Cần có nghị quyết của HĐND sau hoạt động giám sát
EmailPrintAa
20:32 28/12/2011

Điều 10, Luật Tổ chức HĐND và UBND đã ghi rõ: “Khi quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HĐND ra nghị quyết và giám sát việc thực hiện các nghị quyết đó”. Thế nhưng, sau hoạt động giám sát những vấn đề bức xúc nổi cộm được ghi nhận và khẳng định nhiều lần lại chưa được HĐND quyết định bằng việc ban hành nghị quyết của mình nên hiệu quả giám sát còn rất hạn chế
Luật pháp là cơ sở pháp lý, thực tiễn đời sống chính trị - xã hội đã tạo động lực cho HĐND hoạt động ngày càng sâu rộng và phát triển phong phú. Giữa hai kỳ họp, chức năng giám sát của Thường trực và các ban HĐND được tăng cường thường xuyên rộng khắp. Nội dung được chú trọng đến giám sát chuyên sâu chuyên đề cụ thể. Tại kỳ họp, việc xem xét, thảo luận vào các báo cáo được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, đại biểu HĐND “truy xét” đến cùng những vấn đề bức xúc, gay cấn. Nhưng tất cả chỉ mới dừng lại ở các kiến nghị trong báo cáo giám sát, ý kiến kết luận của chủ tọa phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Mọi việc sau đó chưa có gì chuyển biến tích cực, thậm chí vẫn... trở lại như cũ. Nhiều năm qua, Quốc hội đã có những nghị quyết sau báo cáo giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban rất hiệu lực. Gần đây Quốc hội còn ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp ngay tại kỳ họp, chuyển đi thông điệp rất rõ ràng đối với Chính phủ và các bộ, ngành. Thế HĐND có ra được nghị quyết sau báo cáo giám sát và chất vấn tại kỳ họp hay không? Điều đó luật pháp đã cho phép - Đó là quyền lực cao nhất của HĐND cần được thực thi.
 
Lâu nay chúng ta thường phàn nàn: chế tài trong hoạt động giám sát chưa đủ mạnh, còn thiếu điều kiện pháp lý cụ thể nên chất lượng giám sát không cao. Đồng thời luôn đòi hỏi sửa Luật Tổ chức HĐND và UBND, hay phải có riêng Luật Giám sát của HĐND... Luật pháp cũng mang tính thực tế. Từ cuộc sống, công việc hằng ngày của người dân và của chúng ta mới hình thành nên luật pháp. Mỗi kỳ họp nên tập trung vào một số vấn đề bức thiết, ban hành một đến hai nghị quyết về giám sát. Thực hiện để có cơ sở kiểm chứng rồi sửa luật, như vậy sẽ khỏi sửa đổi nhiều lần. Tuy nhiên, việc ban hành nghị quyết của HĐND về một báo cáo giám sát hay sau phiên họp chất vấn đều mới và ít có nên cũng không hề đơn giản. Nếu Thường trực, các ban HĐND thiếu tích cực, UBND và các cơ quan, đơn vị liên quan thiếu sự phối hợp chặt chẽ thì có ra được nghị quyết cũng chỉ với những nội dung chung chung, thiếu hiệu lực và ít thiết thực trong cuộc sống.
 
Có thể khẳng định rằng luật pháp khá đầy đủ. Quá trình thực hiện, nếu tất cả các điều khoản của luật được đặt trong một mối quan hệ thống nhất thì sẽ tạo ra hiệu lực mạnh mẽ hơn. Biết kết hợp mọi hoạt động lại tạo ra sự liên kết vững chắc đưa đến một quyết định mạch lạc, sáng suốt hơn. Một vấn đề thực tế bức xúc nổi cộm lâu nay ở địa phương nếu xâu chuỗi lại, tổ chức phân công điều hòa rành mạch, khoa học để đi đến ban hành nghị quyết của HĐND chắc chắn sẽ được tin tưởng hơn về tính pháp lý và thực sự khả thi.
 
Một ví dụ cụ thể như vấn đề gây ô nhiễm môi trường do nhà máy xi măng cũ kỹ có công nghệ đã quá lạc hậu; hay chất thải chưa qua xử lý của nhà máy chế biến tinh bột sắn, đặt ở vị trí không hợp lý ngay đầu nguồn một con sông. Rất đông cử tri xung quanh nhà máy xi măng và sống dọc theo hai bên bờ sông đã kiến nghị nhiều lần, các ban và Thường trực HĐND cũng đã có những cuộc giám sát khá quy mô và báo cáo trước HĐND. Đại biểu HĐND cũng đã nhiều lần chất vấn về vấn đề môi trường ở hai khu vực này, các ngành và đơn vị liên quan cũng đã trả lời trực tiếp tại kỳ họp. Nhưng, tất cả những hoạt động đó diễn ra ở các kỳ họp vào những thời điểm khác nhau nên thiếu hiệu lực và tình hình môi trường ở hai nhà máy vẫn chưa được cải thiện. Lần này cử tri lại tiếp tục kiến nghị mạnh mẽ hơn, đề nghị di dời hai nhà máy này cho bằng được. Đến đây, có lẽ HĐND cần trực tiếp ra nghị quyết thành lập đoàn giám sát với thành phần đủ mạnh có sự tham gia của lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường, Sở Công thương và một số chuyên gia về lĩnh vực môi trường. Báo cáo giám sát được thông qua Thường trực HĐND, có sự tham gia của đại diện UBND cùng cấp. Từ những kiến nghị, đề xuất nhiều lần của cử tri, những đề nghị của đoàn giám sát, Thường trực HĐND xem xét kỹ lưỡng và nên thực hiện quyền của mình trong hoạt động giám sát theo Điều 73 Luật Tổ chức HĐND và UBND: “Trình HĐND xem xét, quyết định xử lý theo thẩm quyền”.
 
Khi bắt đầu có ý tưởng ban hành nghị quyết sau giám sát, Thường trực HĐND giao cho Ban Kinh tế - Ngân sách chủ trì phối hợp với các ban chuẩn bị dự thảo nghị quyết. Từ ý tưởng dần dần dẫn dắt đến hiện thực, nên sau trình bày báo cáo của đoàn giám sát, chủ tọa kỳ họp cần hướng đại biểu HĐND thảo luận sâu thêm về vấn đề môi trường trong báo cáo giám sát. Kết luận phiên họp thảo luận, chủ tọa cần đề nghị HĐND cho chuẩn bị dự thảo nghị quyết về xử lý ô nhiễm môi trường ở hai nhà máy mà đoàn giám sát đã báo cáo. Để tạo sức mạnh tổng hợp liên kết mọi hoạt động của HĐND lại với nhau, trong phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực HĐND nên gom lại và chỉ tập trung vào ít nhóm vấn đề, ưu tiên trả lời chất vấn về môi trường trước, bố trí  đủ thời gian để đại biểu HĐND chất vấn trực tiếp tại hội trường. Chủ tọa kỳ họp cần hâm nóng không khí nghị trường, tạo thêm “lửa” để các đại biểu hăng hái vào cuộc... Sau trả lời của đại diện các ngành liên quan, chủ tọa kết luận và đề nghị HĐND ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn. Vì cùng nội dung môi trường, diễn ra ở cùng một số đơn vị và cùng liên quan đến một số cơ quan chuyên môn, nên nghị quyết cần được kết hợp xem xét báo cáo kết quả giám sát và chất vấn của đại biểu HĐND trong lĩnh vực môi trường bị ô nhiễm.
 
Mọi hoạt động của HĐND từ TXCT, giám sát cho đến chất vấn của đại biểu và ý kiến của đại diện UBND cùng các ngành chuyên môn được sàng lọc lại, hệ thống hóa thêm để bổ sung hoàn thiện dự thảo nghị quyết về giám sát. Tuy nhiên, một thực tế hết sức khó khăn do thời gian diễn ra kỳ họp không dài, giữa phiên thảo luận báo cáo giám sát, chất vấn của đại biểu HĐND đến thông qua nghị quyết khá gần nhau. Hơn nữa nghị quyết do Thường trực hay các ban của HĐND trình, cần có thời gian để UBND tham gia ý kiến. Đúng, cũng khó đấy, nhưng với trách nhiệm chính trị trước cử tri và nhân dân, để thể hiện quyết tâm của đại biểu HĐND, bảo đảm hiệu lực các cuộc giám sát, tạo dấu ấn trong hoạt động của HĐND, Thường trực và các ban HĐND tích cực, chủ động hơn, cơ quan tham mưu giúp việc nhạy bén, tinh thông hơn thì mọi công việc sẽ tiến hành thông suốt theo tuần tự. Ngay sau khi chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề về môi trường, Thường trực HĐND tranh thủ phân công các ban phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị lại dự thảo nghị quyết. Thường trực HĐND có người đặc trách tập trung xem xét kỹ lưỡng nội dung dự thảo, phải bố trí ngoài giờ làm việc để Thường trực, các ban HĐND và đại diện UBND xem xét, thảo luận về dự thảo nghị quyết.
 
Trong trường hợp cụ thể này, dự thảo nghị quyết cần khẳng định được: những kiến nghị của cử tri là xác đáng, những đề xuất trong báo cáo giám sát có cơ sở khoa học và pháp lý, chất vấn của một số đại biểu HĐND và trả lời của các cơ quan đơn vị càng làm rõ thêm vấn đề bức thiết về môi trường ở hai khu vực này. Đã đến lúc nghị quyết của HĐND phải quyết định dừng hoạt động của nhà máy xi măng để đổi mới công nghệ vì nhà máy cũng đã thu hồi hết vốn đầu tư lò đứng đã mấy năm nay; chuyển nhà máy chế biến tinh bột sắn vào khu công nghiệp của tỉnh vì không thể khắc phục được môi trường ở khu vực này... Nghị quyết cũng phải quy định thời gian thực hiện cụ thể, trách nhiệm của UBND và các cơ quan chuyên môn cùng cấp; để sau này HĐND còn tái giám sát lại hai nhà máy này về việc thực hiện nghị quyết của HĐND.
 
Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thay thế luật năm 1994 đã thêm hẳn chương III về: “Hoạt động giám sát của HĐND...”. Đây là điều kiện pháp lý để HĐND tăng cường hoạt động giám sát. Các hình thức giám sát của HĐND đa dạng hơn, nội dung giám sát cũng rất phong phú. Khi đánh giá hoạt động giám sát, HĐND chỉ dừng lại có nhiều cuộc giám sát, đi đến giám sát hàng chục cơ quan, đơn vị trong một năm... Như thế thì chưa đủ, vì vẫn chưa có một quyết định pháp lý nào bằng việc HĐND ban hành nghị quyết sau báo cáo giám sát hoặc chất vấn của đại biểu HĐND thì hiệu lực giám sát khó được thực thi, những kiến nghị, đề xuất, kể cả kết luận của chủ tọa kỳ họp rồi cũng dần dần đi vào quên lãng. Bởi vậy, chỉ cần tổ chức ít cuộc giám sát, đi đến cũng ít nơi hơn, chất vấn ít nhóm vấn đề thôi, nhưng hoạt động giám sát phải bài bản, sâu sát, mạch lạc. Và, quan trọng hơn cần tích cực chuẩn bị thật chu đáo để HĐND quyết định ban hành được nghị quyết về giám sát thì hiệu quả hoạt động của HĐND sẽ được nâng lên mạnh mẽ.

    Ý kiến bạn đọc