Tuần làm việc thứ 3 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
EmailPrintAa
20:11 03/11/2024

Từ ngày 4 đến 9/11/2024, tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, trong đó trọng tâm là công tác lập pháp và tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước.

Quang cảnh kỳ họp

Quốc hội dành cả ngày làm việc ngày 4/11 để thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB). Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Trong phiên họp sáng 5/11, Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.

ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh tham dự kỳ họp

Về công tác lập pháp, trong tuần làm việc, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Dữ liệu.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh chủ trì điều hành thảo luận tổ về kinh tế xã hội

Chiều thứ bảy, ngày 9/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ cho ý kiến dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và dự án Luật Nhà giáo. Trong đó, dự án Luật Nhà giáo lần đầu tiên trình Quốc hội nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục. Dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 05 chính sách gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Quốc hội cũng thảo luận về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc