Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả
EmailPrintAa
17:14 03/11/2022

Sáng 03/11, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh đã tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tại Tổ số 5 gồm ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Đắk Nông, Bình Thuận, Hà Tĩnh.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh chủ trì điều hành phiên thảo luận tổ.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

ĐBQH tỉnh Đắk Nông, Dương Khắc Mai: Đề nghị sửa đổi Luật Đất đai cần phải tạo ra động lực mới, đảm bảo an sinh xã hội; hạn chế khiếu nại, tố cáo về đất đai; cần làm rõ “giá thị trường”.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Bùi Thị Quỳnh Thơ: Cần rà soát các luật có liên quan, nhất là Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở để xử lý các trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với luật khác

Vì vậy, các đại biểu khẳng định sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

ĐBQH tỉnh Sơn La, Quàng Văn Hương: Đề nghị giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp

Đại biểu Quốc hội các đoàn tích cực góp ý vào các nội dung: Về áp dụng pháp luật; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai và giá đất; chế độ sử dụng các loại đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai...

ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Đặng Hồng Sỹ: Cần đảm bảo đúng lộ trình xây dựng luật thông qua 3 kỳ họp; quy định rõ cơ chế giá đất theo giá thị trường; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất lúa, không quy định giới hạn hạn mức sử dụng;

ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Phan Thị Nguyệt Thu: Đề nghị Luật Đất đai cần phải được thảo luận kỹ, rà soát với các luật liên quan để đảm bảo đồng bộ, thống nhất; về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đất đai cần rà soát để đảm bảo phù hợp với Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo

Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng - Tổ trưởng Tổ thảo luận khẳng định Luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, Tổ trưởng Tổ thảo luận phát biểu

Đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị quan tâm tới việc biến đổi khí hậu, hiện đại hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này. Đồng thời đề nghị nghiên cứu quy định việc luân chuyển cán bộ địa chính cấp xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định 58 và đề xuất đối với cán bộ làm công tác địa chính hoặc cán bộ làm việc có tính chuyên sâu nên có tính ổn định, lâu dài. Đối với hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhất trí việc bổ sung thêm đại diện Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc là phù hợp và băn khoan việc bổ sung đối tượng người có đất bị thu hồi vì việc này dẫn đến tiến độ thực hiện dự án sẽ rất khó khăn, mà nên sửa lại “đại diện các hộ có đất bị thu hồi” . Đối với quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, qua thực tế của tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị Nhà nước cần rà soát lại diện tích các loại cây công nghiệp của các tập đoàn sở hữu tại địa phương nếu không phát huy hiệu quả cần có phương án bàn giao lại cho địa phương chuyển đổi cây trồng phù hợp, Đồng chí Trưởng đoàn ĐBQH cũng quan tâm tới việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa không phát huy hiệu quả nên giao cho người sử dụng đất quyết định chứ không nên quy định trong luật.

Tham gia buổi thảo luận tổ, các đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về dự thảo Luật, các đại biểu đề xuất cần rà soát các Luật có liên quan, nhất là Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở để xử lý các trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với Luật khác, xác định thứ tự ưu tiên, nguyên tắc áp dụng đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định cụ thể về “vùng giá trị đất”, “giá thửa đất chuẩn”; tài chính giá đất cần quy định nguyên tắc và các khoản chi và đề nghị Luật Đất đai cần phải được thảo luận kỹ, rà soát với các luật liên quan để đảm bảo đồng bộ, thống nhất; về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đất đai cần rà soát để đảm bảo phù hợp với Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo; cân nhắc, sửa đổi quy định trong dự thảo Luật về cho phép người có đất bị thu hồi được quyền đầu tư trên đất bị thu hồi vì không phù hợp với tính chất của hoạt động thu hồi

Đình Trọng - Hữu Quý

    Ý kiến bạn đọc