Ngày 8/6, Quốc hội làm việc ở Hội trường cả ngày để thảo luận về Đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh
Tại hội trường, đã có 50 vị đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu thảo luận, về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng đề án một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế, dự báo xu hướng tình hình và sự tác động từ bên ngoài trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Đề án đã bám sát chủ trương đường lối kinh tế của Đảng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2020 và nghị quyết Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015. Đề án đã khái quát thực trạng nền kinh tế và mô hình tăng trưởng của đất nước sau 25 năm đổi mới với những thành tựu cơ bản, nổi bật, những yếu kém nội tại và nguyên nhân chủ quan, khách quan; thống nhất cao sự cần thiết phải tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và phải lấy mục tiêu chính là hướng tới con người - chủ thể xã hội, chủ thể kinh tế để hướng đến mục tiêu cao hơn, đó là dân giàu, nước mạnh. Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế có phạm vi rộng, có tính dài hạn, tổng thể, toàn diện, đồng bộ, vì vậy các đại biểu đề nghị cần phải thể hiện trong đề án này cơ cấu kinh tế theo ngành, theo lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và từng ngành cũng có cơ cấu trong nội bộ từng ngành. Cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế, hay cơ cấu đầu tư cũng cần phải tính đầu tư công, khu vực công, khu vực tư và đầu tư toàn xã hội; cơ cấu lao động gắn với sự chuyển dịch lao động, cơ cấu các nguồn vốn gắn với sự phân bổ lại nguồn lực. Nhiều đại biểu đề nghị cần khẩn trương tiến hành tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước; gắn với thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế là 3 đột phá: hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu của đất nước.
Đề cập đến những vấn đề liên quan mật thiết, chịu sự tác động của quá trình tái cơ cấu kinh tế đó là những vấn đề tác động đến an sinh xã hội, đến môi trường và đến yếu tố khoa học công nghệ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế; đảm bảo mục tiêu an ninh quốc phòng, an ninh, hội nhập kinh tế thế giới và đối ngoại. Các vị đại biểu tham gia ý kiến đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các đề án thành phần, nội dung cụ thể có tính khả thi cao để thực hiện các nội dung trọng tâm của đề án tổng thể.
Do đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2012, trong đó có bao gồm nội dung của đề án nên dự kiến tại kỳ họp lần này Quốc hội sẽ không ra nghị quyết riêng. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các vị đại biểu, Quốc hội tiếp thu và có ý kiến kết luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế để Chính phủ hoàn thiện, phê duyệt, triển khai thực hiện.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)