Qua quá trình thực hiện theo các quy định này, hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã đạt được những kết quả quan trọng; tuy vậy vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Để kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể chế hóa các quy định liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được quy định trong Hiến pháp, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 835/UBTVQH-PL ngày 28/02/2015 về việc lấy ý kiến về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thời gian qua Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật được quan tâm chỉ đạo, cơ bản đạt mục đích, yêu cầu đề ra; việc tổng hợp các ý kiến đóng góp khá kịp thời, đảm bảo đầy đủ và chất lượng. Đa số các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến hoặc y sao văn bản và tài liệu gửi đến xin ý kiến các thành phần, đối tượng liên quan; đến nay, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiếp nhận được hơn 90 văn bản tổng hợp đóng góp ý kiến, ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị gửi đóng góp ý kiến qua thư điện tử hoặc qua địa chỉ trực tuyến tại Trang thông tin điện tử “Đại biểu nhân dân Hà Tĩnh”.
Cơ bản các báo cáo tổng hợp, các ý kiến đóng góp đều thống nhất cao với các nội dung, bố cục dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã nêu; đồng tình với mục đích xây dựng dự thảo Luật là nhằm sửa đổi những quy định trong pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đảm bảo phù hợp với quan điểm của Đảng, của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội vừa được thông qua và tình hình thực tiễn đổi mới; bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp giữa những đổi mới về hoạt động giám sát với những đổi mới về mặt tổ chức của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan, tổ chức khác của hệ thống chính trị; tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong việc xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; phát huy vai trò của giám sát trong việc góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước; bảo đảm sự thống nhất trong việc quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đảm bảo yêu cầu về mặt kỹ thuật lập pháp và nội dung để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức hoạt động giám sát. Đa số các ý kiến đóng góp đều tập trung vào những nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Luật, như: Hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; giám sát tối cao của Quốc hội; hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu; hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân; cơ chế phối hợp, điều hòa hoạt động giám sát. Đặc biệt, đối với dự thảo Luật lần này, các địa phương, đơn vị đã quan tâm sâu sắc vào các nội dung quy định về chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, việc ban hành nghị quyết về giám sát, các chế tài bảo đảm hiệu lực, hiệu quả kết luận giám sát...
Qua tổng hợp, một số vấn đề được các địa phương, đơn vị nêu ra cần quan tâm xem xét như:
Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần quy định một cách thống nhất, chặt chẽ hơn về hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; trong đó không chỉ xác định rõ thẩm quyền, phạm vi giám sát của từng chủ thể mà còn tăng cường sự phối hợp trong quá trình tiến hành hoạt động giám sát nhằm nâng cao hiệu quả giám sát và tránh chồng chéo, trùng lặp.
Các quy định của dự thảo Luật cần phải bao quát, cụ thể và rõ ràng hơn và phải đồng bộ với các Luật có liên quan đến hoạt động giám sát như: Luật Mặt trận Tổ quốc; dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về việc xem xét văn bản pháp luật của cơ quan Nhà nước ở trung ương có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (Điều 15, 26 và 42), nên chọn phương án 1 đó là quy định chung trình tự, thủ tục Quốc hội xem xét văn bản pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp với văn bản pháp luật có dấu hiệu trái luật, nghị quyết của Quốc hội theo hướng chỉ có 2 chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội xem xét là Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước, bởi vì quy định như vậy sẽ rõ ràng về chủ thể trình và cũng đảm bảo tính thống nhất trong quá trình xem xét và ra nghị quyết. Đồng thời bổ sung vào khoản 1, điều 26 của Dự thảo là “Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét văn bản pháp luật của Chủ tịch nước”.
Về giám sát chuyên đề của Quốc hội (Điều 17), nên giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện, vì đây là cơ quan thường trực của Quốc hội, hơn nữa giám sát chuyên đề thường được thực hiện đối với những vụ việc, vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, quyền lợi chính đáng của công dân như án oan, sử dụng ngân sách, đất đai... do vậy, nếu cả Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đều thực hiện giám sát sẽ dẫn đến giám sát trùng lặp.
Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 19, 20, 63 và 64), đa số các đại biểu đều nhất trí quy định đây là hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tuy nhiên dự thảo Luật nên quy định cụ thể thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm nhằm hạn chế việc ban hành nhiều văn bản pháp luật về vấn đề này.
Quy định rõ hơn về thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân (Điều 6); cần thống nhất thời gian thông báo trước về kế hoạch, nội dung giám sát hoặc nội dung được yêu cầu báo cáo, trả lời theo quy định của pháp luật (Điều 9) hoặc bỏ Khoản 3, Điều 9 (Từ chối trả lời, cung cấp thông tin không thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc những thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật) vì nếu quy định như thế sẽ dẫn đến trường hợp đối tượng chịu sự giám sát lạm dụng, gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, hạn chế quyền của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử. Ngoài 4 hoạt động giám sát được quy định tại điều 57 trong dự thảo Luật, cần bổ sung thêm một hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân là “Giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân”.
Đối với giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân (mục 2 Chương III), nếu quy định Thường trực Hội đồng nhân dân là chủ thể giám sát độc lập thì bên cạnh khó khăn do cơ cấu của Thường trực chỉ có 03 thành viên (ở cấp xã chỉ có 2 thành viên) thì thực tế cho thấy trình độ, chuyên môn về pháp lý cũng là hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng giám sát của chủ thể này. Vì vậy cần đổi mới về cơ cấu Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp. Về giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 86), không quy định Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân là chủ thể giám sát, bởi vì Tổ đại biểu chỉ là đơn vị cơ sở của Hội đồng nhân dân, hoạt động, cơ cấu, tổ chức của Tổ ở nhiều địa phương cũng khác nhau, do vậy không nên thực hiện quyền giám sát.
Dự thảo luật nên tách Chương 4 thành 2 chương: “Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và bảo đảm hoạt động giám sát” và chương “Điều khoản thi hành” để hợp lý hơn về nội dung và bố cục.
Về các phương án lựa chọn trong các điều của Dự thảo Luật, đa số ý kiến đóng góp nhất trí với phương án mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý và nhấn mạnh; tuy nhiên cần nghiên cứu để bổ sung một số nội dung của phương án còn lại mà phương án lựa chọn chưa đề cập để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ hơn.
Ngoài các vấn đề nêu trên, dự thảo Luật cần bổ sung việc quy trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu sự giám sát không thực hiện nghiêm các kết luận và kiến nghị giám sát; Dự thảo Luật chưa đề cập đến quy định Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về vấn đề được giám sát do các ban của Hội đồng nhân dân thực hiện, do vậy cần nghiên cứu xem xét bổ sung quy định Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về vấn đề được giám sát, như quy định đối với giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tại Điểm d, Khoản 5, Điều 62 (Phương án 2). Bổ sung quy định trách nhiệm cơ quan thực hiện kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện văn bản pháp luật trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội...
Chức năng giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân có một vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của cơ quan dân cử nói riêng và hoạt động của Nhà nước ta nói chung. Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là một yêu cầu cấp thiết. Với chủ trương phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan dân cử thì việc tổ chức thực hiện tốt chức năng giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, mà trước hết là xây dựng Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm tạo hành lang pháp lý để thực hiện hoạt động này sẽ làm cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò và chức năng của mình mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định.
Tin mới cập nhật
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chung vui ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn An Phúc Lộc, Xuân Liên, Nghi Xuân ( 09/11)
- Can Lộc cần phối hợp với các đơn vị mỏ đôn đốc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản ( 08/11)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Kỳ Anh ( 01/11)
- Thạch Hà : Phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản ( 31/10)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Hương Sơn ( 25/10)
- Huyện Nghi Xuân chủ động đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ sau khi khai thác khoáng sản ( 24/10)