Xác định sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu phát triển của hệ thống giáo dục đại học
EmailPrintAa
16:24 06/11/2018

Sáng ngày 06/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) đã tham gia phát biểu.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại hội trường

Về cơ bản đại biểu đồng ý với các quy định trong dự thảo Luật, nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đồng thời đánh giá rất cao việc tiếp thu sửa đổi nghiêm túc các ý kiến đóng góp của Ban soạn thảo. Tuy nhiên, để dự án Luật hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn, đại biểu đã đề xuất một số vấn đề cụ thể:

Trước hết, về quy định cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo hai loại: Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng (tại Khoản 4, Điều 7 dự thảo Luật), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ từng loại hình cơ sở giáo dục đại học là gì. Vì theo đại biểu, việc xác định rõ nội hàm của từng cơ sở giáo dục đại học sẽ là căn cứ để Chính phủ quy định chi tiết các tiêu chí, điều kiện, thủ tục thành lập hay tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học và Nghị định hướng dẫn .

Thứ hai , về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (tại Điểm a, Khoản 2, Điều 11 dự thảo Luật) quy định: “Xác định phương hướng phát triển của hệ thống giáo dục đại học”, đại biểu đề nghị sửa thành: “Xác định sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu phát triển của hệ thống giáo dục đại học”. Theo ý kiến đại biểu, khi nói đến quy hoạch thường nói đến kế hoạch dài hạn (phù hợp với Thông tư số: 12/2017/TT-BGDÐT ngày 19/5/2017, quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, tiêu chuẩn đầu tiên khi đánh giá chất lượng giáo dục là tầm nhìn, sứ mạng), còn phương hướng phát triển thường mang nghĩa ngắn hạn hơn.

Thứ ba, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc sáp nhập với trường đại học khác” tại Khoản 2, Điều 16 dự thảo Luật và sửa thành: “Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường theo quy định của pháp luật, thông qua kế hoạch hàng năm”. Diễn giải về vấn đề này, đại biểu cho rằng theo khái niệm đại học, trường đại học như văn bản Luật hiện nay, ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thì Việt Nam chỉ có 3 đại học là đại học Đà Nẵng, đại học Huế và đại học Thái Nguyên, còn lại đều gọi là trường đại học kể cả các trường đại học cấp vùng như trường đại học Tây Bắc, trường đại học Vinh, trường đại học Quy Nhơn, trường đại học Tây Nguyên và trường đại học Cần Thơ. Do đó, theo mô hình hiện tại, việc phát triển trường đại học sang đại học là khó đối với các trường đại học thông thường. Trong kỳ họp trước có rất nhiều ý kiến của các đại biểu băn khoăn về mô hình tổ chức của các đại học quốc gia, đại học vùng, có nên tồn tại mô hình này không và trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH cũng chỉ dừng ở việc giữ ổn định hệ thống, không gây xáo trộn không cần thiết đối với các trường đại học này.Tuy nhiên, căn cứ vào quy định này trong Dự thảo Luật, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Điều 5 và Điều 6 lại quy định về việc chuyển trường đại học thành đại học và liên kết các trường đại học thành đại học, nghĩa là mở đường cho việc thành lập ồ ạt các đại học...

Cuối cùng , đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “bộ môn” vào Điểm d, Khoản 1, Điều 14, quy định cơ cấu tổ chức của trường đại học gồm: “Khoa, bộ môn, phòng chức năng; thư viện, tổ chức khoa học và công nghệ và các tổ chức phục vụ đào tạo khác” vì trong các trường đại học hiện nay vẫn đang tồn tại các bộ môn tương đương khoa (ví dụ như Bộ môn Giáo dục thể chất, bộ môn ngoại ngữ,…)

Thúy An

    Ý kiến bạn đọc