Xác định rõ phạm vi góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá
EmailPrintAa
08:19 24/10/2024

Chiều 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tham gia thảo luận, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh - đại biểu Trần Đình Gia đã góp ý, đề xuất những điểm hoàn thiện cho các quy định trong dự thảo Luật.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề xuất sửa đổi tại khoản 8, Điều 9, bổ sung cụm từ “di tích hỗn hợp”, nhằm đảm bảo sự phù hợp với Điều 21 quy định về loại hình di tích hỗn hợp, việc này nhằm làm rõ hơn quy định về các hành vi bị cấm như "Lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích hỗn hợp". Đồng thời, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “đất có di tích”, từ đó xác định cụ thể hơn các khu vực như khu vực I, khu vực II, hay các khu vực được quy hoạch.

Toàn cảnh phiên thảo luận dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Về quy trình thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ liên quan đến việc xếp hạng, bổ sung và chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích tại Điều 25, đại biểu Trần Đình Gia đề xuất cần sửa đổi để đảm bảo quy trình đúng quy định, phù hợp với thực tiễn. Đại biểu kiến nghị sau khi hoàn thành hồ sơ khoa học, Hội đồng xếp hạng di tích cấp tỉnh nên tổ chức thẩm định, tổng hợp ý kiến và trình Ủy ban nhân dân tỉnh. Trên cơ sở này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ đưa ra quyết định về việc xếp hạng, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia thảo luận hoàn thiện dự án Luật

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cũng đề xuất cần quy định rõ ràng về số lượng, thành phần, cũng như trình độ học vấn của các thành viên Hội đồng thẩm định di tích, đảm bảo tính minh bạch và chính xác trong quá trình thẩm định và ra quyết định.

Liên quan đến dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại Điều 35, đại biểu Trần Đình Gia nhận thấy quy định hiện tại còn chưa rõ ràng, đặc biệt trong việc xác định “di tích quốc gia có quy mô lớn, phức tạp”. Đại biểu cho rằng cần đưa ra tiêu chí cụ thể đối với các di tích này, tránh những khó khăn trong quá trình áp dụng và đảm bảo tính minh bạch khi thực hiện các dự án bảo tồn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thống nhất cao sự cần thiết thành lập Quỹ bảo tồn và phát triển di tích, trong đó cần sử dụng ngân sách nhà nước kết hợp xã hội hoá. Đại biểu dẫn chứng thực tiễn, dòng họ Nguyễn Huy tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hiện đang lưu giữ 03 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gồm: Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo quản, phát huy giá trị còn một số khó khăn, hạn chế. Vì vậy, việc hình thành Quỹ bảo tồn và phát triển di tích sẽ có điều kiện để quan tâm, đầu tư bảo vệ các di sản như trên.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc