Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh
EmailPrintAa
09:14 01/02/2013

Nhân dịp kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII chuẩn bị khai mạc tại Thủ đô Hà Nội, Thông tin “Đại biểu nhân dân” có dịp phỏng vấn đồng chí Trần Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh một số nội dung liên quan đến kỳ họp.

Phóng viên:

Thưa đồng chí Trần Tiến Dũng, theo chúng tôi được biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII trong thời gian tới, xin đồng chí vui lòng cho chúng tôi biết những nội dung dự kiến sẽ xem xét, quyết định tại kỳ họp này?

Đồng chí Trần Tiến Dũng:

          - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã quyết định triệu tập kỳ họp thứ 2, khai mạc vào ngày 20/10/2011 tại Thủ đô Hà Nội và dự kiến bế mạc vào ngày 26/11/2011. Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét và quyết định một số vấn đề quan trọng sau đây:

Thứ nhất, Quốc hội xem xét các báo cáo: về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; kết quả  thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012; báo cáo kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020; tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng toàn quốc; chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011 - 2015; Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011 - 2015; báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và đặc xá, báo cáo về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị  của cử tri đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 Quốc hội khóa XII; xem xét các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác đối ngoại của Nhà nước, về tình hình quóc phòng, an ninh; báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội,báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện.

Thưa hai, xem xét thông qua Nghị quyết của Quốc hội về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

 Thứ ba, xem xét kết quả giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề; kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2011; thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội; thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

 Một nhiệm vụ hết sức quan trọng, chiếm khá lớn thời gian của kỳ họp đó là về công tác xây dựng pháp luật. Tại kỳ họp này, Quóc hội xem xét, thông qua 6 dự án luật: Luật cơ yếu, Luật biển Việt Nam, Luật lưu trữ, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật đo lường và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu về 12 dự án luật khác để chuản bị cho việc xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 3 vào giữa năm 2012.

Phóng viên:

Thưa đồng chí, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ta đã có bước chuẩn bị như thế nào?

Đ/c Trần Tiến Dũng:

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 2, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành:

Hoàn thành 4 cuộc giám sát chuyên đề theo chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội: giám sát tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2010; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề trên địa bàn; giám sát việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh; tham gia cùng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về môi trường. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã làm việc với các cơ quan có liên quan, các chuyên gia đầu ngành ở một số lĩnh vực để lấy ý kiến đóng góp vào 18 dự  án luật dự kiến thông qua và cho ý kiến lần đầu trong kỳ họp. Ngoài ra Đoàn còn bố trí thời gian tham gia một số hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh: về việc thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, về hoạt động các doanh nghiệp trên địa bàn sau cổ phần hóa.

Phóng viên:

Thưa đồng chí, tại các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp lần này, cử tri tỉnh nhà đã có những kiến nghị,  đề xuất gì với Quốc hội?

Đ/c Trần Tiến Dũng:

Trong các buổi tiếp xúc trước kỳ họp lần này, cử tri tỉnh nhà đã phản ánh, kiến nghị với các Đại biểu Quốc hội nhiều nội dung, nhưng phần lớn những vấn đề được kiến nghị đều thuộc trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết ở cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Đối với những vấn đề thuộc cấp xã, cấp huyện lãnh đạo chính quyền các địa phương đã trực tiếp giải trình tại chỗ, những vấn đề còn vướng mắc sẽ được tập trung giải quyết tiếp. Đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp, phân loại và chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để đề nghị xem xét giải quyết. Cử tri đã kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ: cần tiếp tục tập trung cao, có giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu, giá điện và bình ổn giá các mặt hàng khác, nhất là giá các lại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nên ưu tiên nguồn vốn cho công trình đê sông, đê biển và công trình giao thông trọng điểm Quốc lộ 8A, các công trình phục vụ chống lụt, bão như: đê La Giang, hệ thống đường bao 7 xã ngoài đê ở Đức Thọ, kè sông ở Hương Sơn… quan tâm đến việc đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn, vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, chế độ chính sách cho giáo viên mầm non, cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ thôn xóm; tình hình tai nạn giao thông, tội phạm nguy hiểm đang có xu hướng gia tăng, tình trạng ô nhiễm môi trường; về công tác lập pháp, cử tri đề nghị trong quá trình xây dựng luật Quốc hội phải nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tiễn, phải dự báo được xu hướng vận động của thực tiễn trong thời gian dài, tránh tình trạng luật mới ban hành lại phải sửa đổi; khi đã có luật ban hành thì phải có  ngay thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện, để cho luật được nhanh chóng đi vào cuộc sống; cử tri cũng đề nghị sửa đổi một số luật như: luật đất đai, luật tổ chức HĐND và UBND … và nhiều nội dung khác nữa, chúng tôi đã tổng hợp báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp tục có kiến nghị cụ thể tại kỳ họp lần này.

Phóng viên:

Thưa đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội được nhiều đại biểu quan tâm, đồng chí vui lòng cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này?

Đ/c Trần Tiến Dũng:

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là một việc làm thường xuyên, các nhiệm kỳ trước cũng đặt ra, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động của Quốc hội, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định và nguyện vọng của cử tri. Đất nước ta đang trong quá trình đổi mới và hội nhập với nền kinh tế thế giới, nhất là sau khi chúng ta trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới thì đòi hỏi toàn bộ hoạt động của đất nước phải được vận hành trên nền tảng của một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh; mặt khác tình hình chính trị, kinh tế thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường, thường xuyên liên quan và tác động đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước, trong khi đó hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, trên một số lĩnh vực còn thiếu các quy định của pháp luật ... Do vậy, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội của nhiệm kỳ 2011 - 2016 là một trong những nội dung hết sức quan trọng và được Quốc hội quan tâm. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về “ Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quóc hội”.

Đối với hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn được chúng tôi hết sức quan tâm. Trong công tác tiếp xúc và giữ mối liên hệ với cử tri bước đầu cũng đã có sự đổi mới như: không chỉ tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp mà duy trì các hoạt động tiếp xúc và giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri; tiếp xúc cử tri theo từng ngành, từng lĩnh vực, nơi công tác và nơi cư trú; các đại biểu không chỉ tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử, mà còn tiếp xúc luân phiên tại các địa phương khác trong tỉnh; tăng các điểm tiếp xúc và tổ chức xuống đến tận xã, phường … Với những đổi mới nội dung và phương thức hoạt động bước đầu của  Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương nói riêng và với quyết tâm đổi mới hoạt động của Quốc hội khóa XIII, chắc chắn hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới sẽ đạt hiệu quả cao hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri đã giao phó.

Phóng viên:

Xin cảm ơn đồng chí!

 

                                                            


    Ý kiến bạn đọc