Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường
EmailPrintAa
16:33 12/12/2024

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội Phan Tấn Linh đã đăng đàn trả lời, làm rõ các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí tại các trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX); quản lý nhà nước về lao động; mức trợ cấp ưu đãi mới đối với người có công…

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội Phan Tấn Linh báo cáo trả lời chất vấn

Đối với nguồn lực đầu tư cho các trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, hướng dẫn về học phí đối với các trường nghề tự chủ 100%, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Phan Tấn Linh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 trường trung cấp, cao đẳng nghề, 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện đào tạo Chương trình GDTX cấp THPT. Việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong trường nghề thực hiện theo Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT ngày 08/11/2022 của Bộ GDĐT. Toàn tỉnh hiện có 8.582 học sinh đang học chương trình GDTX cấp THPT và học trung cấp nghề (bao gồm tuyển mới và học sinh cũ chuyển sang); số học viên đã tốt nghiệp đào tạo trung cấp nghề gắn với trung học phổ thông trong năm 2024 là 3.211 học sinh.

Đại biểu Từ Thị Hòa, Tổ đại biểu huyện Hương Khê chất vấn

Những năm qua mặc dù cơ sở vật chất các trường nghề đã được UBND tỉnh quan tâm đầu tư nhưng do nguồn ngân sách còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế dạy và học. Phòng học, trang thiết bị dạy học một số trường đã xuống cấp, lỗi thời phải thường xuyên sửa chữa với chi phí lớn trong khi mức thu học phí còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được các chi phí đào tạo của các trường nghề đã được giao tự chủ 100% chi thường xuyên. Các Trung tâm GDNN-GDTX thực hiện giáo dục thường xuyên cấp THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý; thực hiện hoạt động đào tạo nghề do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; cơ sở vật chất, thiết bị, con người, tài chính do UBND cấp huyện quản lý. Thời gian qua chưa được đầu tư đồng bộ nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề và giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT tại các trung tâm.

Đại biểu Nguyễn Việt Hùng, Tổ đại biểu huyện Lộc Hà chất vấn

Để giải quyết những bất cập nêu trên, thời gian qua, tỉnh đã phê duyệt các dự án đầu tư Trường trung cấp nghề, Trường cao đẳng Việt Đức. Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến của UBND tỉnh về xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đào tạo nghề giai đoạn 2025-2030; trong năm 2025 và các năm tiếp theo giai đoạn 2026-2030 UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạc và Đầu Tư tiếp tục tham mưu bố trí kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cấp các trường nghề. Về những bất cập liên quan đến học phí nói trên thuộc thẩm quyền giải quyết các cơ quan trung ương. Bộ GDĐT cũng đã có các Công văn đề nghị các địa phương đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP, Nghị định 97/2023/NĐ-CP về học phí để đề xuất Chính phủ sửa đổi phù hợp. Sau khi Chính phủ sửa đổi, UBND tỉnh sẽ giao các sở liên quan tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Văn Danh, Tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh chất vấn

Đối với những hạn chế trong quản lý nhà nước về lao động, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Tính đến tháng 30/11/2024, trên địa bàn toàn tỉnh có 3.470 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đóng BHXH, BHYT cho 49.415 người lao động. Việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT ngày càng nghiêm túc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động và đặc biệt nợ đọng BHXH của 2.925 đơn vị DN, HTX với số nợ là 135,4 tỷ đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thực đối với 25.265 người lao động.

Đại biểu Phạm Nghĩa, Tổ đại biểu huyện Can Lộc chất vấn

Nguyên nhân của những bất cập nêu trên, theo ông Phan Tấn Linh là vì một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động; chưa nắm chắc số lượng đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn quản lý; sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và BHXH trong thanh tra, kiểm tra, giám sát và khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật BHXH còn chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe đối với các đơn vị, doanh nghiệp có các hành vi vi phạm; công đoàn ở các doanh nghiệp chưa thật sự trở thành điểm tựa, nơi đặt niềm tin của người lao động; người lao động chưa dám đấu tranh buộc doanh nghiệp phải tham gia BHXH, BHYT, BHYT...

Đại biểu Thái Văn Sinh, Tổ đại biểu huyện Đức Thọ chất vấn

Về mức trợ cấp mới đối với người có công với cách mạng, ông Phan Tấn Linh cho biết: Đối với việc thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ, tính đến nay tổng kinh phí Trung ương chưa cấp cho tỉnh Hà Tĩnh để thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh là 286 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn chưa thực hiện việc cấp nguồn kinh phí tăng thêm theo quy định để chi trả trợ cấp, phụ cấp cho người có công.

Đại biểu Đào Thị Anh Nga, Tổ đại biểu huyện Lộc Hà chất vấn

Sau phần trả lời của ông Phan Tấn Linh, Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục chất vấn các vấn đề liên quan đến: giải pháp đào tạo nghề để cung ứng đủ lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm cho con em trên địa bàn tỉnh; nguồn lực của tỉnh hỗ trợ các trường nghề; giải pháp đảm bảo quyền lợi cho quân nhân xuất ngũ; tỷ lệ khám sức khỏe cho người lao động, nhất là giáo viên, người lao động trong các doanh nghiệp; giải pháp chấn chỉnh tình trạng đối với việc du học nghề qua nhiều khâu trung gian dẫn tới chi phí cao, tình trạng lao động chưa tuân thủ hợp đồng và các quy định của nước sở tại vẫn còn nhiều; công tác tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng bơi lội phòng chống đuối nước tại các địa phương; chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động; sự phối hợp giữa trường nghề với doanh nghiệp còn hạn chế; một số lớp đào tạo chưa gắn với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp; cơ sở vật chất, trang thiết thiết bị tại các trường nghề chưa đảm bảo; tình trạng lao động chưa tuân thủ hợp đồng và các quy định của nước sở tại vẫn còn nhiều. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 525 đối tượng cựu Thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 470 đối tượng không đảm bảo tiêu chuẩn của Quyết định 40 là “cô đơn, không nơi nương tựa”; mức trợ cấp giữa các đơn vị cấp huyện cho từng đối tượng chưa thống nhất (có đơn vị 120.000, đơn vị 180.000, đơn vị 360.000, 540.000)…

Đại biểu tham dự phiên chất vấn

Tiếp đó, ông Trinh Văn Ngọc, Giám đốc Sở Tài chính đã trả lời về kinh phí đào tạo nghề đối với bộ đội, công an xuất ngũ. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nguyệt đã giải trình một số vấn đề liên quan đến hướng dẫn về học phí đối với các trường nghề tự chủ 100%, trường/trung tâm công lập danh cho học sinh khuyết tật, tự kỷ. Theo đó, tỉnh chưa có cơ sở giáo dục công lập cho người khuyết tật, có 01 trung tâm ngoài công lập tại thị xã Hồng Lĩnh với 215 học sinh. Năm học 2024-2025, số học sinh khuyết tật học hoà nhập tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn là 1.909 học sinh. Tỉnh đang nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án thành lập cơ sở giáo dục chuyên biệt trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Nhưng còn có một số vướng mắc chưa thực hiện được, nguyên nhân chủ yếu là do việc thành lập cơ sở giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật phải phù hợp quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thẩm quyền này thuộc về Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay Chính phủ chưa phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập nên chưa có cơ sở để thực hiện.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nguyệt làm rõ thêm các nội dung thuộc thẩm quyền

Liên quan đến học phí dạy kiến thức văn hoá THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở GDNN có thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT thực hiện giảng dạy kiến thức văn hoá THPT đối với học viên học Chương trình GDTX cấp THPT (dạy kiến thức văn hoá THPT do cơ sở GDNN quyết định); hướng dẫn các cơ sở GDNN giảm thời lượng giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT (nếu có dạy kiến thức văn hoá THPT) do đã trùng với kiến thức văn hoá THPT theo Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT; hướng dẫn các cơ sở GDNN tính giá dịch vụ dạy kiến thức văn hoá THPT (nếu có dạy kiến thức văn hoá THPT), báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành mức thu học phí dạy kiến thức văn hoá THPT trong cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở GDNN thực hiện giảng dạy kiến thức văn hoá THPT đối với người học trung cấp nghề, để người học theo học trình độ cao hơn, nếu không học Chương trình GDTX cấp THPT hoặc để giảm thời lượng giáo dục Chương trình GDTX cấp THPT; Tăng cường kiểm tra công tác tuyển sinh của cơ sở GDNN, đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của cơ sở GDNN phù hợp điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ theo quy định của Chính phủ.

Ngày sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của ngành Lao động Thương binh và Xã hội, kỳ họp tiếp tục với phần trả lời của ông Lê Ngọc Huấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến các vấn đề thuộc quản lý của ngành.

BBT

    Ý kiến bạn đọc