Bàn thêm về chức năng giám sát của HĐND
EmailPrintAa
15:33 21/02/2012

Hiểu rõ chức năng giám sát của HĐND sẽ giúp chủ thể giám sát tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định, thẩm quyền, tránh nhầm lẫn với các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý hành chính. Góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.

Trong những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã có nhiều cải tiến, chất lượng và hiệu quả ngày càng được khẳng định và nâng cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển và chức năng, quyền hạn của HĐND được pháp luật quy định, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Đó là, các cuộc giám sát chủ yếu do Thường trực, các ban HĐND tổ chức, các Tổ đại biểu và đại biểu tham gia giám sát còn ít, chủ yếu tại kỳ họp; một số cuộc giám sát còn dàn trải; hình thức giám sát chưa phong phú; một số kết luận sau giám sát chưa rõ ràng; chưa sử dụng các chế tài đã được pháp luật quy định...

Nguyên nhân của những hạn chế trên trước hết do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về chức năng giám sát của HĐND; về vai trò, vị trí của Thường trực, các ban và từng cá nhân đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát. Tiếp đến là những hạn chế về năng lực, trình độ và sự thiếu bản lĩnh, trách nhiệm của một số đại biểu. Mặt khác, cơ chế hoạt động giám sát, các quy định về chế tài giám sát trong một số trường hợp chưa sát với thực tiễn.

Đối với HĐND, có thể giải thích: Giám sát của HĐND là việc theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp.

Từ việc giải thích đó và với các quy định của pháp luật, có thể khái quát chức năng giám sát của HĐND bao gồm:

Mục đích của giám sát là nhằm bảo đảm việc thi hành các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND ở địa phương được nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả; giám sát để khẳng định những kết quả đạt được, đồng thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó kiến nghị, đề xuất, quyết định các biện pháp, giải pháp thực hiện tốt hơn.

Chủ thể thực hiện quyền giám sát gồm giám sát của tập thể HĐND tại kỳ họp; giám sát của Thường trực HĐND; giám sát của các ban và đại biểu HĐND. Đối tượng thuộc quyền giám sát của HĐND bao gồm Thường trực, các ban HĐND (Thường trực, các ban HĐND vừa là chủ thể vừa là đối tượng giám sát), UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, TAND, VKSND cùng cấp; HĐND cấp dưới trực tiếp và các cơ quan nhà nước khác, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân trên địa bàn.

Nội dung giám sát bao gồm việc chấp hành pháp luật của Nhà nước (Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên) và nghị quyết của HĐND cùng cấp.

Hình thức giám sát gồm xem xét báo cáo công tác của các đối tượng thuộc quyền giám sát; xem xét việc trả lời chất vấn của những đối tượng này; xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; tổ chức các đoàn giám sát; bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu; thông qua việc tiếp dân và theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến HĐND; tiếp xúc cử tri.

Nguyên tắc giám sát là bảo đảm công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định và không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Các chế tài của giám sát đó là HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan áp dụng các biện pháp chấm dứt hành vi vi phạm; yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của các đối tượng giám sát có hành vi vi phạm; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp nếu các văn bản đó trái pháp luật, gây thiệt hại về KT - XH, ảnh hưởng an ninh, quốc phòng; bãi nhiệm, miễn nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu; ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn; quyết định giải tán HĐND cấp dưới trực tiếp.

Từ những phân tích trên, có thể rút ra một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND là: cần nhận thức đúng về vị trí, thẩm quyền, chức năng giám sát của HĐND theo luật định; xác định rõ mục đích, ý nghĩa khi chọn nội dung, đối tượng giám sát; trước khi giám sát cần có kế hoạch cụ thể, tập hợp thông tin đầy đủ; lựa chọn hình thức, phương pháp giám sát phù hợp với từng đối tượng; có thái độ công tâm, khách quan và kiên quyết trong quá trình giám sát; lựa chọn vấn đề kiến nghị cụ thể, rõ ràng, thuyết phục; khi cần thiết, sử dụng các chế tài pháp lý nhằm bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám sát.

Như vậy, hiểu rõ chức năng giám sát của HĐND sẽ giúp cho chủ thể giám sát tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định, thẩm quyền, đúng vai trò, vị trí của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, tránh nhầm lẫn với các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý hành chính khi tiến hành giám sát. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.


    Ý kiến bạn đọc