Hà Tĩnh: Tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân
EmailPrintAa
07:49 09/09/2023

Chiều ngày 08/9/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội & Hội đồng nhân dân và giao ban với Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố, thị xã. Đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng , Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì hội nghị

Cùng dự có Chủ tịch UNDND tỉnh Võ Trọng Hải, Bí thư Thành ủy thành phố Dương Tất Thắng và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, các Ban HĐND, đại biểu Quốc hội khoá XV Đoàn Hà Tĩnh và đại diện Lãnh đạo: Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đảng ủy Khối các CQ và DN tỉnh, Sở Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước tỉn, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Phạm Xuân Phú thông qua chương trình Hội nghị

Báo cáo tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia cho biết: Qua 7 năm thực hiện Luật, hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát ngày càng được nâng cao.…, góp phần tích cực trong việc giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý nhà nước, từ đó thực hiện tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia báo cáo tại hội nghị

Các ĐBQH trong Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã đóng góp nhiều ý kiến về dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước… Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng, vấn đề được cử tri và dư luận quan tâm, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, lựa chọn chất vấn “đúng” và “trúng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và các đại biểu dự hội nghị

Từ năm 2016 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức giám sát 13 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn; tổ chức giám sát, khảo sát 6 chuyên đề… Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; công tác lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch.

Nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua 8 nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND tỉnh, 104 nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND cấp huyện và hơn 1.700 nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND cấp xã… Đồng thời, Thường trực, các Ban HĐND đã tổ chức các hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề và thường xuyên về việc thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Thường trực HĐND các cấp đã thường xuyên tổ chức giám sát chuyên đề về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và báo cáo HĐND cùng cấp.

Đại biểu tham dự hội nghị

Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Việc lựa chọn một số nội dung giám sát chưa trọng tâm trọng điểm; tổ chức giám sát vẫn còn chồng chéo; quyết định thành lập đoàn, thành phần đoàn giám sát, tổ giúp việc vẫn chưa phù hợp; trình tự, phương thức, đối tượng, phạm vị tiến hành giám sát vẫn chưa toàn diện; chưa có sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong thực hiện chức năng giám sát của hệ thống cơ quan dân cử; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc, có nội dung chưa thực sự quyết liệt nên còn có những nội dung chậm được giải quyết,…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh phát biểu đề dẫn tại hội nghị.

Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh khẳng định: Hoạt động giám sát đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; được đông đảo cử tri và Nhân dân đánh giá cao; tuy vậy, vẫn còn hạn chế, bất cập… Do đó, đề nghị các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, tập trung đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Đức Thọ Nguyễn Tiến Thắng cho rằng cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, thanh tra từ tỉnh xuống cơ sở

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra các kinh nghiệm, giải pháp như: Cần xác định và lựa chọn nội dung giám sát; lựa chọn cơ quan, đơn vị giám sát phải mang tính đại diện, bao quát đối với vấn đề cần giám sát; xây dựng đề cương giám sát; báo cáo kết quả giám sát phải lấy được ý kiến đóng góp của đối tượng được giám sát và thành viên Đoàn giám sát; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị của Thường trực, các Ban HĐND phải được quan tâm và tiến hành thường xuyên...

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần phát biểu

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất nên có quy định cụ thể và có chế tài phù hợp đối với đại biểu HĐND không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ các hoạt động của đại biểu; sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND theo hướng tăng thẩm quyền của Đoàn giám sát; Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị học tập, chia sẻ kinh nghiệm cho HĐND cấp huyện...

Tại Hội nghị một số đại biểu cũng cho rằng: Các Ban của HĐND cần phát huy vai trò tham mưu để tổ chức tốt các kỳ họp của HĐND; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm tạo sự lan toả, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân; nâng cao chất lượng sự tham gia của đại biểu khi là thành viên của đoàn giám sát chuyên đề; cần có hướng dẫn cụ thể hơn về hoạt động giám sát của tổ đại biểu và cá nhân đại biểu HĐND...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng phát biểu

Kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng khẳng định: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã và đang phát huy hiệu quả một cách tích cực, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng đề nghị hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phải thể hiện rõ chính kiến, thể hiện vai trò của cơ quan dân cử. Đây cũng là hoạt động mang tính độc lập, vì vậy, khi phát sinh nội dung mới cần xem xét thấu đáo bản chất để tìm hướng xử lý. Phát huy vai trò tham mưu của các ban HĐND trong hoạt động giám sát… Đồng thời, cần tăng cường họp chuyên đề để xử lý các việc nóng, việc mới phát sinh; cần có sự linh động trong công tác kiểm tra, giám sát

Bên cạnh đó, Quốc hội và HĐND phải đồng hành với UBND để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đối với hoạt động TXCT, cần tăng cường đối thoại, tạo diễn đàn để cử tri được trình bày ý chí và nguyện vọng; tập trung xử lý các vấn đề nóng, các vấn đề có thể giải quyết ngay... Điều hành chất vấn tại các kỳ họp phải rõ vấn đề, rõ quan điểm các sự việc.

Xuân Hoa

    Ý kiến bạn đọc