Trong Luật Hoạt động giám sát của QH năm 2003 (Điều 7) và trong Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND (sau đây viết gọn là Dự thảo Luật giám sát) (Điều 12) đều xác định xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn là một trong các hoạt động giám sát của QH. Và một khi đã “xem xét” thì phải có nhận xét, đánh giá và kết luận, nghĩa là phải ra Nghị quyết để bảo đảm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát. Nhân đây chúng tôi cũng xin được “chẻ” chữ một chút là không hiểu tại sao trong Dự thảo Luật giám sát lại thay từ “bị” bằng “được” trong cụm từ “Người bị chất vấn” đã thường dùng bằng cụm từ “Người được chất vấn” mà theo suy nghĩ của chúng tôi việc thay đổi từ này là chưa hợp lý. Bởi vì trong số những người giữ các chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn có lẽ không ai muốn được ĐBQH chất vấn, trả lời trực tiếp tại phiên họp toàn thể của QH và được QH đưa ra xem xét trách nhiệm, trừ trường hợp cá biệt.
ĐBQH chất vấn tại Kỳ họp | Ảnh: Quang Khánh |
Xuống đông, đông tĩnh…
Về sự cần thiết phải ra Nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn tại Điều 49 Luật Tổ chức QH năm 2001 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và Điều 11 Luật HĐGS của QH năm 2003 mới chỉ ghi nhận một quy phạm tùy nghi là: khi xét thấy cần thiết thì QH ra Nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn, nghĩa là Luật quy định QH được lựa chọn có ra Nghị quyết hay không. Gần đây trong Nghị quyết số 27/2012/QH13, ngày 21.6.2012 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH tại Khoản 2 Điều 3 cũng quy định “UBTVQH xem xét và khi cần thiết trình QH ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn”. Tuy mới chỉ là quy phạm tùy nghi nhưng chúng tôi không hiểu vì sao lại không được ghi nhận tiếp tại Điều 32 Luật Tổ chức QH năm 2014. Mặc dù vậy, với những nội dung trình bày ở trên về mục đích, ý nghĩa của việc chất vấn và trả lời chất vấn trước QH, chúng tôi rất tán thành xác định một quy phạm bắt buộc tại Điều 17 của Dự thảo Luật giám sát là “QH ra Nghị quyết về trả lời chất vấn và trách nhiệm của người được chất vấn” cùng với việc quy định những nội dung cơ bản của Nghị quyết này. Nếu điều luật này được thông qua thì kể từ ngày Luật Hoạt động giám sát có hiệu lực, sau mỗi kỳ họp có chất vấn và trả lời chất vấn QH phải ra Nghị quyết về trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn.
Có lẽ pháp luật hiện hành đưa ra một quy phạm tùy nghi là “khi xét thấy cần thiết” QH mới ra Nghị quyết về trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn nên số Nghị quyết này còn rất ít. Trong hai khóa gần đây QH đã ra một số nghị quyết về vấn đề này nhưng đều theo hình như một mẫu chung là: QH nhận thấy hay QH hoan nghênh; QH ghi nhận và QH giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này; UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này… Còn về các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng thì thường dùng các cụm từ: cần có biện pháp quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh, khẩn trương, phấn đấu, kiểm soát chặt chẽ, khắc phục hạn chế, bất cập; phối hợp với… mà không xác định rõ, cụ thể trách nhiệm cá nhân của người bị chất vấn.
Chưa rõ trách nhiệm
Gần đây tại các phiên họp chất vấn nhiều vị ĐBQH đã nêu lên những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng và những hình ảnh, cảnh ngộ rất đáng lo ngại như việc sập cầu treo, việc người dân qua sông bằng cách chui vào túi nylon để người khác kéo qua hay bằng cách đu qua theo dây cáp; tình trạng hạn hán khô cạn kéo dài ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; tình trạng nông sản không tiêu thụ được; tình trạng không phát triển công nghiệp hỗ trợ để không phải nhập cả từ những đinh, ốc vít; tình trạng cải cách hành chính chậm chạp, không giảm được biên chế nên có vị ĐBQH đã nêu vấn đề như sau: “Tôi đã chất vấn về việc có hay không tỷ lệ 30% cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, tỷ lệ này giảm được bao nhiêu? Đây là mối quan tâm không chỉ của riêng tôi mà của toàn xã hội, của cử tri và công luận, báo chí, của các vị ĐBQH”.
Bảng so sánh, đối chiếu một số nội dung trong hai Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 và Kỳ họp thứ 9, QH Khóa XIII:
Về những vấn đề bức xúc trên đây, chúng tôi thấy trong hai Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 và Kỳ họp thứ 9 trong năm 2015 hoàn toàn không có nội dung nào về trách nhiệm của những người được giao tổ chức và quản lý các lĩnh vực đó. Hay nói như Chủ tịch QH Khóa X và gần cả Khóa XI là trách nhiệm của tư lệnh ngành, lĩnh vực là phải bảo đảm “xuống đông, đông tĩnh; lên đoài, đoài yên”.
Nghiên cứu những nội dung đối với lĩnh vực công thương trong hai Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 và Kỳ họp thứ 9, QH Khóa XIII (xem bảng dưới đây), chúng tôi thấy giống nhau và như hai nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ của Bộ Công thương trong thời gian tới. Và như vậy thì UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện giám sát thế nào và bằng cách nào việc thực hiện nghị quyết như đã ghi ở đoạn cuối của các nghị quyết. Ý kiến này chúng tôi đã nêu ra từ lâu tại cuộc Hội thảo về “Xây dựng Luật Hoạt động giám sát của QH” do Ủy ban Pháp luật của QH tổ chức ngày 25 - 26.12.2012. Và mới đây trong Báo cáo Tổng kết hoạt động giám sát của QH qua 10 năm thực hiện Luật Hoạt động giám sát của QH và hoạt động giám sát của HĐND cũng đã nhận định: “nội dung Nghị quyết về chất vấn vẫn còn chung chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của người trả lời chất vấn; việc theo dõi đôn đốc thực hiện còn chưa thật quyết liệt, tính ràng buộc với người trả lời chất vấn chưa chặt chẽ”.
Xin dẫn chứng một trong nhiều vấn đề nêu ra trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 của QH Khóa XIII là về chất lượng các công trình, đặc biệt là đập ngăn nước Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 có vị ĐBQH đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Bộ trưởng khẳng định đập nước thủy điện Sông Tranh 2 là yên tâm, an toàn nhưng tại sao Chính phủ lại không cho tích nước? Vậy mời cán bộ lên đó ở mấy tháng cho dân yên tâm; Nếu đập ngăn nước vỡ thì ai phải chịu trách nhiệm?”. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời “nước ở mức 161m là gần như tuyệt đối an toàn, nếu động đất 5,5 độ Richte sẽ phải nghiên cứu tiếp” thì người điều khiển phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn nhấn mạnh là “đại biểu chưa yên tâm, tôi cũng chưa yên tâm và khẳng định: “Bây giờ dân Quảng Nam và dân Trà My người ta không quan tâm đến con số ấy đâu. Người ta chỉ quan tâm đến việc nên ở lại hay chuyển đi nơi khác thôi”. Trong Nghị quyết số 40/2012/QH13 cũng chỉ đề ra yêu cầu đối với Bộ trưởng Bộ Công thương là: “Có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình thủy điện”, còn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì phải “phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, rút ruột công trình trong xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi” mà không có câu nào về trách nhiệm cá nhân của hai vị Bộ trưởng này đối với việc rò rỉ nước và nguy cơ động đất kích thích làm vỡ đập ngăn nước Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, đe dọa đời sống và tính mạng của hàng chục nghìn người dân sinh sống trong khu vực. |
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)