Có 58 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 20
EmailPrintAa
18:46 17/07/2024

Sau tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh khóa 18 (liên quan đến 05 nhóm lĩnh vực, với 58 ý kiến, kiến nghị). UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị tại kỳ họp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu: Báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp

Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, nông thôn và đô thị , cử tri thành phố Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên kiến nghị tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng các sản phẩm, mặt hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. UBND tỉnh báo cáo trên địa bàn tỉnh hiện có 1.150 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp, trong số đó có 97% cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sáu tháng đầu năm 2024, đã tiến hành kiểm tra đối với 492 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, qua kiểm tra phát hiện 22/492 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 4,5%), phạt tiền 11 cơ sở (chủ yếu gồm các hành vi vi phạm: cung ứng giống lúa không phù hợp quy chuẩn (02 cơ sở), cung ứng phân bón vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa (01 cơ sở), buôn bán thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng (06 cơ sở), ngoài danh mục được phép sử dụng (02 cơ sở)) với số tiền 71,375 triệu đồng; lấy 70 mẫu  để kiểm tra chất lượng sản phẩm, phát hiện 02/70 mẫu không đảm bảo chất lượng theo quy định (chiếm tỷ lệ 2,86%).

Thời gian tới, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá vật tư nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng các đơn vị, địa phương liên quan nghiêm túc thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng các sản phẩm, mặt hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không rõ nguồn gốc theo quy định pháp luật.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng tiếp xúc cử tri tại thành phố Hà Tĩnh trước kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII

Đối với kiến nghị của cử tri về việc đề nghị tỉnh có chính sách đặc thù đối với các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn do lũ lụt, thiên tai; các địa phương có địa hình khó khăn trong thực hiện tích tụ ruộng đất: Tiếp thu ý kiến của cử tri, ngày 06/7/2024, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 301/TTr-UBND trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung để tháo gỡ bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 về quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 tại địa phương, cơ sở; việc điều chỉnh, bổ sung theo hướng: Nâng mức hỗ trợ phá bỏ bờ thửa, di dời mồ mả, san phẳng mặt ruộng, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy mô diện tích chuyển đổi ruộng đất; bổ sung thêm quy định về khen thưởng; giao thẩm quyền nghiệm thu phê duyệt chính sách hỗ trợ (tuyên truyền, tập huấn; phá bỏ bờ thửa, di dời mồ mả; tập trung ruộng đất theo hình thức thuê quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp; khen thưởng về công tác tập trung, tích tụ ruộng đất) cho UBND cấp huyện; bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ chính sách tập trung, tích tụ ruộng đất từ ngân sách cấp huyện. Đối với các địa phương có điều kiện địa hình đồi núi, thường chuyên chịu ảnh hưởng của tiên tai, khó khăn hơn trong công tác tập trung, tích tụ ruộng đất như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn có mức hỗ trợ cao hơn 1,2 lần so với các địa phương còn lại.

Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo sớm có văn bản hướng dẫn quy trình đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất đối với quỹ đất công ích thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Nội dung này UBND tỉnh trả lời việc tổ chức đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất công ích để Nhà nước cho thuê đất thực hiện theo quy định Luật Đất đai năm 2013, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Thông tư Liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/4/2015 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 57/2019/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất và đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Do vậy, về quy trình đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất đối với quỹ đất công ích thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã cũng thực hiện như các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất như các quy định nêu trên. Yêu cầu các địa phương căn cứ quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh để chỉ đạo hướng dẫn các xã, phường tổ chức thực hiện theo quy định và trả lời cử tri biết.

Về lĩnh vực đầu tư, giao thông, xây dựng và các công trình, dự án, cử tri toàn tỉnh kiến nghị về việc quan tâm thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ; bố trí vốn đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng, nâng cấp, sửa chữa một số công trình, dự án quan trọng, cấp thiết trên địa bàn. Đây là nội dung lớn, rất nhiều công trình, dự án được kiến nghị, liên quan đến khả năng cân đối ngân sách, trình tự, thủ tục quản lý tài chính, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản theo các quy định hiện hành.

Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri; trên cơ sở cân đối ngân sách, đối với các nội dung thuộc thẩm quyền, UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý cụ thể theo đề xuất của các địa phương và rà soát, tham mưu của cơ quan chuyên môn; đối với các nội dung vượt thẩm quyền, UBND tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo, đề xuất HĐND tỉnh theo quy định. Đối với các dự án vượt khả năng cân đối của địa phương, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị, đề xuất hỗ trợ từ các nguồn ngân sách trung ương, nguồn ODA khi có điều kiện.

Đối với kiến nghị đầu tư Đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ ven biển, huyện Nghi Xuân (giai đoạn 1); Tuyến đường huyện lộ 10 nối các địa phương Xuân An - Xuân Hồng - Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân; nâng cấp đường TX08, đoạn nối giữa thôn Bộc Nguyên, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên với xã Nam Điền, huyện Thạch Hà… Trong điều kiện kế hoạch đầu tư công ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền thông qua, số vốn trong kế hoạch đã giao hết hạn mức. Trước mắt, UBND các huyện thực hiện các giải pháp phi công trình và các giải pháp công trình tạm thời nhằm ổn định đời sống và sản xuất cho Nhân dân. Thời gian tới tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, hỗ trợ đầu tư khi đảm bảo điều kiện cân đối ngân sách.

Đối với tiến độ một số công trình trên địa bàn tỉnh (như tuyến đường Huyện lộ 5 thuộc Dự án Big2 từ xã Hương Lâm đi xã Hương Liên, huyện Hương Khê; Dự án Mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt vùng Trà Sơn huyện Can Lộc (giai đoạn 2); ... UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các địa phương quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đồng thời, giao các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, xử lý theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải tiếp xúc cử tri tại huyện Nghi Xuân trước kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII

Đối với kiến nghị của cử tri về tăng cường giám sát việc thi công Dự án đường cao tốc Bắc Nam gắn với đảm bảo môi trường và phòng chống thiên tai, đặc biệt là công tác phòng chống ngập lụt cho các vùng nằm phía Tây của tuyến đường, nhất là các xã vùng hạ du Kẻ Gỗ; UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư, địa phương và các đơn vị có liên quan thống nhất sử dụng đường công vụ phục vụ dự án (các phương tiện chỉ được phép đi trên các tuyến đường công vụ đã thống nhất, không được phép đi trên các tuyến đường khác); chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn giao thông trong quá trình thực hiện dự án. Yêu cầu các đơn vị thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, xe vận chuyển vật liệu chở đúng tải trọng, được che đậy, thường xuyên tưới nước giảm bụi, vệ sinh mặt đường, đảm bảo an toàn giao thông.

Về công tác phòng chống thiên tai: từ khi lập dự án đến các bước thiết kế, đã chỉ đạo Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu các giải pháp để thiết kế các công trình cầu, cống thoát nước đảm bảo thoát lũ. Quá trình thi công đã tổ chức nhiều đợt rà soát các nội dung bất cập để điều chỉnh bổ sung, nhất là điều chỉnh bổ sung hệ thống thoát nước, cống chui (kết hợp thoát lũ) và đường dân sinh, đảm bảo công tác phòng chống ngập lụt cho các vùng có tuyến cao tốc đi qua, nhất là các xã vùng hạ du Kẻ Gỗ. Chủ đầu tư đã chỉ đạo các đơn vị thi công xây dựng phương án thi công phù hợp, ưu tiên và đẩy nhanh thi công các hạng mục, công trình thoát nước phục vụ tiêu thoát, nhất là tại các vị trí, khu vực tiêu thoát chính của hạ du hồ Kẻ Gỗ, chỉ đạo các giải pháp đảm bảo phòng chống thiên tai, bố trí đầy đủ nhân lực, máy mọc, vật liệu để kịp thời xử lý các sự cố trên công trường khi có sự cố xảy ra.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng mức trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng trẻ em mồ côi và người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo để tương ứng mức chuẩn nghèo hiện nay. Ngày 01/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021 ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. Theo đó, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%). Như vậy, người cao tuổi tại cộng đồng có mức hưởng cao nhất 2.250.000/tháng, thấp nhất 500.000 đồng/tháng. Trẻ em mồ côi mất nguồn nuôi dưỡng dưới 4 tuổi 2.500.000 đồng/tháng, Trẻ em mồ côi từ đủ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi 1.500.000 đồng/tháng (bao gồm cả kinh phí nhận chăm sóc).

Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tiếp xúc cử tri tại huyện Hương Sơn trước kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVIII

Việc nâng mức trợ cấp xã hội phù hợp với Hiến pháp năm 2023, Nghị quyết 42 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, tương ứng mức chuẩn nghèo hiện nay. Tuy vậy, để tiếp tục nâng cao đời sống của các nhóm đối tượng nêu trên, tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, tuỳ theo điều kiện kinh tế xã hội, tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Về nội dung đề xuất sửa đổi Nghị quyết 72/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “bổ sung đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021 của Chính phủ vào nhóm được hưởng chính sách hỗ trợ thu nhập”; thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp, tham mưu, báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng cho giai đoạn 2026-2031.

Cử tri huyện Đức Thọ kiến nghị cấp phát đủ thuốc miễn phí cho các đối tượng tâm thần. Theo báo cáo của các đơn vị, hiện thuốc cấp phát tại đơn vị đang đáp ứng được nhu cầu điều trị, bệnh nhân không phải mua thuốc ngoài. Tiếp thu ý kiến của cử tri , UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về việc đảm bảo thuốc cho người bệnh, kịp thời có các biện pháp xử lý khi có hiện tượng thiếu thuốc cho bệnh nhân, không để gián đoạn quá trình điều trị.

Về việc bố trí kinh phí chi trả tiền tiêm vắc xin Covid-19, chế độ trực chốt cho lực lượng công an viên, cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố phục vụ phòng chống dịch, UBND tỉnh trả lời theo các văn bản quy định liên quan, nguồn kinh phí chi thanh toán các chế độ chi trả tiền tiêm vắc xin COVID-19; chế độ trực chốt cho lực lượng công an viên, cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố phục vụ phòng chống dịch thuộc Ngân sách UBND các huyện đảm bảo theo phân cấp ngân sách. Giao UBND huyện Đức Thọ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát báo cáo các đối tượng chưa được hưởng chế độ để thanh toán kịp thời theo đúng quy định.

Đối với các kiến nghị của cử tri về lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Cử tri đề nghị xem xét điều chỉnh quy định về mức thu trần các khoản thu và mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập tại Nghị quyết số 107/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đảm bảo phù hợp giữa khu vực đô thị và nông thôn: UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Nghị quyết số 107/2023 ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh để xem xét, trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung (nếu có) vào kỳ họp cuối năm 2024.

Về nội dung tăng cường giải pháp đối với vấn đề xuống cấp đạo đức xã hội, đặc biệt nạn học sinh hút thuốc lá điện tử ở các trường học trên địa bàn: Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; phòng ngừa các loại tệ nạn xã hội xâm nhập học đường. Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 38 ngày 28/9/2023 về việc “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát chơi game online, hút thuốc lá điện tử, chất kích thích và các tệ nạn trong trường học, thanh, thiếu nhi”; UBND tỉnh đã ban hành: Kế hoạch số 509 ngày 16/12/2021 về Triển khai Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2022 - 2030”; Kế hoạch số 19 ngày 17/01/2024 để triển khai thực hiện Chỉ thị 38-CT/TU ngày 28/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các chương trình, kế hoạch liên quan. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan tăng cường các giải pháp.

Cử tri thị xã Hồng Lĩnh kiến nghị quan tâm có chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay nhiều khu di tích trên địa bàn toàn tỉnh đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ; cụ thể như: Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Khu lưu niệm TBT Trần Phú, TBT Hà Huy Tập, đền thờ TBT Lê Duẩn, đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu, đền Chiêu Trung Lê Khôi, chùa Hương Tích, chùa Yên Lạc, chùa Đại Hùng, chùa Hang, chùa Long Đàm, chùa Thiên Tượng, đền Cả, đền Song Trạng… đều được đầu tư, tu bổ, tôn tạo đồng bộ, giao thông thuận tiện; thu hút số lượng du khách ngày càng đông. Thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương tăng cường quan tâm, đầu tư thêm hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh.

Về lĩnh vực nội chính và các lĩnh vực khác, cử tri toàn tỉnh kiến nghị liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, về phương án sắp xếp, xử lý cán bộ của các đơn vị hành chính thực hiện sáp nhập trong thời gian tới. Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh đã ban hành Phương án số 1188 ngày 07/3/2024 về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Hà Tĩnh: giai đoạn 2023-2025, tỉnh dự kiến sắp xếp, sáp nhập 04 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện; sắp xếp, sáp nhập 23 đơn vị hành chính cấp xã thành 16 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 07 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ làm dôi dư một lượng cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Để giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã dôi dư, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã khi xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập cần tập trung các giải pháp: Rà soát để thực hiện việc tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; Rà soát thực hiện việc điều động công chức, viên chức, công chức cấp xã trong nội huyện và ngoại huyện; Vận động cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ tinh giản biên chế theo các Nghị định của Chính phủ.

Về phương án sắp xếp, xử lý tài sản dôi dư của các đơn vị hành chính thực hiện sáp nhập trong thời gian tới: Căn cứ Phương án tổng thể sắp xếp hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Văn bản số 1188 ngày 07/3/2024, theo đó giai đoạn 2023-2025, tại địa bàn tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện đối với 04 địa phương: thành phố Hà Tĩnh và 03 huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại 06 địa phương bao gồm: thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh và 04 huyện: Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh. Thực hiện các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại Văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1589 ngày 26/3/2024 về việc thực hiện một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; theo đó đã giao các đơn vị, địa phương căn cứ Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh để rà soát, lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp. Việc lập danh sách và dự kiến phương án xử lý phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, được tổng hợp vào Đề án để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, trong giai đoạn 2023-2025, việc lập phương án sắp xếp xử lý tài sản công tại các địa phương sẽ được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Việc xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư sẽ được thực hiện theo phương án được phê duyệt.

Về chính sách hỗ trợ cho cán bộ nghỉ trước tuổi do sáp nhập xã để tạo điều kiện thuận lợi cho sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025

Liên quan đến việc ban hành cơ chế, chính sách để giải quyết cán bộ, công chức cấp xã dôi dư của giai đoạn 2023 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Văn bản số 2393 ngày 15/5/2024 về xây dựng chính sách cho cán bộ, công chức; UBND tỉnh đã có Văn bản số 2952 ngày 27/5/2024 về việc tham mưu xây dựng chính sách cho cán bộ, công chức; giao các cơ quan chuyên môn căn cứ các quy định hiện hành và tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

BBT

    Ý kiến bạn đọc