Để đại biểu dân cử thể hiện đúng vai
EmailPrintAa
15:16 21/02/2012

Để đại biểu dân cử không bị nhầm vai, trước hết cần làm tốt công tác bồi dưỡng, nhất là làm cho đại biểu nhận thức rõ hơn, xác định đúng vị trí trong bộ máy quyền lực nhà nước ở địa phương, từ đó thể hiện đúng vai của mình; đồng thời tăng số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, giảm dần số đại biểu kiêm nhiệm

Đại biểu hoạt động chuyên trách chỉ có một vai, nhưng đại biểu kiêm nhiệm có ít nhất là hai vai. Họ có thể là Bí thư chi bộ, trưởng thôn (hoặc phó), thủ trưởng (hoặc phó thủ trưởng) các cơ quan, ban ngành, đoàn thể... Nói ít nhất là bởi vì có những đại biểu còn kiêm nhiều vai chủ chốt trong các ban chỉ đạo, trong công đoàn cơ sở, trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được phân công. Xác định rõ vai của mình trong thực hiện trách nhiệm của đại biểu dân cử thật không dễ. Và cũng đã có không ít đại biểu HĐND nhầm vai khi hoạt động. Điều đó thể hiện khá rõ trong TXCT, tại các kỳ họp HĐND.

Là đại biểu dân cử thì dù ở bất cứ cương vị công tác nào cũng phải thực sự gần dân, hiểu dân, hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, nói tiếng nói của dân, chia sẻ với dân. Bằng trách nhiệm, tâm huyết của mình có những việc làm thiết thực đem lại lợi ích cho dân. Đại biểu đến với dân trong tư cách là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của dân sẽ có được lòng tin của người dân. Cùng với tư thế ấy, đại biểu dân cử là người đứng đầu một cấp, một ngành sẽ đem đến cho cử tri lòng tin gấp bội. Nhưng làm sao để cả hai vai ấy rành mạch, hài hòa quả thật không dễ chút nào. Bởi lợi ích của ngành mình, của cấp mình, thậm chí cả vị trí công tác của mình có khi không đồng hành cùng lợi ích của dân. Trong một lần TXCT tại một xã khó khăn, khi cử tri nêu những hiện tượng tiêu cực trong ngành y tế, đại biểu dân cử cũng là lãnh đạo ngành đã trả lời: “trong một bàn tay cũng có ngón dài, ngón ngắn, trong một gia đình cũng có đứa con ngoan, đứa con hư, huống hồ là cả một ngành, đội ngũ đông như vậy, mặc dù ngành đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, nâng cao y đức... nhưng vẫn chưa ngăn chặn được. Trên ngực áo của các bác sỹ, y tá đều có đeo thẻ, đề nghị bà con phát hiện ra thì phản ánh kịp thời cho ngành, bà con cứ phản ánh chung chung thế thì chúng tôi rất khó xử lý”. Điều cử tri muốn đại biểu dân cử biết là những khốn khổ mà họ đang gặp phải khi đến khám, chữa bệnh, nhất là những hộ nghèo, đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế. Qua đó, cử tri mong muốn đại biểu có những hành động cụ thể góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chứ không phải để nghe đại biểu lý sự về nguyên nhân của những hạn chế và đẩy trách nhiệm về phía cử tri. Rõ ràng, đại biểu dân cử đã nhầm vai.

Có lẽ không ít trường hợp nhầm vai như vậy trong các cuộc TXCT, lỗi có thể do đại biểu chưa xác định được khi nào thì mình là người đại biểu của dân, khi nào là lãnh đạo của địa phương, của ngành. Lỗi có lẽ cũng còn do người làm công tác tổ chức và cơ quan truyền thông. Luật quy định: TXCT là trách nhiệm của đại biểu dân cử. Luật cũng quy định: đại biểu dân cử phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri... Mục đích của TXCT thì đại biểu đã biết. Vì vậy, TXCT, giữ mối liên hệ với cử tri thì với tư cách là đại biểu dân cử. Nhưng người làm công tác tổ chức các cuộc TXCT thì cứ giới thiệu chức danh trước, đại biểu dân cử sau: Bí thư..., Chủ tịch... sau đó mới đến đại biểu QH Khóa XIII... TXCT tại nơi này, nơi khác. Cấp tỉnh, cấp huyện, xã cũng thế. Giới thiệu như vậy cũng dễ làm cho đại biểu dân cử hiểu nhầm vai. Thế nên mới có những đại biểu HĐND sau khi nghe ý kiến cử tri đã giải trình bằng cách đánh giá lại toàn bộ những việc mà ngành mình, cấp mình đã làm (Chúng tôi đã làm... chúng tôi đã được khen thưởng...) và đưa ra hàng loạt những vấn đề phải làm trong thời gian tới, yêu cầu cử tri điều này, điều khác. Cứ như TXCT là hội nghị triển khai nghị quyết của Đảng, hoặc cuộc họp tổng kết của UBND. Nghe như thế, cử tri sẽ nghĩ: lãnh đạo các cấp, các ngành... TXCT chứ không phải là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của họ, đến với họ, nói cho họ nghe những chủ trương, chính sách mới, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Từ đó, có những quyết sách đúng, hợp lòng dân. Sự nhầm vai của đại biểu đã vô tình tạo ra khoảng cách giữa cử tri và đại biểu dân cử.

Không chỉ vậy, tại các kỳ họp HĐND, sự tách bạch giữa hai vai cũng rất khó. Lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo ngành phần lớn là đại biểu HĐND, những người đã bàn bạc, quyết định các biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng... trên địa bàn; cũng là những người sẽ tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết mà HĐND đã thông qua; cũng chính họ sẽ theo dõi, đôn đốc, giám sát... việc thực hiện nghị quyết đó. 6 tháng,1 năm, những người này báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết trước HĐND. Chính điều này đã dẫn đến những hạn chế nhất định như: việc ban hành nghị quyết còn hình thức; vai trò giám sát của đại biểu HĐND, HĐND chưa cao, chất vấn và trả lời chất vấn khó thực hiện theo đúng nghĩa. Vì cùng là đại biểu HĐND, cùng là lãnh đạo, hoặc đang chịu sự lãnh đạo thì chất vấn có đem lại lợi ích cho địa phương mình, cho ngành mình, và thậm chí, bản thân mình có bị phiền toái? Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề hậu chất vấn chưa được quan tâm đúng mức. Những bất cập này đã làm cho vai trò của cơ quan dân cử địa phương nhiều nơi bị hạn chế.

Thiết nghĩ, để đại biểu dân cử không bị nhầm vai, mà còn đảm nhận tốt hai vai, vừa thực hiện được đầy đủ trách nhiệm của công chức, viên chức, vừa thực hiện tốt trách nhiệm là người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, trước hết cần làm tốt công tác bồi dưỡng, nhất là làm cho đại biểu nhận thức rõ hơn, xác định đúng vị trí của mình trong bộ máy quyền lực nhà nước ở địa phương. Từ đó thể hiện đúng vai của mình. Đồng thời, tăng số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, giảm dần số đại biểu kiêm nhiệm. Cấp tỉnh, cấp huyện nên thay Uỷ viên Thường trực HĐND bằng chức danh Phó chủ tịch HĐND (2 Phó chủ tịch) để tăng thêm quyền lực cho HĐND; các trưởng ban HĐND cũng phải hoạt động chuyên trách, có phụ cấp trách nhiệm và các phương tiện làm việc tương đương với các trưởng ngành hoặc trưởng các ban của Đảng. Ở cấp huyện, Văn phòng HĐND riêng, không nên gộp chung với văn phòng HĐND và UBND như hiện nay. Cấp xã nên có các ban HĐND, trưởng các ban hoạt động chuyên trách... Như vậy, HĐND mới có điều kiện tốt hơn về nhân lực, về phương tiện và các điều kiện khác để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định.


    Ý kiến bạn đọc