Lựa chọn nội dung để quyết định chương trình kỳ họp
Ngay sau khi kết thúc kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành ngay cuộc họp liên tịch với UBND và các sở, ngành liên quan để đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tổ chức; đồng thời thống nhất những nội dung sẽ xem xét, quyết định tại kỳ họp tới. Tại cuộc họp này, Thường trực HĐND lắng nghe ý kiến thảo luận, đề xuất của UBND, các ngành liên quan, các ban HĐND, Văn phòng HĐND về những vấn đề lớn, những bức xúc trên các lĩnh vực KT - XH, AN - QP của địa phương để lựa chọn những nội dung sẽ đưa vào chương trình kỳ họp sắp tới. Ngoài những nội dung thường kỳ theo luật định, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, sau khi thống nhất với UBND tỉnh, Thường trực HĐND sẽ quyết định lựa chọn để đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung chuyên đề. Nếu có vấn đề phát sinh cần phải giải quyết nhưng không nằm trong chương trình xây dựng, ban hành nghị quyết hàng năm của HĐND, Thường trực HĐND tham vấn ý kiến các ban HĐND, tổ trưởng, tổ phó các tổ HĐND, đại biểu HĐND để xem xét, quyết định có đưa nội dung đó vào chương trình kỳ họp hay không.
Sau khi đã thống nhất nội dung, Thường trực HĐND yêu cầu UBND khẩn trương chuẩn bị xây dựng báo cáo, đề án gửi đến các ban HĐND nghiên cứu, thẩm tra theo đúng thời gian quy định. Trên thực tế, cũng có trường hợp một số vấn đề UBND tỉnh đề nghị đưa vào chương trình, nội dung kỳ họp, song qua nghiên cứu, Thường trực HĐND nhận thấy những nội dung đó chưa có đủ cơ sở, điều kiện bảo đảm tính khả thi nên đã quyết định không đưa vào chương trình kỳ họp. Ví dụ, tại cuộc họp liên tịch với UBND tỉnh và các ngành liên quan chuẩn bị nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa VII, UBND tỉnh đề nghị đưa vào chương trình kỳ họp các nội dung như: xem xét quy định mức thu phí môi trường đối với chất thải rắn; quy định chế độ chi tiêu, đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc, chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế và chi tiêu đón tiếp khách trong nước. Nhưng do chưa có đủ cơ sở, điều kiện bảo đảm tính khả thi nên Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định không đưa vào chương trình kỳ họp đó.
Tiến hành giám sát
Giám sát là một chức năng cơ bản, quan trọng của HĐND. Giám sát càng sâu, có hiệu quả thì HĐND càng có cơ sở quyết định chính xác. Vì vậy, sau khi thống nhất những nội dung sẽ đưa ra xem xét, quyết định tại kỳ họp, Thường trực HĐND gửi đến tất cả các đại biểu HĐND thông báo nội dung, chương trình kỳ họp để tiến hành TXCT và yêu cầu thực hiện chức năng giám sát ngay tại địa phương, đơn vị nơi cư trú, ứng cử. Đồng thời Thường trực, các ban HĐND khẩn trương tổ chức các cuộc giám sát trên tất cả các lĩnh vực nằm trong chương trình, nội dung kỳ họp.
Để phục vụ cho Kỳ họp thứ Ba (kỳ họp cuối năm), Thường trực, các ban HĐND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức trên 20 cuộc giám sát tại các đơn vị, địa phương và làm việc với các ngành liên quan. Qua giám sát, nhiều bức xúc nổi lên như: tình trạng lạm thu ở một số trường, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi trường mầm non bán công sang mô hình công lập; công tác quy hoạch triển khai chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, nhiều dự án quy hoạch mang tính tình thế; việc thực hiện Chương trình 30a đối với các địa phương miền núi gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn của Trung ương phân bổ chậm, không đáp ứng nhu cầu, tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi còn khá cao (trên 60%); vấn đề giải tỏa, tái định cư, bồi thường thiệt hại ở một số nơi còn nhiều bức xúc, hạ tầng khu tái định cư chưa bảo đảm, đời sống của nhân dân tại nơi ở mới còn gặp nhiều khó khăn; nhiều công trình hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được đầu tư, sửa chữa kịp thời; chế độ, chính sách cho cán bộ cơ sở thấp, không đủ sức khuyến khích và thu hút người có trình độ về làm việc. Công tác quản lý thuốc và giá thuốc chữa bệnh còn nhiều lỏng lẻo... Đây chính là những vấn đề lớn, đang có nhiều bức xúc HĐND tập trung thảo luận, chất vấn để tìm ra giải pháp khắc phục và quyết sách đúng đắn, khả thi tại kỳ họp này.
Trao đổi, phân công phản biện
Sau khi kết thúc các cuộc giám sát phục vụ kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp nghe các ban HĐND, các Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát, những vấn đề nổi lên sau giám sát và nội dung báo cáo thẩm tra của các ban HĐND; kiểm tra công tác chuẩn bị các báo cáo, đề án trình kỳ họp của UBND, nếu phát hiện báo cáo nào còn thiếu hay nội dung chưa đạt, yêu cầu UBND bổ sung cho kịp thời. Tại cuộc họp này, Thường trực HĐND nghe Văn phòng báo cáo công tác chuẩn bị kỳ họp, những việc đã thực hiện, những việc còn tiếp tục phải làm; nghe các ban trình bày báo cáo thẩm tra, xoáy sâu vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm phát hiện sau khi giám sát. Đây chính là những ý kiến tâm huyết bắt nguồn từ thực tế khách quan. Nhiều vấn đề đã được nhìn nhận kỹ lưỡng ở những góc độ khác nhau, giúp HĐND cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Ví dụ, xem xét vấn đề phá rừng, khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá dưới giác độ cân đong đo đếm những thiệt hại về vật chất, những lãng phí, thất thoát do các hành vi này đem lại; Ban Pháp chế đánh giá tác hại của những hệ quả kéo theo như tệ nạn xã hội, ma túy, tội phạm, trật tự an toàn xã hội; Ban Dân tộc đánh giá tác động, thiệt thòi mà đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi phải gánh chịu...
Những vấn đề lớn cử tri có nhiều ý kiến bức xúc, vấn đề nổi cộm phát hiện sau giám sát, phản biện của các ban HĐND được Thường trực HĐND lựa chọn để gợi ý cho các đại biểu tập trung thảo luận và chất vấn tại kỳ họp. Trước ngày khai mạc kỳ họp một tuần, Thường trực HĐND, Văn phòng HĐND tỉnh họp nhanh lần cuối để kiểm tra, rà soát lại tất cả công việc chuẩn bị cho kỳ họp như: tài liệu, báo cáo, đề án, công tác hậu cần... bảo đảm kỳ họp được tổ chức thành công.
Tin mới cập nhật
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chung vui ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn An Phúc Lộc, Xuân Liên, Nghi Xuân ( 09/11)
- Can Lộc cần phối hợp với các đơn vị mỏ đôn đốc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản ( 08/11)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Kỳ Anh ( 01/11)
- Thạch Hà : Phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản ( 31/10)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Hương Sơn ( 25/10)
- Huyện Nghi Xuân chủ động đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ sau khi khai thác khoáng sản ( 24/10)