Hoàn thiện chế định tiếp dân để đại biểu làm tốt chức năng đại diện
EmailPrintAa
16:45 18/04/2012

Chế định về tiếp dân của đại biểu HĐND chỉ tiến hành khi Tổ đại biểu phân công, theo quy định tại Điều 5 Quy chế hoạt động của HĐND chưa sát với thực tế, còn chung chung dễ dẫn đến việc đại biểu HĐND e ngại hoặc né tránh việc tiếp dân

Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 không quy định đại biểu HĐND tiếp dân, chỉ ở Điều 5 Quy chế hoạt động của HĐND do UBTVQH ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2.4.2005 mới có chế định này. Cụ thể: “Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân họp ít nhất mỗi quý một lần để bàn kế hoạch công tác, phân công đại biểu tiếp dân...”. Khi triển khai thực hiện Quy chế, Thường trực HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2011 cũng như nhiệm kỳ hiện tại đều yêu cầu Tổ đại biểu và đại biểu phải tiếp dân theo quy định của UBTVQH, nhưng việc tiếp dân của đại biểu đã được thực hiện thế nào trong thực tế thì đến nay chưa có văn bản tổng kết đánh giá. Xin trao đổi một số thực tế để các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND đương nhiệm tham khảo; đồng thời kiến nghị UBTVQH sửa đổi, bổ sung để chế định trên được thực hiện tốt.

Là người được bầu và trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2004 - 2011, rồi được cử làm Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND, tôi rất quan tâm việc triển khai nhiệm vụ “phân công đại biểu tiếp dân” theo quy định tại Điều 5 Quy chế hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, phân công đại biểu tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp HĐND thì tổ đại biểu nào cũng làm được một cách dễ dàng do chế định tiếp xúc cử tri tương đối hoàn chỉnh về quy trình, cơ chế chính sách và được hướng dẫn cụ thể, còn việc phân công đại biểu tiếp dân thì quá khó. Nhiều tổ trưởng đại biểu và đại biểu HĐND suốt nhiệm kỳ không có lần nào phân công đại biểu tiếp công dân, và nhiều đại biểu cũng không một lần tiếp dân.

Về phân công đại biểu tiếp dân. Tại nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri các tổ đại biểu HĐND thường gặp phải tình huống đồng thời với số đông cử tri đến dự hội nghị để nghe đại biểu nói và nói cho đại biểu nghe, có một số cử tri đến dự với mục đích để trình bày và kiến nghị đại biểu bảo vệ quyền và lợi ích của gia đình hoặc cá nhân mình. Gặp trường hợp như thế, để tránh tình trạng lẫn lộn vừa hội nghị tiếp xúc cử tri vừa tiếp dân, tác dụng hiệu quả hạn chế, tôi đã đề nghị giải pháp sau: cử tri đến dự hội nghị thì tiếp tục ở lại hội trường, các công dân đến để gặp riêng đại biểu thì Tổ đại biểu sắp xếp phân công đại biểu tiếp tại một phòng làm việc khác. Tổ đã phân công một đại biểu làm nhiệm vụ tiếp dân với sự phối hợp của chính quyền và mặt trận cơ sở. Cách làm trên làm cho hội nghị tiếp xúc cử tri thuận lợi, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của một số cử tri muốn được trình bày và kiến nghị riêng với đại biểu.

Tại nơi làm việc, một số người dân gặp phải hoàn cảnh bức xúc, đã và đang khiếu nại về quyền lợi của bản thân bị xâm hại nhưng chưa được cấp thẩm quyền giải quyết dứt điểm, đến cơ quan đề nghị gặp đại biểu để tâm sự và kiến nghị giúp đỡ. Tôi đã nhận lời và tiến hành tiếp xúc với sự hỗ trợ của một chuyên viên văn phòng. Các cuộc tiếp dân này tuy không nhiều nhưng một số trường hợp đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Tại nhà ở, xin nêu một vài trường hợp cụ thể. Một lần vào buổi trưa sau khi làm việc về nhà, có hai cháu thiếu niên đến gặp nhờ giúp đỡ về việc được học lớp 10. Qua tìm hiểu, tôi thấy hai cháu là cặp song sinh của một gia đình ở nông thôn, đã học xong lớp 9 với kết quả học tập trên trung bình, đủ điều kiện để học tiếp lớp 10, nhưng năm học mới đã qua gần một tuần mà hai cháu không được đến lớp như các bạn khác. Lý do, bố phải đưa mẹ bị bệnh nặng đi điều trị ở một bệnh viện xa nhà, hai cháu chậm thực hiện các thủ tục nhập học, nên khi đến trường cấp 3 tiếp tục học thì bị nhà trường từ chối. Đầu buổi chiều, tôi trực tiếp đưa hai cháu đến Sở Giáo dục – Đào tạo để gặp và kiến nghị. Sau khi xem xét, thấy nguyện vọng thiết tha của hai cháu là chính đáng nên Giám đốc Sở Giáo dục –Đào tạo đã chỉ đạo nhà trường cho hai cháu được vào học lớp 10. Nay hai cháu đã là sinh viên năm thứ ba.

Một lần khác, có một phụ nữ mang một xách giấy tờ đến cổng nhà. Gặp chị, tôi biết gia đình chị H năm 1998 được chính quyền huyện quyết định giao một hécta đất hoang ven biển để cải tạo thành ao nuôi tôm với cam kết không được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Gia đình đã vay mượn để xây dựng hạ tầng ao nuôi và tiến hành sản xuất được 4 vụ. Nhưng qua 5 năm nhận đất thì chính quyền huyện quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất này để giao cho một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu làm kho. Việc thu hồi đất của chính quyền đã gây thiệt hại lớn cho gia đình, nhưng không giải quyết một khoản tiền đền bù nào. Thực tế, quyết định giao đất của huyện không ghi rõ thời hạn giao đất cụ thể, trong khi pháp luật về đất đai quy định giao đất để thực hiện sản xuất nông nghiệp có thời hạn tối thiểu 20 năm. Đây là lý do dẫn đến thiệt hại cho gia đình chị H. Sau gần một năm cùng với đại diện một số cơ quan liên quan làm việc và kiến nghị với các cơ quan chức năng, gia đình chị H đã nhận được một khoản tiền hỗ trợ nên đã giảm được một phần khó khăn.

Thực tế trên cho thấy người dân thật sự có nhu cầu được đại biểu tiếp để trình bày nguyện vọng được giúp đỡ khi quyền lợi chính đáng của họ bị ảnh hưởng, hoặc bị xâm hại từ tác động của hoạt động quản lý nhà nước. Ngoài tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, đại biểu HĐND cần quan tâm đến việc tiếp dân khi người dân tìm đến gặp ở cơ quan hoặc đến nhà riêng. Thực tế, chế định về tiếp dân của đại biểu HĐND chỉ tiến hành khi Tổ đại biểu phân công theo quy định tại Điều 5 Quy chế hoạt động của HĐND vừa chưa sát với thực tế, vừa chung chung dễ dẫn đến việc đại biểu HĐND e ngại hoặc né tránh việc tiếp dân. Mặt khác, nếu quá nhiệt tình tiếp dân, đại biểu sẽ gặp rất nhiều phiền phức.

Vì vậy, chế định tiếp dân cần được UBTVQH chỉ đạo tổng kết đánh giá qua thực tế triển khai từ năm 2005 đến nay để sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh hơn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho người dân phát huy quyền làm chủ của mình qua đại biểu; đồng thời đại biểu cũng có điều kiện thực hiện tốt hơn vai trò người đại diện cho dân


    Ý kiến bạn đọc