Mô hình nào cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND?
EmailPrintAa
14:11 05/08/2015

HĐND với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và Đoàn ĐBQH như một hình thức hoạt động của các ĐBQH được bầu ở đơn vị hành chính cấp tỉnh đã hình thành từ khá lâu. Nhưng các quy định pháp luật về mô hình tổ chức hoạt động cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc có nhiều thay đổi, chưa ổn định, nhất quán qua các thời kỳ. Tại Hội nghị tập huấn Một số vấn đề về cơ quan giúp việc của Đoàn ĐBQH và HĐND do Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử vừa tổ chức tại Đà Nẵng, mô hình Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND một lần nữa trở thành chủ đề thảo luận của chính “những người trong cuộc”.

“Người ai nấy tuyển, việc ai nấy làm”

Từ năm 2003 trở về trước, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có văn phòng giúp việc riêng. Công tác tham mưu, phục vụ cho Đoàn ĐBQH được giao cho Văn phòng UBND tỉnh hoặc Văn phòng HĐND và UBND. Đến giai đoạn 2003 - 2007, từ những quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật Tổ chức QH năm 2001, ngày 25.9.2003, UBTVQH Khóa XI đã ban hành Nghị quyết 416/2003/NQ-UBTVQH11 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 133/2004/NĐCP về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức, biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2007, chỉ có 44 địa phương thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND độc lập. Hiệu quả hoạt động của Văn phòng phục vụ HĐND và Đoàn ĐBQH chưa cao. Phần tham mưu cho hoạt động chuyên môn của Đoàn ĐBQH như hoạt động giám sát, thảo luận tham gia ý kiến đối với các dự án luật, giúp ĐBQH trong các hoạt động tại các kỳ họp QH... chưa rõ và chưa thật sự hiệu quả.

Ngày 11.12.2007, UBTVQH Khóa XII đã ban hành Nghị quyết 545/2007/NQ-UBTVQH12 về việc Thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND. Về cơ bản, nội dung Nghị quyết 545 của là sự kết hợp nội dung Nghị quyết 416 của UBTVQH và Nghị định 133 của Chính phủ, với 7 điều quy định về 6 nội dung chủ yếu, như: vị trí chức năng, tư cách pháp nhân của văn phòng, thẩm quyền thành lập văn phòng; các nhiệm vụ cụ thể của văn phòng trong phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH và trong phục vụ hoạt động của HĐND...

Các ĐBQH thảo luận tại tổ                                Ảnh: Khánh Duy

Theo nhiều đại biểu dự Hội nghị tập huấn thì Nghị quyết 545 đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND được thành lập và đi vào hoạt động thống nhất từ đó đến nay tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ghi nhận những kết quả trong công tác tham mưu, phục vụ của mô hình Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, song nhiều đại biểu cũng chỉ rõ, trên thực tế thực hiện mô hình này còn khá nhiều bất cập, có sự chồng lấn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, làm giảm hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Thực tế, một văn phòng nhưng có chức năng, nhiệm vụ phục vụ hai đối tượng khác nhau với hai chủ thể chỉ đạo khác nhau, hai cấp trên trực tiếp khác nhau là Đoàn ĐBQH và HĐND - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn nêu vấn đề. Mặt khác, tuy cùng là mô hình và đối tượng tham mưu, phục vụ là đại biểu dân cử, với một số chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau, nhưng các hoạt động hai cơ quan này lại không hoàn toàn trùng khớp về thời gian, không gian, nội dung. Chung một cơ quan, nhưng ở không ít địa phương, hai mảng QH và HĐND vẫn tách biệt, nếu không nói là độc lập. Thực tế này dẫn tới tình trạng khá phổ biến là: nhà ai nấy ở, tiền ai nấy tiêu, xe ai nấy dùng, người ai nấy tuyển và việc ai nấy làm..., thiếu hẳn sự phối hợp, liên kết của mô hình Văn phòng hợp nhất như đáng lẽ nó phải thế.

Một trong những mục tiêu hướng đến khi sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND là giảm biên chế. Song thực tế cho thấy, số biên chế của Văn phòng hiện đã tăng khá nhiều so với tổng biên chế của hai Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND trước khi sáp nhập. Theo báo cáo của 55 tỉnh, thành phố thì Văn phòng nhiều nhất là 52 người, ít nhất là 24 người. Như vậy, bình quân mỗi văn phòng có khoảng 32 người, vượt khá xa so với quy định. Theo nguyên Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Đình Huề, không chỉ tăng về biên chế cũng như số lượng hợp đồng lao động mà mô hình tổ chức các phòng của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cũng không thống nhất. Có địa phương bố trí Văn phòng có 3 phòng, nhưng có tỉnh có đến 7 - 8 phòng. Điều này dẫn đến chất lượng tham mưu, phục vụ không đồng đều, nơi rườm rà thì chồng chéo, kém hiệu quả; nơi gọn nhẹ lại thiếu người tham mưu, phục vụ. Đó là chưa kể việc cùng một văn phòng nhưng lại có hai nguồn kinh phí, với chế độ chi tiêu không hoàn toàn giống nhau. Có địa phương ủy quyền cho Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND làm chủ tài khoản, nhưng có tỉnh lại không... Do vậy, theo nhận định chung của đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND nhiều tỉnh, thành phố, nhìn chung, Văn phòng mới chỉ thống nhất về tên gọi.

Đã đến lúc... tách riêng

Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, QH vừa ban hành Luật Tổ chức QH (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có những quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH và HĐND. Về bộ máy giúp việc cho Đoàn ĐBQH tại địa phương, khoản 4, Điều 43 Luật Tổ chức QH (sửa đổi) quy định: Đoàn ĐBQH có trụ sở làm việc. Văn phòng Đoàn ĐBQH là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ cho hoạt động của các ĐBQH, Đoàn ĐBQH ở địa phương. Kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH do ngân sách nhà nước bảo đảm. Về bộ máy giúp việc của HĐND, tại khoản 1, Điều 127, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Văn phòng HĐND cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND và đại biểu HĐND. Tiếp đó, tại khoản 3, Điều 127 cũng quy định: Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND và UBND cấp huyện. Nhằm triển khai kịp thời các quy định về tổ chức bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH và HĐND trong hai đạo luật quan trọng này, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu tách riêng Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND hiện nay thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND. Việc tách riêng này sẽ đáp ứng được tốt hơn việc tham mưu, giúp việc, phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND của Văn phòng trong tình hình mới.

Từ góc độ hoạt động của HĐND, nguyên Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Đình Huề phân tích: với việc có Văn phòng HĐND riêng sẽ giúp công tác tham mưu trong xây dựng chương trình làm việc của Thường trực HĐND, các ban của HĐND cũng như giúp Thường trực HĐND điều hòa, phối hợp hoạt động với các ban của HĐND; giữ được mối liên hệ với Tổ đại biểu và đại biểu HĐND... được tốt hơn. Bởi hiện nay, chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của HĐND các cấp đã được sửa đổi, bổ sung và xác định rõ tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thông qua các quy định về tăng cường nhân lực cho Thường trực HĐND, bổ sung đại biểu HĐND. Do đó, với những quy định mới, tiến bộ và rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, điều kiện hoạt động của HĐND thì yêu cầu tham mưu, giúp việc, phục vụ đặt ra cho Văn phòng giúp việc rất lớn.

Văn phòng Đoàn ĐBQH sẽ về đâu?

Trong trường hợp nếu đề nghị tách Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND được chấp thuận, thì hai cơ quan này sẽ tổ chức và hoạt động ra sao? Có lẽ về mô hình Văn phòng HĐND đã khá rõ. Khoản 4, Điều 127 Luật Tổ chức chính quyền địa phương ghi: Chính phủ quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh, Văn phòng UBND cấp tỉnh, văn phòng HĐND và UBND cấp huyện và tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, UBND cấp xã.

Vậy còn Văn phòng Đoàn ĐBQH sẽ ở đâu trong hệ thống các cơ quan nhà nước tại địa phương? Địa vị pháp lý của Văn phòng Đoàn ĐBQH sẽ như thế nào và là cơ quan trực thuộc ai? Đây là những câu hỏi nhiều đại biểu nêu ra và trở thành một trong những chủ đề thảo luận tại Hội nghị tập huấn.

Đa số đại biểu nhất trí, trong điều kiện hiện nay, nếu thành lập riêng, Văn phòng Đoàn ĐBQH nên là cơ quan trực thuộc VPQH đóng tại địa phương do Chủ nhiệm VPQH thành lập trên cơ sở Nghị quyết của UBTVQH, và chịu trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng đoàn và Phó trưởng Đoàn ĐBQH. Về trụ sở làm việc, phương tiện và trang thiết bị của Văn phòng Đoàn ĐBQH nên giao cho VPQH quy định cụ thể và trang bị, cung cấp thống nhất theo nhóm địa phương có số lượng ĐBQH và đặc điểm giống nhau. Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh, quy định như vậy sẽ bảo đảm khắc phục được vướng mắc hiện nay, đó là việc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND do địa phương thành lập, quản lý nhưng lại do VPQH trả lương và cấp kinh phí hoạt động. Hơn nữa, xét về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, VPQH là cơ quan tham mưu giúp việc cho QH, Văn phòng Đoàn ĐBQH giúp việc cho Đoàn ĐBQH và ĐBQH, thì việc VPQH là cơ quan chuyên môn cấp trên của Văn phòng Đoàn ĐBQH các địa phương sẽ giúp việc thực hiện chức năng chuyên môn và quản lý thống nhất và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trước khi ban hành quy định về Văn phòng Đoàn ĐBQH, cần có sự bàn bạc thống nhất với Chính phủ, tránh tình trạng tạo những khác biệt quá lớn tại địa phương giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND.

Luật Tổ chức QH (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được đánh giá là có nhiều điểm mới, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn về tổ chức bộ máy, điều kiện hoạt động cho cơ quan dân cử ở Trung ương cũng như địa phương. Để những quy định này sớm đi vào cuộc sống, thì việc xem xét, triển khai sắp xếp và kiện toàn lại mô hình Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND theo hướng tách riêng thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND có thể là điều cần tính tới. Vì mục tiêu chung là đáp ứng yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử tại địa phương.

 
 

 


    Ý kiến bạn đọc