Để hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử không rơi vào hình thức
EmailPrintAa
08:48 14/05/2012

Đây là vấn đề được bàn nhiều và cũng tốn không ít thời gian, công sức để hội thảo, để bồi dưỡng, nhưng kết quả chưa được cải thiện nhiều, vậy lý do vì sao?

Cử tri chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm

Thực tế, các cuộc TXCT của đại biểu dân cử hiện nay thường chỉ diễn ra trước và sau các kỳ họp của QH và HĐND các cấp, thường tổ chức ở các khu vực bầu cử và trong giờ hành chính. Trong khoảng thời gian và địa điểm đó, hầu hết những người trong độ tuổi lao động đang phải đi làm, kể cả ở khu vực nông thôn, người nông dân còn bận việc đồng áng hoặc đi làm xa. Do đó, cử tri đến dự tiếp xúc hầu hết là người già, là cán bộ cơ sở, bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng các đoàn thể nhân dân và một số người lớn tuổi. Dù tiếp xúc với ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh, huyện hay xã, lần này và lần khác thì cũng chỉ có những người đó mà thôi - đó chính là những “cử tri chuyên trách”.

Về đại biểu dân cử, hầu hết hoạt động kiêm nhiệm, chỉ có số ít đại biểu chuyên trách, hơn nữa chiếm tỷ lệ lớn là đại biểu giữ vị trí lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương (ĐBQH) và lãnh đạo các ban, ngành ở địa phương nên bận nhiều công việc, và vì thế cũng hay vắng mặt ở các cuộc TXCT. Lý do vắng mặt đều là chính đáng, bởi vì: chương trình công tác của các đồng chí lãnh đạo do cơ quan nơi công tác sắp xếp hoặc phụ thuộc vào lãnh đạo cấp trên, chương trình chung của cơ quan; còn chương trình, kế hoạch TXCT thì lại do văn phòng Đoàn ĐBQH, văn phòng HĐND các cấp xây dựng, làm sao có thể khớp với nhau được.

Vì là đại biểu kiêm nhiệm nên TXCT thường bị coi là hoạt động thứ yếu, có vắng mặt một vài buổi tiếp xúc cũng dễ được thông cảm. Vì kiêm nhiệm, vì bận công việc chính nên nhiều khi bắt đầu buổi tiếp xúc mới đọc tài liệu, mới nắm nội dung. Do vậy, khi có ý kiến cử tri phản ánh cũng khó có thể trao đổi, trả lời, giải thích cho thấu đáo; hơn nữa, thông thường mỗi tổ đại biểu (3 - 5 người) đến dự tiếp xúc cũng chỉ có một đại diện tiếp thu, giải trình, vậy nên tình trạng giải trình không thấu đáo là chuyện dễ hiểu.

Lại còn có những cuộc tiếp xúc (tuy là số ít), sau khi cử tri phản ánh, kiến nghị thì một vị đại diện các đại biểu đứng lên chỉ nói cảm ơn cử tri đã đến dự và xin tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc để tập hợp, phản ánh về QH và chuyển đến các cấp chính quyền những vấn đề liên quan đến mỗi cấp, và không có giải thích, giải trình gì cả. 
Còn có những cuộc tiếp xúc vắng cả đại diện UBND các cấp, mà điều này Luật quy định khá rõ ràng, UBND các cấp phải cử đại diện đến dự để nghe, tiếp thu ý kiến và giải trình những kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cấp mình. Rồi còn tình trạng ghi chép, tập hợp, phản ánh không đầy đủ, không đúng với ý kiến cử tri, làm cho cử tri bức xúc cho rằng đại biểu không tôn trọng mình.

Cũng vì là “cử tri chuyên trách” cho nên “chưa nói đã biết”, đại biểu nào nếu đã dự tiếp xúc đến lần thứ ba, thứ tư trở đi đều có nhận định và đoán biết cử tri sẽ nói gì trong buổi tiếp xúc sẽ diễn ra. Bởi vì vẫn những con người đó, thành phần đó thì cũng chỉ có thể nói những vấn đề mà họ đã nói ở lần trước hoặc cuộc tiếp xúc trước mà thôi, đại loại là những vấn đề chung chung, nhỏ nhặt thường ngày. Còn những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh hoặc những đề xuất, góp ý xây dựng pháp luật ít được đề cập, phản ánh.

Cử tri cũng không cần phân biệt tiếp xúc với ĐBQH cần phản ánh gì, với đại biểu HĐND mỗi cấp thì phản ánh gì, đại loại những gì bức xúc cứ phản ánh, kiến nghị mà thôi. Lần tiếp xúc sau, đại biểu được luân chuyển đến địa điểm khác, cử tri ở lần tiếp xúc trước không có điều kiện để kiểm chứng xem ý kiến, đề nghị lần trước của mình có được quan tâm giải quyết và giải quyết đến đâu. Đại biểu cũng chỉ tập hợp chuyển ý kiến cử tri đến các cơ quan, các cấp chính quyền, chứ cũng không có nhiều điều kiện để kiểm tra xem các cơ quan đó đã giải quyết thế nào để báo cáo cho cử tri biết vào lần tiếp xúc sau.

Một số thực trạng nêu trên cho thấy, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử hiện nay có thể nói là khá nhàm chán và kém hiệu quả.

Nhiều nguyên do

Nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết do các quy định về hoạt động TXCT hiện mới chỉ mang tính định hướng, chưa có tính trách nhiệm pháp lý cao, chưa được lượng hóa quy định mỗi đại biểu phải dành thời gian ít nhất là bao nhiêu ngày trong một năm để TXCT. Và nếu chỉ quy định cần tiếp xúc cử tri cả nơi cư trú và nơi làm việc, nghĩa là nếu thấy cần hoặc có điều kiện thì tiếp xúc, còn nếu không thì thôi cũng chẳng sao. Do đó hoạt động TXCT hầu hết chỉ diễn ra trước và sau mỗi kỳ họp của QH, của HĐND ở địa phương. Còn việc tiếp xúc với cử tri bằng những hình thức khác rất ít. 

Bên cạnh đó, đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thực sự bận nhiều công việc chuyên môn, trong khi các quy định chưa mang tính “bắt buộc”. Tuy nhiên, cũng có những đại biểu vin lý do bận công việc chính nên sao nhãng hoạt động tiếp xúc với cử tri, tiếp công dân, nhất là ĐBQH công tác ở các cơ quan Trung ương.

Cũng từ các quy định pháp lý còn thiếu cụ thể nên trách nhiệm của các cơ quan ở địa phương trong việc phối hợp tổ chức TXCT cho đại biểu dân cử thời gian qua chưa hiệu quả. Ngay từ khâu xây dựng kế hoạch TXCT, hầu hết mới chỉ xây dựng kế hoạch để thực hiện các cuộc tiếp xúc định kỳ nơi đại biểu ứng cử trước và sau mỗi kỳ họp, còn các hình thức tiếp xúc khác, như: nơi cư trú, nơi làm việc hoặc tiếp xúc chuyên đề, tiếp xúc cá nhân đại biểu hoặc theo nhóm đại biểu rất ít nơi thực hiện được. Bởi vì khi nào đại biểu cần thì mới xây dựng kế hoạch và tổ chức để đại biểu tiếp xúc với cử tri, mà cái cần đó thì rất ít.

Mặt khác đại biểu phần lớn kiêm nhiệm, nếu không có sự chủ động của các cơ quan liên quan (như ĐBQH, Thường trực HĐND...) thì họ không thể chủ động thực hiện được. Đại biểu dân cử vốn là những người tiêu biểu và có trách nhiệm với cử tri, nếu như có kế hoạch cụ thể thì chắc chắn và bắt buộc họ sẽ nghiêm chỉnh thực hiện.

Văn phòng Đoàn ĐBQH, văn phòng HĐND các cấp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức để đại biểu dân cử TXCT, tiếp dân. Nếu văn phòng ở đâu, nơi nào có trách nhiệm, chủ động xây dựng kế hoạch và đề xuất với Đoàn ĐBQH, với Thường trực HĐND thì ở đó chất lượng TXCT sẽ được nâng lên.

Một số đề xuất, kiến nghị

Trước hết, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về hoạt động TXCT trong các văn bản pháp luật, như: Điều 51- Luật Tổ chức QH, không nên quy định chung chung là “đại biểu Quốc hội phải thường xuyên tiếp xúc cử tri”, hoặc Điều 39 Luật Tổ chức HĐND và UBND cũng mới quy định chung chung là: “đại biểu Hội đồng nhân dân phải thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri”, đến Thông tư liên tịch số 6 cũng chỉ quy định: “Đại biểu Quốc hội... phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan ”. Cần bổ sung quy định cụ thể, lượng hóa về thời gian mỗi năm ĐBQH, đại biểu HĐND phải dành bao nhiêu thời gian, hoặc bao nhiêu lần cho hoạt động TXCT, tiếp công dân ở địa phương.

Chỉ cần quy định cụ thể như vậy, còn việc tổ chức TXCT ở đâu, hình thức như thế nào, tiếp xúc trước, sau kỳ họp, tiếp xúc nơi cư trú, nơi công tác thế nào do các cơ quan ở địa phương phối hợp tổ chức thực hiện.

Thứ hai, mỗi cơ quan ở địa phương cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong TXCT. Trong đó, vai trò của cơ quan giúp việc (các văn phòng) là rất quan trọng. Và hoạt động TXCT nên giao cho một cơ quan chủ trì, điều phối hoạt động giữa các cơ quan liên quan; ở địa phương nên có quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động TXCT của đại biểu dân cử.

Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức TXCT.

TXCT là cơ hội để trao đổi giữa cử tri với đại biểu, nghe phản ánh từ hai phía, nghe giải thích, giải trình của đại biểu và đại biểu tiếp thu ý kiến cử tri. Vì thế, phải bảo đảm thời gian cho việc trao đổi, đại biểu không nên báo cáo quá dài mà cần chọn lọc thông tin, tùy theo đối tượng tiếp xúc để chuẩn bị nội dung cho phù hợp. Việc giải thích ý kiến cử tri cũng rất quan trọng, TXCT cũng là cơ hội để đại biểu giải thích, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước. Trong mỗi tổ đại biểu thường có nhiều thành phần, vị trí công tác khác nhau, khi có ý kiến cử tri phản ánh về lĩnh vực liên quan đến đại biểu nào thì nên để đại biểu đó trao đổi, giải thích sẽ sâu sắc hơn, mà không nên chỉ có một đại diện tiếp thu.

Nên tăng cường phối hợp TXCT giữa ĐBQH với đại biểu HĐND các cấp trên cùng một địa bàn. Thực hiện được sự phối hợp này thì hiệu quả TXCT sẽ được nâng lên rõ rệt, cùng một lúc ở mỗi điểm tiếp xúc đều có ĐBQH và đại biểu HĐND ít nhất là một cấp và có thể cả ba cấp. Trước mỗi cuộc TXCT phải thực hiện đầy đủ quy định về việc thông báo công khai, rộng rãi để cử tri nơi tổ chức tiếp xúc biết và đến dự; đồng thời không nên khống chế số lượng cử tri tới dự hội nghị tiếp xúc.

Cũng cần có quy định và tạo điều kiện để đại biểu sử dụng công nghệ thông tin thực hiện TXCT (hình thức gián tiếp), mỗi đại biểu công khai địa chỉ email của mình để cử tri có thể phản ánh, kiến nghị bất cứ lúc nào.

Thứ tư, nên tạo điều kiện để đại biểu dân cử có một chút “quyền” quyết định trực tiếp, gọi là để động viên cử tri và tạo sự gắn kết hơn giữa cử tri với đại biểu dân cử. Tại khóa HĐND này, tỉnh Bạc Liêu đã quyết định trích từ ngân sách địa phương cho phép mỗi tổ đại biểu (của một huyện) được quyết định sử dụng khoản kinh phí 500 triệu đồng mỗi năm để hỗ trợ cho các địa phương hoặc cho cá nhân, hộ gia đình gặp khó khăn, thiên tai đột xuất, hoặc cơ sở nào đang bức xúc, cần hỗ trợ kinh phí để xây dựng hạ tầng cấp bách (một đoạn đường, một cây cầu qua kênh, một ngôi trường đang bị dột,... chẳng hạn). Nói chung là các công trình nhỏ, đột xuất nằm ngoài kế hoạch đầu tư hàng năm của tỉnh, huyện, xã. Như vậy, vẫn là kinh phí từ ngân sách của tỉnh, vẫn là việc hỗ trợ khó khăn, đột xuất, nhưng thực hiện qua kênh đại biểu HĐND sẽ tạo sự gắn kết hơn giữa đại biểu với cử tri. Đây là một cách làm hay cần được nghiên cứu, áp dụng


    Ý kiến bạn đọc