Sau 2 ngày rưỡi chất vấn trực tiếp các bộ trưởng và thành viên của Chính phủ, cùng với 1.204 ý kiến kiến nghị của tri cả nước gửi đến Quốc hội, tại phiên chất vấn lần này có 160 câu hỏi chất vấn bằng văn bản và trực tiếp tại hội trường đã được các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, nêu rõ những mặt được, mặt chưa được, đồng thời nhận rõ trách nhiệm liên những hạn chế quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của mình. Kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, các vị Bộ trưởng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các vấn đề đã hứa trước Quốc hội, trong đó tập trung vào một số vấn đề như:
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường cần tập trung giải quyết những bất cập trong quản lý đất đai, trước hết là việc giao quyền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, chính sách giá cả trong đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị, tình trạng sử dụng đất lãng phí v.v... Bảo đảm đến năm 2013 hoàn thành căn bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi cả nước. Tích cực chuẩn bị trình Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 4 tháng 11 năm 2012; Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với Thanh tra nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp từ nay đến 31/12/2012 tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp kéo dài được dư luận xã hội quan tâm và công bố, công khai việc giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quan tâm việc đền bù giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu đô thị bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân có đất bị thu hồi; Có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, có một chương trình mục tiêu Thủ tướng đã phê duyệt tôi nghĩ chúng ta cần phải triển khai một cách tích cực hơn.
Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, trả lời chất vấn câu hổi của đại biểu |
Về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: cần tập trung mọi nguồn lực của cả nước, toàn quân, toàn dân, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đã đề theo Nghị quyết của Quốc hội; Từng bước hoàn thiện và tổ chức thực hiện có kết quả đề án tái cơ cấu đầu tư công, đẩy nhanh việc giải ngân và quản lý chặt chẽ các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA. Xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về đầu tư vốn nhà nước, trong đó có đầu tư vào doanh nghiệp. Xử lý đồng bộ các vấn đề về cơ chế chính sách, phân cấp quản lý, huy động nguồn lực, bảo đảm tăng cường chất lượng và giải quyết các bất cập yếu kém trong lĩnh vực đầu tư công theo đúng tinh thần đề án mà Bộ Kế hoạch đã trình, Chính phủ đã duyệt và Quốc hội đã thảo luận để tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt đề án; Hoàn thiện cơ chế pháp lý về quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, giải quyết các vấn đề về đại diện chủ sở hữu phân cấp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý tổng hợp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước v.v... với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước; Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh, bảo đảm công bằng hợp lý có ưu tiên cho vùng, miền, ngành, lĩnh vực cụ thể theo đúng định hướng chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ. Đẩy nhanh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Rà soát tiến hành một cách thận trọng, chú ý tới hiệu quả trong việc tiết giảm đầu tư công, trong việc cắt giảm danh mục đầu tư hài hòa với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm lạm phát để đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời cũng sẽ có nhiều giải pháp để huy động nguồn lực bù vào nguồn cắt giảm từ đầu tư công.
Trên lĩnh vực công thương: thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đồng bộ, linh hoạt, từng bước hạ lãi suất tín dụng, tăng tín dụng ở mức hợp lý. Đồng thời với việc cơ cấu lại và giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế; Có lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng, dầu, than, phân bón, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững. Rà soát quy hoạch ngành điện nói chung và quy hoạch phát triển thủy điện, kiên quyết loại bỏ và dừng các dự án không đạt các tiêu chí xã hội, môi trường, chất lượng, an toàn, hiệu quả. Tiếp tục kiểm tra, bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, rà soát, nghiên cứu, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện; Đấu tranh tích cực chống gian lận thương mại trong tiêu thụ hàng hóa, nông sản, có chính sách định hướng, vận động tiêu thụ sản phẩm nội địa, phát triển ổn định thị trường trong và ngoài nước, xây dựng thị trường hàng hóa phát triển hài hòa và bền vững.
Lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm: Tập trung chỉ đạo hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức các đợt truy quét tội phạm, nhất là các tội phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, ma túy, các tội phạm nguy hiểm, bảo đảm môi trường bình yên cho nhân dân trong phát triển kinh tế và xã hội; Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Đảng bộ và chính quyền các cấp, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, tạo được những chuyển biến tích cực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Xây dựng lực lượng công an nói chung, các lực lượng chuyên ngành nói riêng trong sạch, vững mạnh, luôn sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân.
Sau khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo bổ sung làm rõ thêm những vấn đề Quốc hội đặt ra đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội, đồng thời nêu một số quyết tâm của Chính phủ như: phấn đấu vừa tăng trưởng, vừa giảm lạm phát, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và vừa tìm mọi biện pháp kể cả những biện pháp mới để đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo tích cực trong điều kiện đó; quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp, chú trọng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ hoàn thiện thể chế tới việc kiểm tra, kiểm soát; tập trung ưu tiên hơn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đào tạo lao động cho nông thôn, nông nghiệp và chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc ở vùng khó khăn, trong chính sách dân tộc các vùng khó khăn có chính sách tạo đột phá để giải quyết ngay đối với đồng bào tái định cư khi làm một số thủy điện; đồng thời với việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh tăng trưởng vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của năm 2012; thực hiện đồng bộ việc hoàn thiện thể chế trong việc tuyên truyền để giáo dục về ý thức thi hành pháp luật và trong việc tăng cường chất lượng đào tạo để lớp thanh thiếu niên ý thức đối với xã hội và văn hóa ứng xử cũng như là lối sống để làm người một cách tốt hơn trong thời gian tới.
Trên cơ sở Báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 và kết quả chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét quyết nghị và giao cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các ngành, các cấp ở trung ương và địa phương tích cực giải quyết các kiến nghị của đồng bào, cử tri cả nước và các nội dung chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội chưa được trả lời chất vấn tại Hội trường.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)