Tiếp tục chương trình làm việc, trong phiên thảo luận tại Hội trường ngày 07/6 đã có 47 đại biểu phát biểu, trong đó có 4 thành viên Chính phủ tham gia giải trình. Đánh giá chung, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi thẳng thắn, đóng góp nhiều nội dung sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Về cơ bản các ý kiến đều thống nhất với các Báo cáo của Chính phủ, của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính ngân sách
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2011, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng trong điều kiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức cả trong và ngoài nước thì kết quả đạt được của năm 2011 rất đáng trân trọng, cần được đánh giá khách quan. Lạm phát đã được kiềm chế, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô đạt yêu cầu và nó đã cải thiện khá hơn. Nền kinh tế tốc độ tăng trưởng khá, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, các nguồn thu ngân sách nhà nước tăng so với dự toán và so với Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2011. Bội chi ngân sách 4,9% GDP thấp hơn kế hoạch 5,3%, giảm dư nợ công là một cố gắng lớn của Chính phủ. Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn thiếu tính bền vững, một số chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bên cạnh đó nổi lên nhiều vấn đề bức xúc của xã hội, do vậy nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, lo lắng về thực trạng kinh tế - xã hội và đề nghị Chính phủ đánh giá sâu thêm những hạn chế, yếu kém nhiều năm qua, trong đó phân tích những nguyên nhân chủ quan để có những giải pháp khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới.
Về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2012, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp, suy thoái kinh tế trong nước không còn là dấu hiệu mà đã bộc lộ rõ dần sau Quý I. Trong tình hình đó các đại biểu đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ đã kịp thời có nhiều giải pháp quan trọng để thực hiện nghị quyết của Quốc hội như nghiên cứu xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này. Kết quả đạt được 4 tháng đầu năm 2012 mặc dù tăng trưởng quý I thấp hơn các năm trước nhưng lại cao hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước đây, tỷ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất giảm, xuất khẩu chuyển biến tốt, giảm nhập siêu. Tuy nhiên các đại biểu Quốc hội quan tâm lo lắng đến thực trạng tình hình kinh tế - xã hội nổi lên những tháng đầu năm như:Tình hình khó khăn của doanh nghiệp cùng với tình trạng thua lỗ, tiêu cực, nợ nần của một số doanh nghiệp Nhà nước. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, nạn phá rừng, khai thác bừa bãi tài nguyên, khoáng sản, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, khiếu kiện kéo dài của nhân dân chủ yếu về đất đai. Đó là những vấn đề bức xúc của nhân dân, của cử tri.
Các đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ cần có nhiều giải pháp, nhiều chính sách tích cực và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành để sớm khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém được nêu trong báo cáo của Chính phủ cũng như ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội. Sớm giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần minh bạch, lành mạnh hóa hoạt động của ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế với lãi suất phù hợp.
Các vị đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ trong tái cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước cần giải quyết xử lý những tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp Nhà nước, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, nhưng linh hoạt để vừa ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát, vừa chống suy giảm kinh tế, tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đầu tư cho những công trình hạ tầng kinh tế xã hội trọng yếu của đất nước, tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đối với an sinh xã hội, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo, chỉ đạo giải quyết nhanh dịch bệnh lạ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh giải quyết nạn quá tải bệnh viện và mức cân bằng giới tính trẻ sơ sinh, giải quyết những bất cập về tiền lương, phụ cấp lương, về chế độ, chính sách đối với cán bộ ở cơ sở và nhiều vấn đề bức xúc của xã hội khác mà cử tri có nhiều kiến nghị. Chính phủ cần quan tâm đầu tư điều kiện làm việc, đời sống vật chất tinh thần cho lực lượng biên phòng, cho cán bộ và nhân dân ở vành đai biên giới phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, quân, dân, y kết hợp để vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh gắn với chăm lo cuộc sống của nhân dân vùng biên….
Ngày 08/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường.
Tin mới cập nhật
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)
- Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Tĩnh ( 10/11)
- Quy định rõ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề ( 09/11)
- Đại biểu Quốc hội góp ý chi tiết về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng ( 09/11)