự thảo còn rất chung chung, chưa đưa ra được các nguyên tắc rõ ràng, cụ thể và phù hợp với các nguyên tắc chung được quy định tại Điều 20 - Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) của WTO; về nguyên tắc, các biện pháp hạn chế số lượng xuất nhập khẩu bị cấm hoàn toàn trong WTO, trừ một số trường hợp vì các mục đích công cộng quan trọng như: Bảo vệ an ninh quốc gia, đạo đức xã hội; Bảo vệ sức khỏe con người, động vật, thực vật; Bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ quốc gia; Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm và Bảo vệ môi trường.

Các trường hợp ngoại lệ nêu trên là những nội dung cam kết cần được nội luật hóa trong các điều khoản cụ thể quy định về nguyên tắc áp dụng hạn ngạch. Có như vậy mới bảo đảm tính minh bạch, thuận lợi cho việc áp dụng và cũng thể hiện rõ hơn quan điểm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

Thứ hai, cần bảo đảm sự thống nhất giữa một số quy định trong Luật này với luật khác có liên quan, tránh xung đột trong hệ thống pháp luật.

Điều 24 của Dự thảo quy định về việc Cơ quan có thẩm quyền chỉ căn cứ vào ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để chỉ định ngay cửa khẩu xuất nhập khẩu hàng hóa là chưa đầy đủ, chưa thống nhất và có phần mâu thuẫn với một số quy định của Luật Hải quan 2014.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 và 3, Điều 65 Luật Hải quan thì Tuyến đường vận chuyển hàng hóa quá cảnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải. Tuyến đường vận chuyển hàng hóa chuyển cửa khẩu do người khai hải quan đăng ký và được cơ quan hải quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ chấp nhận.

Thứ ba, tại điểm a khoản 2 Điều 53 của Dự thảo cần chế định rõ ràng hơn chính sách của Nhà nước về tăng cường hỗ trợ và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh có biên giới trong việc tổ chức, quản lý hoạt động thương mại biên giới. Cụ thể, cần làm rõ việc chính quyền địa phương có hay không có thẩm quyền áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương trong những trường hợp cụ thể và chính sách ngoại thương đặc thù tại các khu vực biên giới phù hợp với chính sách phát triển biên mậu giữa Việt Nam với quốc gia có chung đường biên giới.

Thứ tư, tại khoản 1 ở các Điều 70, 80, 88 (Chương IV) của dự thảo có quy định về chủ thể khởi kiện là Cá nhân, tổ chức đại diện cho ngành sản xuất trong nước khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ, thì theo tôi điều này là chưa phù hợp.

Bởi vì, theo pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ về tư cách chủ thể khởi kiện của đại diện ngành sản xuất trong nước, trong khi đó nội dung này nên được chỉ rõ trong Luật.

Ngoài ra, dự thảo còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ hướng dẫn thi hành. Nhiều điều khoản giao cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện, nhưng chưa rõ là cơ quan nào. Đề nghị cần rà soát để bảo đảm tính cụ thể và bảo đảm hiệu lực trực tiếp của đạo luật khi ban hành…


    Ý kiến bạn đọc