Bàn thêm về sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng với HĐND cùng cấp khi ban hành nghị quyết
EmailPrintAa
21:49 05/07/2013

Thực tiễn, một số địa phương nội dung thuộc thẩm quyền HĐND quyết định khi xin ý kiến Ban thường vụ cấp ủy Đảng cùng cấp, đa số đại biểu thảo luận thống nhất theo sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng. Một số đại biểu, có ý kiến khác với nội dung cơ quan trình nhưng không dám trình bày. Kết thúc kỳ họp, nghị quyết của HĐND theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng. Tuy nhiên quá trình thực hiện, không ít nội dung chưa thực sự đi vào cuộc sống…

Ở nhiều địa phương hiện nay, các nội dung trước khi trình HĐND đều báo cáo, xin ý kiến của Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp; cá biệt có địa phương các ban HĐND thẩm tra trước khi báo cáo để Ban thường vụ cấp ủy có thêm thông tin thảo luận, cho ý kiến. Quy trình này có ưu điểm: cấp ủy Đảng chỉ đạo cụ thể hoạt động của HĐND và tạo ra sự thống nhất giữa cấp ủy với HĐND ngay trong quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng như vậy là chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa cấp ủy Đảng và HĐND, và không đúng quy trình ban hành nghị quyết của HĐND theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND. Làm cho HĐND hoạt động hình thức, chưa phát huy được vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Thực tế ở các địa phương, đa số ủy viên Ban thường vụ cấp ủy Đảng là đại biểu HĐND cùng cấp nên trước khi trình kỳ họp HĐND xin ý kiến Ban thường vụ là vừa lấy ý kiến của đại biểu có trình độ về chính trị, vừa tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp về nội dung hoạt động của HĐND, tạo ra sự thống nhất giữa cấp ủy Đảng với HĐND khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, hầu hết các nội dung trình HĐND khi được Ban thường vụ cấp ủy Đảng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể, tại kỳ họp HĐND đại biểu không có ý kiến khác.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã xác định: Đảng và Nhà nước là những tổ chức thực hiện các ủy quyền quyền lực của nhân dân, trong đó Đảng thực hiện ba quyền cơ bản lãnh đạo chính trị, gồm: xây dựng, quyết định đường lối chính trị, những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia; giới thiệu đảng viên ưu tú đủ tiêu chuẩn để nhân dân bầu vào cơ quan đại diện, vị trí lãnh đạo, vào cơ quan quyền lực nhà nước; kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, các cơ quan nhà nước, đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Bộ máy nhà nước thực hiện 3 quyền cơ bản, gồm: xây dựng và ban hành luật pháp; tổ chức thực hiện pháp luật; bảo đảm trật tự kỷ cương và duy trì công lý. Tức là, tính chất, nội dung, phạm vi quyền lực, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước không trùng lặp, nhưng giữa Đảng và Nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau.

Vì vậy, mọi nội dung cụ thể mà các cơ quan trình HĐND không nhất thiết phải báo cáo, xin ý kiến Ban thường vụ cấp ủy cùng cấp, nhưng quá trình xây dựng nghị quyết của HĐND phải bám vào chủ trương của cấp ủy Đảng cùng cấp để hiện thực hóa chủ trương của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Mặt khác, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004 về trình tự, thủ tục soạn thảo, ban hành nghị quyết HĐND quy định: chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm của HĐND cấp tỉnh phải căn cứ vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương, bảo đảm thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, các quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương. Cơ quan trình dự thảo nghị quyết HĐND có nhiệm vụ khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội ở địa phương liên quan đến dự thảo; nghiên cứu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng...; xây dựng dự thảo và tờ trình dự thảo nghị quyết; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu tác động trực tiếp của nghị quyết, tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến và chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Cơ quan tư pháp cùng cấp thẩm định. Ban HĐND thẩm tra. Sau khi hoàn thành các công đoạn thì trình HĐND thảo luận, thông qua dự thảo nghị quyết. Tức là, luật cũng không quy định bắt buộc phải báo cáo, xin ý kiến Ban thường vụ cấp ủy Đảng về các nội dung trình HĐND quyết định.

Thực tiễn, một số địa phương nội dung thuộc thẩm quyền HĐND quyết định khi xin ý kiến Ban thường vụ cấp ủy Đảng cùng cấp, đa số đại biểu thảo luận thống nhất theo sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng. Một số đại biểu tâm tư, có ý kiến khác với nội dung cơ quan trình nhưng không dám trình bày vì Đảng đã cho ý kiến. Và kết thúc kỳ họp, nghị quyết của HĐND được thông qua theo đúng tinh thần của Đảng. Nhưng quá trình thực hiện, không ít nghị quyết của HĐND chưa đi vào cuộc sống, có nghị quyết sau khi ban hành đã có ý kiến, kiến nghị của cử tri và cơ quan, tổ chức liên quan, buộc phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp HĐND gần nhất cho phù hợp với thực tế. Có trường hợp, tại kỳ họp HĐND đại biểu thảo luận về nội dung dự thảo nghị quyết đã đưa ra ý kiến khác với ý Đảng bằng những lý lẽ và cơ sở thực tế thuyết phục nên HĐND tỉnh biểu quyết theo đa số các đại biểu. Như vậy, làm cho ý Đảng và lòng dân chưa thống nhất. Tuy nhiên, trường hợp khác ý Đảng không nhiều, khi Đảng cho ý kiến cụ thể, làm cho đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương chưa phát huy được tính chủ động tích cực trong hoạt động; đặc biệt làm cho chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy Đảng và HĐND cùng cấp chưa rõ ràng, trùng lắp.

Để khắc phục hạn chế trên, hàng năm cấp ủy Đảng cần có nghị quyết chuyên đề, đưa ra chủ trương, chính sách cụ thể mang tính định hướng làm căn cứ cho các cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND xây dựng chương trình ban hành nghị quyết, dự thảo nghị quyết HĐND theo đúng quy trình pháp luật quy định; cấp ủy Đảng chủ động kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu và HĐND cùng cấp trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của cấp ủy Đảng; chỉ đạo kịp thời những vấn đề cơ quan tham mưu đề xuất chính quyền địa phương trái hoặc khác với chủ trương của cấp ủy, chưa đúng quy định để điều chỉnh kịp thời trước khi trình HĐND. Đối với cơ quan tham mưu, giúp việc và HĐND trong quá trình thực hiện chương trình ban hành nghị quyết, có những nội dung chỉ đạo chưa phù hợp phải chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng để có hướng xử lý kịp thời. Cũng cần có quy chế phối hợp hoạt động cụ thể giữa Cấp ủy Đảng và chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ quy trình phối hợp, thời hạn hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan liên quan...

Thực hiện được như vậy, vừa tách rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của cấp ủy Đảng với cơ quan chính quyền địa phương; vừa khắc phục được tình trạng HĐND phải chờ cấp ủy Đảng cho ý kiến mới tổ chức được kỳ họp, việc tổ chức kỳ họp thực hiện đúng thời hạn theo luật định; đồng thời khắc phục được vấn đề đại biểu HĐND có ý kiến khác với sự chỉ đạo cụ thể của cấp ủy, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.


    Ý kiến bạn đọc