Cần nâng cao địa vị pháp lý các chức danh HĐND
EmailPrintAa
21:03 12/04/2015

Thực tế pháp luật hiện hành có chỗ còn làm hạn chế vị trí, vai trò các chức danh của HĐND. Do đó khi xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần điều chỉnh một số điều khoản để nâng cao địa vị pháp lý các chức danh của HĐND.

Việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương dựa trên cơ sở Luật Tổ chức HĐND và UBND 2003 theo tinh thần Hiến pháp 2013. Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành, Điều 51, khoản 2 quy định: Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa, HĐND bầu : a) Chủ tịch HĐND trong số đại biểu HĐND…; b) Phó chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND, Trưởng ban và các thành viên khác các ban của HĐND trong số đại biểu HĐND…; c) Chủ tịch UBND…; d) Phó chủ tịch và các thành viên khác của UBND… Việc bầu cử ở các địa phương được thực hiện nghiêm túc, dân chủ trong ứng cử, đề cử và được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín theo danh sách đề cử chức vụ từng người. Kết quả bầu cử được ban kiểm phiếu công bố công khai, sau đó HĐND mới xem xét ban hành Nghị quyết công nhận kết quả bầu cử. Ngay sau khi bế mạc kỳ họp, các Nghị quyết được gửi đến Thường trực HĐND, UBND cấp trên trực tiếp; Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được gửi lên UBTVQH và Thủ tướng Chính phủ để làm các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Trong một thời gian rất ngắn, các chức vụ trong Thường trực HĐND được cấp trên quyết định phê chuẩn theo đúng quy định tại Điều 52 Luật Tổ chức HĐND và UBND: Kết quả bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND phải được Thường trực HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Thường trực HĐND cấp tỉnh phải được UBTVQH phê chuẩn. Đồng thời theo quy định tại Điều 119: Kết quả bầu các thành viên của UBND phải được Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; kết quả bầu các thành viên của UBND cấp tỉnh phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Do đó các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch và ủy viên UBND do HĐND các cấp bầu cử đều có quyết định phê chuẩn của cấp trên. Tuy nhiên, không có chức danh nào của các ban HĐND các cấp được phê chuẩn, bởi vì không có điều khoản nào của Luật quy định nội dung đó. Mặc dù đó là những quyết định hành chính thông thường, nhưng rất cần có. Mặt khác, Luật cũng còn quy định: tất cả các chức danh đều thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngay sau khi HĐND bầu. Và thực tế các chức danh của UBND thực hiện nhiều công việc gấp gáp hơn các ban của HĐND, nên có phê chuẩn chức danh các ban của HĐND sẽ không ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của HĐND. Ngược lại, còn tăng thêm vị thế pháp lý các ban HĐND trong cả nhiệm kỳ hoạt động.

Phê chuẩn kết quả bầu cử các chức danh do HĐND bầu thực tế diễn ra như thế cũng đúng quy định hiện hành của luật pháp. Nhưng dù sao cũng để lại cho những người làm việc ở cơ quan HĐND và đại biểu của dân băn khoăn, trăn trở. Do đó, nên chăng những người có trách nhiệm trong khi làm Luật cũng cần suy nghĩ thêm. Điều quan trọng hơn, muốn nói đến là việc quyết định phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm lại không thống nhất giữa HĐND và UBND. Theo khoản 3, Điều 127, Chủ tịch UBND có nhiệm vụ, quyền hạn: Phê chuẩn việc miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên của UBND cấp dưới trực tiếp. Do đó Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên khác của UBND khi có Nghị quyết của HĐND miễn nhiệm, bãi nhiệm đều được Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; còn tất cả các thành viên của UBND cấp tỉnh đều được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Trong khi đó, Điều 53 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND đến mười khoản, nhưng không có khoản nào nói đến phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm cả. Và UBTVQH cũng chưa có quyết định  phê chuẩn miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với các chức vụ của HĐND cấp tỉnh, kể cả trước đó có phê chuẩn kết quả bầu cử. Có lẽ Luật Tổ chức Quốc hội cũng không quy định điều đó, quả thật cũng rất phân vân.

Từ mâu thuẫn và thiếu thống nhất của Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành, lần này xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngoài việc tập trung tiếp thu, chỉnh lý những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cần thiết thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, UBND và những vấn đề về kỹ thuật để tạo sự thống nhất địa vị pháp lý các chức danh do HĐND bầu. Trước hết, cần nhất quán quan điểm: các chức danh của Chính quyền địa phương, sau khi được HĐND bầu cử thì phải được cấp trên trực tiếp phê chuẩn. Đấy là cơ sở pháp lý, tạo trách nhiệm, quyền hạn như nhau khi thực thi chức năng nhiệm vụ. Khi đã phê chuẩn kết quả bầu cử thì đều phải có quyết định phê chuẩn Nghị quyết của HĐND khi bãi nhiệm, miễn nhiệm chức danh đó. Như vậy mới thể hiện rõ trách nhiệm, quyền hạn của người được trúng cử, thiết lập sự công bằng, bình đẳng như nhau. Qua đó, Luật cần phải tăng thêm nhiệm vụ, quyền hạn và số lượng thành viên của Thường trực HĐND, UBND theo đề nghị của nhiều địa phương lâu nay. Phương án bỏ chức danh Ủy viên Thường trực để bố trí hai Phó chủ tịch HĐND và đưa Trưởng các ban HĐND làm thành viên Thường trực HĐND là hợp lý để tăng thêm thẩm quyền khi thực thi nhiệm vụ. Đồng thời cũng cần đưa Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước thuộc UBND vào thành viên của UBND để mở rộng dân chủ, tăng cường năng lực khi tăng quyền hạn của UBND. Đây là phương án không làm tăng biên chế mà sức mạnh của Chính quyền được nâng lên, khi thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền cho cấp dưới.

Như vậy, HĐND bầu một số chức vụ, số còn lại chỉ phê chuẩn là phù hợp. Đối với cơ quan HĐND thì HĐND chỉ bầu cử: Chủ tịch, các Phó chủ tịch, các Trưởng ban HĐND và Trưởng đoàn thư ký kỳ họp. Còn thành viên các ban HĐND, thư ký kỳ họp, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND và Hội thẩm nhân dân cùng cấp HĐND phê chuẩn trên cơ sở đề nghị của Thường trực HĐND. Đối với UBND, HĐND chỉ bầu: Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND. Các thành viên khác của UBND, HĐND phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch UBND. Và, những chức danh do HĐND phê chuẩn thì không cần quyết định phê chuẩn của cơ quan cấp trên trực tiếp nữa. Như vậy sẽ giảm được tính hình thức, tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm của cấp dưới; đồng thời tăng vị thế của những chức vụ HĐND bầu cử và trách nhiệm của người được miễn nhiệm, bị bãi nhiệm khi có quyết định phê chuẩn của cấp trên.

Xây dựng Luật Chính quyền địa phương sau Hiến pháp 2013 là vấn đề lớn, hệ trọng nên đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tham gia đóng góp. Mong rằng, các cơ quan hữu quan chọn lọc, tiếp thu cả những đề xuất cụ thể từ thực tế cơ sở để hoàn chỉnh đạo luật.

 

 


    Ý kiến bạn đọc