Đẩy mạnh việc khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa được UNESCO ghi danh
EmailPrintAa
12:34 11/12/2024

Sáng ngày 11/12/2024, tại Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024), HĐND tỉnh Khóa VIII, đồng chí Đào Thị Anh Nga, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã trình bày báo cáo kết quả thẩm tra đối với các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình Kỳ họp thứ 23 (lĩnh vực văn hóa xã hội)

Theo đó, về báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2024, nhiệm vụ giải pháp năm 2024, Ban cho rằng: báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh đã đánh giá đầy đủ, rõ ràng và cụ thể những kết quả đạt được trên các lĩnh vực; đồng thời Ban bổ sung và đánh giá thêm một số nội dung sau:

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Đào Thị Anh Nga báo cáo tại kỳ họp

Trong năm, đã tổ chức tốt các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước đảm bảo trang trọng, tạo sức lan tỏa. Cùng với tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, nhận được sự quan tâm đặc biệt, theo dõi, đánh giá cao của cán bộ, Nhân dân 02 tỉnh và Nhân dân cả nước. Phong trào thể thao quần chúng phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận. Câu Lạc bộ Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thi đấu tốt ở lượt đi giải Vô địch Quốc gia mùa giải 2024-2025. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường, hoàn thiện số hóa dữ liệu hình ảnh tại một số khu du lịch, di tích.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có năng lực thực tiễn, tâm huyết với nghề. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được quan tâm, hiện có 522/640 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 81,6%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ vững tốp đầu cả nước; đã quan tâm hoạt động trải nghiệm, dạy học ngoại ngữ trong các trường học. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã kêu gọi xã hội hóa xây dựng 504 phòng học, hàng chục phòng máy vi tính; Quỹ khuyến học các cấp tiếp tục phát huy hiệu quả và tính nhân văn của chương trình, toàn tỉnh hiện đã hỗ trợ 426 học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn học đại học.

Đại biểu tham dự kỳ họp

Kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy các Trung tâm y tế cấp huyện. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng, chất lượng khám chữa bệnh được cải thiện, các ứng dụng chuyên khoa sâu được triển khai tích cực tại các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh. Các chương trình quốc gia về y tế được triển khai tích cực. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em tiếp tục được quan tâm. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh giảm so với cùng kỳ. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh, dược liệu, thuốc cổ truyền, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế được chú trọng thực hiện.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục đạt kết quả quan trọng. Triển khai tốt các chương trình, chính sách giải quyết việc làm cho thanh niên lập nghiệp và các nhóm lao động yếu thế . Thực hiện mô hình đào tạo trình độ trung cấp nghề gắn với trung học phổ thông, hiện có trên 15.000 học sinh THPT được đào tạo nghề trình độ trung cấp tham gia thị trường lao động; tỷ lệ học viên có việc làm sau tốt nghiệp tăng hằng năm . Giải quyết kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công. Quan tâm thực hiện chế độ chính sách, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ tham gia đạt và vượt chỉ tiêu được giao; ý thức chấp hành các quy định về lao động của các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Lĩnh vực thông tin, truyền thông có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện Đề án 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đạt một số kết quả tích cực, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, dữ liệu số được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung được tích cực triển khai đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử. Công tác quản lý nhà nước về báo chí và tuyên tuyền, thanh tra các hoạt động công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, xuất bản báo chí được chú trọng. Đã tiến hành kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và chấn chỉnh hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Hoạt động báo chí, truyền thông tiếp tục góp phần thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, đã có nhiều chuyên trang, phóng sự mang tính phản biện cao; nhiều bài viết định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đối với các tồn tại, hạn chế, Ban nhấn mạnh và bổ sung một số nội dung như sau:

Công tác khai thác, phát huy các giá trị di sản còn hạn chế, nhất là các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh. Việc lưu giữ, bảo quản sắc phong của các triều vua thời Phong kiến tại các di tích lịch sử văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu do các dòng họ tự bảo quản nên các sắc phong bị mất mát, hư hỏng theo thời gian. Chậm hướng dẫn về công tác thu - chi tài chính, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ và tổ chức lễ hội tại các di tích theo quy định tại Thông tư 04/2023/TT-BTC, dẫn đến việc thực hiện còn lúng túng, thiếu đồng bộ. Thể thao thành tích cao thiếu bền vững; đội tuyển bóng chuyền khó khăn trong duy trì hạng sau 08 mùa thi đấu tại giải vô địch quốc gia. Hoạt động quảng bá du lịch được tập trung triển khai nhưng chưa rõ nét, chưa phát huy hiệu quả.

Toàn cảnh kỳ họp

Cơ sở vật chất dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều trường, lớp xuống cấp, hư hỏng, không có nhà chức năng, sân chơi thể thao cho học sinh… nhưng chưa được xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa, ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được khắc phục triệt để. Công tác xã hội hóa lĩnh vực giáo dục còn khó khăn. Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hiệu quả chưa cao, chưa làm tốt mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh; trong năm đã xảy ra nhiều trường hợp đối tượng vi phạm pháp luật là thanh, thiếu niên, học sinh. Quản lý nhà nước về hoạt động dịch vụ tư vấn du học chưa được quan tâm đúng mức, nhiều cơ sở không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng thực hiện kinh doanh không đúng quy định. Số lượng trẻ và học sinh khuyết tật, rối loạn phổ tự kỷ khá đông, nhưng chưa có cơ sở giáo dục chuyên biệt giảng dạy tập trung, do vậy, các em phải học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục mầm non, cấp học phổ thông gây khó khăn trong quá trình giảng dạy và học tập.

Cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế xuống cấp trong khi nguồn lực đầu tư mới và bảo dưỡng, sửa chữa còn khó khăn. Công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh hàng năm không kịp thời theo quy định, các chi phí vượt trần, vượt quỹ, vượt tổng mức tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay chưa được thanh toán và chưa có giải pháp tháo gỡ. Thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế chưa được cung ứng đầy đủ, kịp thời, thực tế người bệnh có bảo hiểm y tế vẫn phải tự mua một số thuốc, vật tư để khám và điều trị bệnh. Vẫn còn tình trạng nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc lưu thông trên địa bàn.

Cơ sở vật chất ở các cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề và nhu cầu thực hành của học viên. Chưa có hướng dẫn về học phí dạy phổ thông trong các trường nghề thực hiện cơ chế tự chủ chi thường xuyên, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Công tác đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ, lao động nông thôn gặp khó khăn khi đặt hàng với các cơ sở đào tạo, dẫn đến tỷ lệ giải ngân đối với chính sách này còn thấp. Quyền lợi của người lao động trong một số doanh nghiệp, hợp tác xã chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc đóng nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Chi trả trợ cấp ưu đãi theo quy định mới đối với người có công còn chậm.

Thực hiện Đề án chuyển đổi số còn gặp khó khăn. Hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin chưa được đầu tư đồng bộ,  khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả tài nguyên, dữ liệu; hệ thống thông tin cơ sở chưa phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân. Số lượng hồ sơ thực hiện trực tuyến toàn trình ngày càng tăng, tỷ lệ giải quyết tuy cao nhưng thực tế người dân chưa thực sự khai thác dịch vụ mà chủ yếu là cán bộ làm thay. Việc ứng dụng các phần mềm, phần mềm liên thông đang phụ thuộc các Bộ, Ngành, gây khó khăn trong tra cứu, đồng bộ cơ sở dữ liệu trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về báo chí còn bất cập do các quy định của pháp luật thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 , Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí cao với các nhiệm vụ, giải pháp của Ủy ban nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó, Ban đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

Quan tâm công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị các di sản được UNESCO vinh danh như tổ chức: không gian diễn xướng; các chương trình nghệ thuật về Dân ca Ví, Giặm, Ca Trù, Trò Kiều trong các mùa lễ hội và tại các điểm du lịch gắn với phát triển làng nghề truyền thống để từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch mang màu sắc riêng của tỉnh nhằm thu hút khách du lịch. Tranh thủ các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa và huy động xã hội hóa để tu bổ, chống xuống cấp các di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh. Chú trọng phát triển thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; tăng cường công tác xã hội hóa, tập trung tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực trẻ để duy trì, phát triển câu lạc bộ bóng chuyền, bóng đá chuyên nghiệp của tỉnh.

Huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, hiện đại hóa các trường học; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực giáo dục nhằm giảm áp lực cho giáo dục công lập và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Tiếp tục sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ; xử lý tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Xem xét tiếp nhận giáo viên là con em Hà Tĩnh đang công tác tại các tỉnh, thành có nguyện vọng về quê công tác ở những bộ môn, cấp học còn thiếu. Quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục con em trong độ tuổi. Quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục chuyên biệt để giảng dạy tập trung cho học sinh khuyết tật, tự kỷ trên địa bàn. Sớm triển khai chính sách hỗ trợ lưu học sinh Lào học chương trình trung học phổ thông; đẩy nhanh lộ trình phát triển Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại các tuyến; quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các Trung tâm y tế cấp huyện sau kiện toàn. Kịp thời triển khai mua sắm trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ tình trạng mua bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Quan tâm xử lý việc thanh toán các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần, vượt quỹ, vượt tổng mức tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dạy nghề, việc làm, lao động. Quan tâm đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất tại các trường nghề nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh kết hợp dạy nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Tập trung tháo gỡ, xử lý bất cập liên quan đến học phí dạy học phổ thông tại các trường nghề thực hiện cơ chế tự chủ. Thực hiện có hiệu quả các chính sách đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao đối với các ngành nghề tỉnh cần. Triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, mô hình về bảo vệ chăm sóc trẻ em. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo; chăm lo chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công; tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, chương trình nhà ở xã hội, xây dựng công trình công cộng kết hợp phòng chống thiên tai. Kịp thời chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công theo mức quy định mới.

Tích cực tuyên truyền người dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ công, phát huy vai trò của Tổ chuyển đổi số cộng đồng trong việc hướng dẫn người dân ứng dụng các nền tảng số, dịch vụ số. Quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình dự án về công nghệ thông tin đã được ban hành. Quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản thông tin, truyền thông; tăng cường các hoạt động đảm bảo an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước. Kiểm soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi chia sẻ thông tin sai trái trên không gian mạng.

Về các tờ trình, dự thảo Nghị quyết , 04 Tờ trình, dự thảo Nghị quyết Ban Văn hóa - Xã hội được phân công thẩm tra tại kỳ họp lần này đều đảm bảo đầy đủ hồ sơ, thủ tục, các căn cứ pháp lý liên quan, được cơ quan tư pháp thẩm định theo quy định. Ban đã tổ chức làm việc với các cơ quan soạn thảo, nhìn chung các ý kiến góp ý đã được tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện.

Do đó, Ban đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, ban hành 04 Nghị quyết về: Quy định mức giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Hà Tĩnh; Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Hà Tĩnh; Phê duyệt mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông thuộc Trường Đại học Hà Tĩnh và Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 118/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chế độ hỗ trợ đào tạo lưu học sinh Lào học tập tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2023 - 2025./.

BBT

    Ý kiến bạn đọc