Kỳ họp lần thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh đã dành gần 01 ngày thực hiện nội dung chất vấn. 03 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; lĩnh vực giáo dục và đào tạo được chọn chất vấn tại hội trường.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên chất vấn |
Về chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đánh giá việc trả lời chất vấn của các đồng chí Thành viên Ủy ban và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh được phân công trả lời các nội dung thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc, không né tránh. Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan đến câu hỏi chất vấn, có đồng chí chưa nêu rõ vai trò của ngành chủ quản, trả lời còn dài; chưa tham mưu được các giải pháp đột phá thời gian tới. Rõ ràng, cấp ủy, chính quyền tỉnh có trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhưng vai trò tham mưu, hiến kế của các sở, ngành chức năng đặc biệt quan trọng.
Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII |
Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giữa người nông dân với với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Thực tế cho thấy, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều đề án, cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; từng bước hình thành và phát triển được một số mô hình, chuỗi liên kết sản xuất.
Tuy vậy, so với tiềm năng, lợi thế, có nhiều nội dung hiệu quả chưa cao, chưa có nhiều mô hình liên kết. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn luôn bùng phát. Theo báo cáo mỗi năm người nông dân thiệt hại khoảng 10-15 ngàn con lợn, 3-4 ngàn con trâu bò do dịch lở mồm long móng, dịch tả Châu phi, dịch viêm da nổi cục, gây thiệt hại nặng nề tới người nông dân.
Từ thực trạng nêu trên, trong thời gian tới, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương cần tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi.
- Tăng cường rà soát, triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh; định kỳ đánh giá, lượng hóa cụ thể sự hấp thu của các chính sách để điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp.
- Để tạo ra nhiều sản phẩm mới, dễ tiêu thụ, nâng cao giá trị, các địa phương phải thực sự quan tâm nâng chất hoạt động của các HTX kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân.
Về định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn . Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phải quan tâm đúng mức nội dung này. Có nhận định cho rằng, trong chỉ đạo, tham mưu ngành nông nghiệp chưa vào cuộc quyết liệt trong việc tham mưu các chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ, vì vậy, cần tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp thấy rõ xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là xu hướng tất yếu để phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Về mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thời gian qua các địa phương đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai, bước đầu đưa lại hiệu quả song con số báo cáo ở một số địa phương chưa thật chính xác; những khó khăn, vướng mắc khi vận động người nông dân triển khai các mô hình chưa được phản ánh đầy đủ. Đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, sơ, tổng kết mô hình, nhân rộng các mô hình hiệu quả để Hà Tĩnh ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch. Trước thực trạng, giá cả các sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh, trong khi giá thức ăn tăng cao. Các ngành, địa phương cần chủ động tìm giải pháp hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm. Triển khai tốt việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trên môi trường số.
Về vấn đề gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn.
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Nông nghiệp đã đề ra các giải pháp khắc phục, tuy nhiên, một số cơ sở chăn nuôi lợn gây ô nhiễm, gây bức xúc trong Nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm.
Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có biểu hiện chùng xuống.
Về mặt chủ quan, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian gần đây chưa đồng đều ở một số địa phương. Một số địa phương còn có tư tưởng trông chờ, dựa vào đầu tư của Nhà nước; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số địa phương, cơ sở chưa cao. Tổ chức, hoạt động của Văn phòng Nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện có những thời điểm phát huy chưa rõ. Thời gian tới, Hệ thống chính trị các cấp phải tiếp tục tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động trong Nhân dân, đồng thời đề ra lộ trình, thời gian cụ thể cho việc xây dựng các tiêu chí tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Kịp thời kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện.
Về nguồn lực, ngoài nguồn lực của tỉnh đã cân đối, các sở ngành phải bám các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ nguồn lực. Thực tế, tham mưu tranh thủ nguồn lực từ Bộ, ngành Trung ương của nhiều sở, ngành ở tỉnh ta hiện nay còn rất hạn chế.
Về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và giao đất, cho thuê đất đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Như báo cáo của Sở Nông nghiệp PTNT đã nêu: Từ năm 2020 đến nay, có 35 dự án về nông nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 20 dự án thuộc thẩm quyền UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất. Trong số 20 dự án này, có 04 dự án được UBND tỉnh cho thuê đất và bàn giao đất cho Nhà đầu tư; còn 16 dự án chưa được thuê đất.
Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ngành tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các cam kết; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư dự án. Đối với các dự án manh mún, nhỏ lẻ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các ngành, địa phương cân nhắc kỹ lưỡng. Mặt khác, để mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào nghiên cứu, khảo sát, đầu tư các dự án lớn, tỉnh cũng như các huyện thị phải tạo quy mô diện tích quỹ đất “sạch”, vùng tập trung đáp ứng các điều kiện.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Xuân Thập trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII. |
* Về vấn đề dùng hóa chất để vỗ béo Bò ở các nước, đưa về Việt Nam tiêu thụ; qua báo cáo của ngành nông nghiệp và Cục trưởng Cục Hải quan, hiện nay, chúng ta đang kiểm soát được. Đề nghị ngành nông nghiệp và các ngành chức năng hết sức quan tâm vấn đề này. Tỉnh sẽ xử lý nghiêm ngành chức năng nếu không kiểm soát được việc nhập khẩu bò như một số tỉnh. Cũng tại Kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các ngành chức năng, các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực tế, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành chức năng cấp tỉnh và triển khai ở các địa phương chuyển biến chưa nhiều.
Liên quan đến vấn đề cung ứng giống, đề nghị ngành nông nghiệp phải đặc biệt quan tâm để người nông dân chọn được các loại giống phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng, giá không được cao hơn các tỉnh lân cận; tốt nhất nên sử dụng các loại giống của các cơ sở cung cấp trên địa bàn. Đối với việc sử dụng các loại giống, vật tư nông nghiệp của các dịch vụ cung ứng khác, các địa phương phải chỉ đạo các cơ sở cam kết về chất lượng, hỗ trợ đầu ra cho nông dân.
Đối với lĩnh vực văn hóa: Trước hết, chúng ta cùng chúc mừng những kết quả đạt được của ngành tại đại hội thể dục thể thao toàn quốc đang diễn ra: đến nay đạt 7 huy chương vàng, 11 huy chương bạc, 12 huy chương đồng; tạm xếp thứ 20/63 tỉnh thành; đặc biệt là VĐV 22 tuổi Nguyễn Trung Cường đã vượt qua tượng đài SEA Games Nguyễn Văn Lai để giành HCV điền kinh 5000m nam và phá kỷ lục Đại hội TDTT toàn quốc tồn tại 12 năm.
* Về trách nhiệm tham mưu, xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án, chính sách trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch:
Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 19 cũng như Chương trình hành động của Tỉnh ủy nêu rõ nhiệm vụ “Phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, trí tuệ con người Hà Tĩnh” và thống nhất Ban hành Nghị quyết xây dựng và phát huy giá trị, văn hóa, con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, đến nay sau 02 năm thực hiện Nghị quyết, việc cụ thể hóa các nội dung còn chậm trễ. Việc chậm ban hành các đề án, chính sách thuộc lĩnh vực văn hóa có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của đại dịch covid 19 nhưng phải thắng thắn nhìn nhận, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa tập trung cao cho công tác tham mưu. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương tham mưu xây dựng Đề án, tham mưu các chính sách cụ thể để tạo những đột phá cho phát triển kinh tế, xã hội.
Cùng với nguồn lực của tỉnh, ngành văn hóa thể thao du lịch phải quan tâm tranh thủ được nhiều nguồn lực từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành liên quan.
* Về giải pháp phát triển du lịch: Trong 2 năm qua, do tác động của dịch Covid-19, cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển du lịch của tỉnh ta đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Một số chính sách phát triển du lịch hiệu quả chưa cao, nhưng chậm được rà soát, sửa đổi. Ban hành Nghị quyết liên quan đến mảng du lịch kỳ họp này chỉ đưa ra 02 chính sách là quảng bá và đào tạo tập huấn, chắc chắn sẽ chưa tạo được những đột phá.
Một vấn đề cần làm rõ, nhiều người cho rằng Hà Tĩnh rất có lợi thế về du lịch, xin khẳng định, Hà Tĩnh có tiềm năng nhưng không thật lợi thế vì thời tiết khắc nghiệt, vì vị trí địa lý xa các trung tâm, về cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo đó, đề nghị UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu đề xuất các giải pháp đột phá hơn để đưa du lịch Hà Tĩnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. HĐND tỉnh sẽ tiếp tục xem xét để ban hành các chính sách mới về phát triển du lịch, dịch vụ trong các kỳ họp tới. Trước mắt, giao sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin truyền thông phối hợp để tiếp tục giới thiệu, quảng bá văn hóa, con người Hà Tĩnh trên môi trường số; quan tâm đúng mức việc kết nối du lịch vùng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Về phía lãnh đạo tỉnh, sẽ tiếp tục mời gọi các tập đoàn lớn vào nghiên cứu, đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ.
* Về xây dựng Bảo tàng tỉnh và bảo tồn phát huy các di sản văn hóa: Bảo tàng tỉnh đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2018 nhưng xác định địa điểm để xây dựng quá chậm (theo báo cáo của đồng chí Giám đốc đến ngày 07/11/2022 vừa rồi mới có Văn bản thống nhất địa điểm xây dựng). Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo để có thể triển khai xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh trong năm 2023.
- Là tỉnh giàu bản sắc văn hóa, đến nay đã có 5 di sản bao gồm: Ca Trù; Dân ca Ví, Giặm; Mộc bản Trường học Phúc Giang; Hoàng Hoa sứ trình đồ; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được tổ chức UNESCO vinh danh. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy các giá trị, đề nghị UBND tỉnh phải đề ra các giải pháp tổng thể và phương án xây dựng Bảo tàng cũng là một giải pháp để chúng ta bảo tồn các di sản.
* Về phát triển các bộ môn thể thao có lợi thế của tỉnh: Năm 2022, thể thao thành tích cao của Hà Tĩnh đạt kết quả tốt; tham gia thi đấu 20 giải thể thao trong nước và 2 giải khu vực châu Á với thành tích đạt cao. Qua ý kiến trả lời của đồng chí Giám đốc Sở, chúng ta nhận thấy, phát triển các môn thể thao lợi thế của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất huấn luyện thể thao của tỉnh xuống cấp, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng.
Để từng bước khắc phục những khó khăn nêu trên, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các chính sách cho phát triển thể thao thành tích cao; Đội bóng đá Hồng Lĩnh, bóng chuyền Hà Tĩnh đã tạo được vị thế nhất định; Bóng chuyền vào thi đấu tứ kết 4/13 đội. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục có nguồn lực lớn.
Cũng qua diễn đàn Hội đồng nhân dân hôm nay, lãnh đạo tỉnh trân trọng cảm ơn Tập đoàn Hoành Sơn, Tập Đoàn Vingroup, trong năm qua đã đảm nhận việc tài trợ chính cho đội bóng đá Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh trụ hạng. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ cùng doanh nghiệp từng bước tháo gỡ các khó khăn về cơ sở vật chất, tài chính, sân bãi tập luyện, hy vọng trong mùa giải tới tiếp tục dành kết quả tốt hơn.
Riêng đối với Tập đoàn Hoành Sơn, ngoài việc xung phong hỗ trợ đội bóng đá Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh trụ hang; trong năm đã thực hiện nghĩa vụ thuế trên 100 tỷ đồng; thường xuyên giải quyết việc làm cho 3.000 lao động, trong số đó có gần 2.000 lao động là con em người Hà Tĩnh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII |
Đối với lĩnh vực giáo dục: Trước hết, Thường trực HĐND tỉnh hết sức chia sẻ với ngành giáo dục trong năm học vừa qua trước những tác động do đại dịch Covid-19; tuy nhiên cũng rất ghi nhận ngành đã tham mưu, thực hiện các giải pháp để Hà Tĩnh là 1 trong 9 tỉnh vẫn tổ chức dạy, học bình thường; kết quả học tập, rèn luyện của học sinh đạt kết quả tốt.
* Về vấn đề thừa thiếu giáo viên: Nội dung này được HĐND tỉnh chất vấn nhiều lần tại các Kỳ họp trước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ và toàn diện.
Theo báo cáo của sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh thiếu 608 giáo viên ở 3 cấp học, tỉnh cho tuyển 295 giáo viên, nhưng chỉ tuyển được 236/295, trong số đó, phần lớn là con em ở các địa phương khác, không phải người Hà Tĩnh.
Để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tình thế. Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá, trước mắt tiếp tục thực hiện giải pháp biệt phái, tạo điều kiện cho một số giáo viên đi đào tạo văn bằng 2. Về lâu dài, phải thực hiện cơ chế tự chủ trong trường học ở những nơi có điều kiện, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút đầu tư giáo dục để giảm áp lực cho các trường công và biên chế về giáo viên.
Ngành GDĐT phải chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình, đào tạo đội ngũ giáo viên, đề xuất phương án tiếp nhận giáo viên là con em Hà Tĩnh hiện giảng dạy ở các tỉnh, thành đảm bảo các điều kiện hoặc có các cơ chế tiếp nhận con em hiện được đào tạo ở các trường sư phạm để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên trong thời gian tới. Cùng với đó, cho phép các trường Hợp đồng lao động ngắn hạn đối với giáo viên theo Nghị quyết 102 của Chính phủ để cân đối và đảm bảo đủ giáo viên khi chưa tuyển dụng được.
* Về việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính ở các trường học. Nghị quyết 96 của HĐND tỉnh đã đề ra chỉ tiêu, đến năm 2021 phấn đấu 10% trường mầm non, THCS, THPT tự chủ về tài chính và đến năm 2025 phấn đấu 20% trường mầm non, THCS, THPT tự chủ về tài chính. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện, các địa phương, đơn vị cùng với tỉnh triển khai hiệu quả chủ trương.
Mong muốn hệ thống chính trị, các bậc phụ huynh cũng phải nhận thức thống nhất, muốn ngành giáo dục - đào tạo có bước phát triển trong xu hướng hiện nay phải chú trọng xã hội hóa.
* Về vấn đề về bạo lực học đường: Năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, trong đó chú trọng việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn liên tục xảy ra các vụ bạo lực học đường, tình trạng nhức nhối này rất đáng báo động về tình trạng xuống cấp đạo đức trong một bộ phận học sinh, thể hiện mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường và xã hội còn lỏng lẻo. Nguyên nhân chính do đâu, cần nhìn nhận thấu đáo để có giải pháp trong thời gian tới.
Giáo dục là cả một quá trình, phải nhìn nhận đầy đủ trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội; nếu các gia đình thường xuyên quan tâm tới việc giáo dục con em, nếu các nhà trường, đoàn thể luôn chăm lo các hoạt động phong trào, các ngành chức năng cùng chia sẻ, chắc chắn sẽ không có nhiều vụ bạo lực học đường như thời gian qua.
Ngoài bạo lực học đường, hiện nay đáng lo ngại là việc thanh thiếu nhi, học sinh hút thuốc lá điện tử trong đó có nhiều loại gây nghiện. Đề nghị ngành Công an tăng cường chỉ đạo xử lý thật nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển. Giao cho ngành giáo dục phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ tổ chức cuộc vận động thanh thiếu nhi học đường nói không với thuốc lá. Tuy nhiên, muốn thực hiện hiệu quả cuộc vận động, trong cán bộ, giáo viên, cán bộ đoàn phải đi đầu làm gương; các tổ chức đoàn thể phải tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức cho các em tránh xa các tai, tệ nạn xã hội.
* Về quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở các cấp học: Đây là một trong những mục tiêu và giải pháp mà Nghị quyết 96 năm 2018 của HĐND tỉnh đề ra, được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, hiện còn nhiều trường quy mô quá nhỏ, nhiều điểm trường, sĩ số học sinh trên lớp cao....Đề nghị các địa phương bám sát các quy định, chủ trương và thực tiễn để rà soát, sắp xếp lại trường lớp hợp lý, tạo thuận lợi cho học sinh học tập, rèn luyện.
Một nội dung mà tỉnh đang rất trăn trở, đó là tình trạng cơ sở vật chất các trường học dôi dư rất nhiều ở các địa phương sau khi sáp nhập. Đề nghị ngành Tài chính cùng các huyện thị tìm phương án chuyển nhượng hoặc giao doanh nghiệp mở các cơ sở giáo dục, để tài sản không bị lãng phí. Về đề xuất quy định mức thu phí các dịch vụ giáo dục chất lượng cao ở các cơ sở giáo dục công lập, giao Ủy ban Nhân dân tỉnh nghiên cứu các quy định và tham khảo cách làm của một số tỉnh thành để đề xuất HĐND tỉnh xem xét triển khai.
Đối với trường Đại học Hà Tĩnh, nếu chúng ta không kịp thời đề ra các giải pháp mạnh về công tác quản lý, phương thức đào tạo đội ngũ giảng viên, sinh viên, tận dụng tối đa về cơ sở vật chất của trường thì rất có thể một thời gian không xa, trường sẽ khó tồn tại. Lãnh đạo tỉnh sẽ hết sức quan tâm tới sự phát triển của trường nhưng việc tham mưu của nhà trường, khát vọng hoàn thiện, phát triển của đội ngũ quản lý, cán bộ, giáo viên nhà trường hết sức quan trọng.
* Về quy định mức thu học phí và chính sách miễn giảm học phí năm học 2022-2023
Trong điều kiện ngân sách tỉnh ta còn rất khó khăn, nhưng tại kỳ họp này, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh, HĐND tỉnh quyết định hỗ trợ miễn học phí học kỳ I năm học 2022-2023 cho tất cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, tại các cơ sở giáo dục, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh (cả công lập và ngoài công lập). Đây là chính sách riêng của tỉnh nhằm chia sẻ khó khăn đối với các bậc phụ huynh sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 (xin nhắc, chủ trương này chỉ áp dụng trong năm học này).
Qua thẩm tra của Ban Văn hóa – Xã hội, ý kiến thảo luận Tổ, thảo luận tại Hội trường, một số đại biểu đề nghị xem xét việc phân vùng quy định mức thu học phí, nhất là đối với học sinh ở các vùng khó khăn do sáp nhập trường phải đi học ở các trường thuộc khu vực thuận lợi. Về nội dung này, giao Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, nghiên cứu kỹ và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để xem xét phù hợp; trả lời của đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này thực tế rất khó, vì học sinh học trong một trường nếu mức nộp khác nhau sẽ rất khó thu.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII |
Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn hôm nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng đề ra các giải pháp cụ thể, hiệu quả để thực hiện nghiêm túc các nội dung mà cử tri và đại biểu HĐND đã nêu ra tại kỳ họp.
- Đối với các Ban, các đại biểu Hội đồng nhân dân, đề nghị các đại biểu tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện các vấn đề đã được đại biểu và cử tri chất vấn tại các kỳ họp.
Đối với cử tri, HĐND tỉnh mong muốn cử tri thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động của hệ thống chính trị; luôn ý thức vì sự phát triển chung, đồng hành, đồng thuận với các cấp ủy, chính quyền thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật nhà nước.
Theo kế hoạch, dự kiến trong chương trình Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét và quyết định 16 nghị quyết chuyên đề. Tuy nhiên, quá trình soát xét, Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất chưa đưa vào chương trình kỳ họp nội dung về Quy định một số mức chi cho hoạt động xét chọn, tôn vinh danh hiệu Trí thức tiêu biểu tỉnh Hà Tĩnh; Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết quy định mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Các nội dung sẽ được soát xét kỹ lưỡng để đưa vào bàn ở các kỳ họp của HĐND tỉnh trong năm 2023.
Tin mới cập nhật
- Tổ Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại huyện Hương Sơn tổ chức thảo luận trước kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XVIII ( 29/11)
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Cẩm Xuyên thảo luận trước Kỳ họp thứ 23 ( 29/11)
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại thành phố thảo luận nhiều nội dung trước Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 ( 29/11)
- Tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại huyện Vũ Quang thảo luận trước kỳ họp cuối năm ( 29/11)
- Hà Tĩnh: cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong khai thác khoáng sản ( 27/11)
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chung vui ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn An Phúc Lộc, Xuân Liên, Nghi Xuân ( 09/11)