HĐND phải quyết định cái gốc, cái căn bản trong phát triển KT - XH của địa phương
EmailPrintAa
11:56 25/02/2014

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 tiếp tục khẳng định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, HĐND còn có chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, trong đó có các vấn đề về phát triển KT - XH. Nhưng quyết những gì, quyết như thế nào, phân công trách nhiệm của HĐND và UBND ra sao… là việc cần bàn để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, UBND là cơ quan chấp hành của HĐND.

Đối với việc phát triển KT - XH của địa phương, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã quy định khá cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, của UBND trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện có hiệu quả Hiến pháp mới thì Luật Tổ chức HĐND, UBND và nhiều đạo luật khác tiếp tục phải sửa đổi, bổ sung theo hướng phải làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND, UBND và sự phân công trách nhiệm của hai cơ quan này đối với việc phát triển KT - XH của địa phương, nhất là ở cấp tỉnh. Các đạo luật, văn bản QPPL cần quy định rõ HĐND quyết định những vấn đề cốt lõi, căn bản ở các lĩnh vực. Xin dẫn chứng một số nội dung:

Chương II, Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành, phần quy định về nhiệm vụ quyền hạn của HĐND đã thể hiện được chức năng của HĐND là cơ quan quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, còn UBND là cơ quan tổ chức thực hiện. Nhưng còn nhiều vấn đề chưa rõ, có việc còn chồng chéo. Trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch theo quy định hiện hành, HĐND cấp tỉnh quyết định quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển KT - XH và các ngành của địa phương. Trên thực tế, nhiều địa phuơng thực hiện không thống nhất. Có tỉnh HĐND quyết định tất cả các loại quy hoạch, có tỉnh chỉ quyết định một số loại quy hoạch. Để điều hành phát triển KT - XH ở địa phương thì ngoài quy hoạch tổng thể, tất cả các phân ngành kinh tế - kỹ thuật đều phải xây dựng quy hoạch phát triển. Nếu HĐND cấp tỉnh quyết định tất cả các quy hoạch thì quá tải và không khả thi. Nên quy định HĐND cấp tỉnh quyết định các quy hoạch cơ bản nhất, như: quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành kinh tế trụ cột như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển đô thị; quy hoạch phát triển các sự nghiệp giao thông - vận tải, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp y tế, sự nghiệp văn hóa… Còn các quy hoạch chi tiết khác nên để UBND tỉnh tổ chức lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch. Như vậy cũng không làm giảm vai trò của HĐND tỉnh, vì mọi quy hoạch đều phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành KT - XH trụ cột. Quy định trong Luật Tổ chức HĐND, UBND hiện hành giao HĐND quyết định quy hoạch phát triển mạng lưới khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư… Đây là những quy hoạch chi tiết, là biện pháp thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Nếu HĐND quyết định những quy hoạch này là can thiệp quá sâu vào nhiệm vụ tổ chức thực hiện của UBND. Nói tóm lại, HĐND cần nắm và quyết định cái “gốc”, cái căn bản nhất.

Cũng trong Chương II của Luật hiện hành, phần nói về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp phần lớn đều ghi là HĐND quyết định các biện pháp… Như vậy có vẻ không ổn. HĐND với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nên chỉ quyết định các chính sách, các chủ trương lớn để phát triển các lĩnh vực ở địa phương theo phân cấp, chứ không nên và không đủ điều kiện để quyết định các biện pháp. Biện pháp thực hiện chính sách, chủ trương phát triển KT - XH thường xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, nó linh hoạt và thường rất “động”. Thẩm quyền này thuộc về UBND, về cơ quan điều hành. Là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp, UBND các cấp phải là cơ quan đề ra các biện pháp, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm thực hiện được các chính sách, chủ trương HĐND đã quyết định. Phân công như vậy sẽ đúng vai hơn.

Riêng trong lĩnh vực tài chính ngân sách. Vì ngân sách nhà nước dù được hình thành từ nguồn nào chăng nữa suy cho cùng đều là tiền của dân đóng góp nên HĐND với tư cách là cơ quan đại diện phải là cơ quan quyết định và phải quyết định một cách chi tiết, cụ thể. Quyết định dự toán thu ngân sách là sự huy động nguồn lực của xã hội cho quỹ tài chính tập trung của địa phương. Quyết định dự toán chi và phân bổ chi ngân sách chính là quyết định việc phân bổ nguồn lực xã hội cho các mục tiêu phát triển KT - XH, bảo đảm an QP - AN ở địa phương. Cái “ gốc”, cái cơ bản trong hình thành, quản lý, phân phối sử dụng ngân sách nhà nước chính là các mức thu, chế độ thu, định mức chi, chế độ chi cho từng đối tượng sử dụng ngân sách. Nhiệm vụ này phải là của HĐND cấp tỉnh hoặc cơ quan nhà nước cấp trên, còn việc tổ chức thực hiện dự toán ngân sách thuộc về UBND.

Nói như vậy không phải HĐND không có trách nhiệm đối với việc thực hiện dự toán ngân sách của địa phương. Ví dụ, nếu thu ngân sách không đạt dự toán, hoạt động đầu tư XDCB ở địa phương bị nợ đọng, dàn trải, chi thường xuyên cho cơ quan, lĩnh vực nào đó không đủ để thực hiện nhiệm vụ, hoặc dư thừa phải chuyển nguồn cao… thì HĐND cũng phải có trách nhiệm, phải xem xét lại chính các quyết định của mình, phối hợp chặt chẽ với UBND trong việc giám sát, kiểm tra và đôn đốc thực hiện chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho UBND và các cơ quan chuyên môn. Phân bổ chi ngân sách cho các cơ quan hành chính sự nghiệp ở tỉnh nếu định mức theo biên chế thì HĐND phải quyết định số lượng biên chế, đây chính là cái gốc để tính toán kinh phí. Nhưng phân bổ ngân sách cho cơ sở khám chữa bệnh, đang thực hiện theo định mức giường bệnh thì HĐND phải quyết định việc tăng, giảm số lượng giường bệnh của từng cơ sở y tế. Nhưng có địa phương, UBND tỉnh lại quyết định số lượng giường bệnh, HĐND căn cứ vào số lượng giường bệnh và định mức chi để phân bổ kinh phí. Một số lĩnh vực khác cũng có tình trạng tương tự, như: chi nhiệm vụ KHCN, chi đào tạo, dạy nghề… UBND quyết định kế hoạch KHCN, quyết định kế hoạch đào tạo dạy nghề… HĐND căn cứ vào kế hoạch đó và định mức chi ngân sách để quyết định kinh phí. Như vậy là làm ngược, vô hình chung biến HĐND thành “cơ quan chấp hành” của UBND.

Từ một vài dẫn chứng trên có thể thấy thực tiễn hoạt động của chính quyền địa phương hết sức phong phú, đa dạng. Những quy định cụ thể của luật pháp rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, nhưng luật pháp cũng không thể quy định chi tiết đến từng hoạt động của mỗi cơ quan. Ở đây rất cần đến sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với HĐND, UBND. Cấp ủy Đảng tôn trọng và lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc để lãnh đạo, chỉ đạo, phân công… chắc chắn HĐND, UBND sẽ càng thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình.

 


    Ý kiến bạn đọc