Thảo luận tổ về Dự thảo Luật kiểm toán và Dự thảo Luật ngân sách Nhà nước
EmailPrintAa
08:56 30/10/2014

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, chiều 29/10 các đại biểu đã tiến hành thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật kiểm toán và Dự thảo Luật ngân sách nhà nước.

Dự thảo luật kiểm toán nhà nước sửa đổi mới gồm 9 chương, 80 điều , tăng 1 chương, 4 điều so với luật kiểm toán hiện hành. Thảo luận cho ý kiến vào dự án luật kiểm toán nhà nước, đại biểu Trần Tiến Dũng – Phó đoàn chuyên trách đoàn đại biểu quốc hội tỉnh cho rằng: luật cần quy định rõ về trách nhiệm của lãnh đạo kiểm toán nhà nước, kiểm toán trưởng, trưởng đoàn kiểm toán trước hoạt động của mình trước các sự việc. Luật sửa đổi bổ sung lần này cũng cần quy định về đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, vấn đề công khai kết quả kiểm toán, và kết quả thực hiện kiến nghị của kiểm toán. Đề nghị cần bổ sung thêm các chương điều về việc tiếp công dân, vì đây chính là điều sẽ góp phần giúp ngành kiểm toán có thêm thông tin về sự việc, sự vụ để tiến hành thành tra, kiểm toán. Về dự thảo luật này, một số đại biểu cũng đề nghị cần duy trì thường xuyên hội đồng kiểm toán, cần quy định đơn vị quản lý kiểm toán, ..


Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại

phiên thảo luận tổ

 

Tham gia thảo luận về luật ngân sách nhà nước, Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, Ngô Văn Minh và một số đại biểu cho rằng luật hiện hành bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế, việc sửa đổi là hoàn toàn phù hợp, cần kíp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo các đại biểu cần đưa nguồn thu xổ số kiến thiết vào nguồn ngân sách nhà nước, việc giải ngân nguồn vốn hàng năm nếu không thực hiện hết nguồn vốn cần phải tạo cơ chế để các đơn vị địa phương được thực hiện chuyển nguồn, tuy nhiên việc điều chuyển này phải ở một mức độ nhất định. Về việc quyết toán ngân sách nhà nước, một số đại biểu đề nghị cần rút ngắn thời gian quyết toán xuống còn 12 tháng, vì thực tế có nhiều công trình, dự án sau nhiều năm vẫn chưa quyết toán được gây tâm lý bức xúc, lo ngại về tính minh bạch. Một số đại biểu cũng đề nghị luật sửa đổi lần này cũng cần quy định rõ hơn việc được sử dụng nguồn vượt thu cho các địa phương. Vì quy định rõ tỷ lệ được hưởng từ nguồn vượt thu giúp các địa phương tái đầu tư trở lại để duy trì nguồn thu, đồng thời khuyến khích các địa phương trong việc tập trung chỉ đạo cho việc thu ngân sách. 


    Ý kiến bạn đọc