Nền tảng để HĐND thực hiện tốt chức năng quyết định và giám sát
EmailPrintAa
11:02 21/06/2013

TXCT theo chuyên đề là kênh thông tin quan trọng để đại biểu thu thập những thông tin thiết thực đối với hoạt động của cơ quan dân cử. Kết quả và kinh nghiệm tổ chức các cuộc TXCT theo chuyên đề của HĐND tỉnh Sơn La là nền tảng để cơ quan dân cử địa phương thực hiện tốt hơn chức năng quyết định và giám sát.

Để thu thập được nhiều đóng góp thiết thực từ phía cử tri đối với hoạt động của cơ quan dân cử, bên cạnh các cuộc TXCT theo luật định, Thường trực HĐND tỉnh Sơn La đã tích cực tổ chức cho đại biểu TXCT theo nhóm đối tượng và chuyên đề, như: TXCT tại các trường chuyên nghiệp để thu thập ý kiến về việc thực hiện chính sách trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực dạy và học. Tiếp xúc tại khối các doanh nghiệp, nhà máy ghi nhận ý kiến về việc triển khai thực hiện các biện pháp kiện toàn bộ máy tổ chức của các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sau khi thực hiện việc cổ phần hóa; tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. TXCT tại bệnh viện để nắm tình hình khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với các y, bác sỹ. TXCT tại các đơn vị lực lượng vũ trang để nắm tình hình xây dựng lực lượng của các cơ quan chủ lực...

Thực tế, các cuộc TXCT theo chuyên đề giúp đại biểu HĐND thu thập được nhiều thông tin, đóng góp thiết thực đối với việc thể chế hóa các cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời kiến nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng chiến lược phát triển KT – XH của địa phương. Để các cuộc TXCT theo chuyên đề mang lại hiệu quả thiết thực, trên cơ sở kế hoạch TXCT chung, Thường trực HĐND cần ban hành chương trình riêng về các cuộc TXCT theo chuyên đề, nêu rõ nội dung, mục đích, yêu cầu thời gian, địa điểm, trình tự, thành phần đại biểu tham gia và cử tri tham dự.

Việc chọn chủ đề để TXCT là vấn đề quan trọng hàng đầu. Những chủ đề Thường trực HĐND tỉnh Sơn La lựa chọn rất cụ thể, liên quan mật thiết đến đại bộ phận người dân và có tầm ảnh hưởng rộng trong xã hội. Ví dụ, TXCT chuyên đề về chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Kết quả thu thập được qua buổi tiếp xúc này cho thấy, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số đang học tại các trường đào tạo công lập đã được hưởng học bổng và trợ cấp xã hội từ ngân sách Trung ương, tuy nhiên mức hỗ trợ không còn phù hợp với tình hình giá cả thị trường thời điểm hiện tại. Vì vậy, Thường trực HĐND đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu trình HĐND ban hành chính sách hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho học sinh trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh (trường chuyên biệt), học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đang học tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của địa phương.

Việc lựa chọn thành phần đại biểu tham gia TXCT theo chuyên đề cũng được chú trọng. Khi xây dựng kế hoạch TXCT, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Văn phòng dự liệu trước những vấn đề cử tri sẽ phản ánh; những nội dung nổi cộm, liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan liên quan, từ đó xác định thành phần tham dự để bảo đảm thành công của buổi tiếp xúc. Do đó, ngoài đại biểu là Thường trực, lãnh đạo chuyên trách các ban HĐND, UBMTTQ tỉnh, Thường trực HĐND, UBMTTQ các huyện, thành phố nơi tổ chức hội nghị, HĐND còn mời đại diện UBND tỉnh, UBND cấp huyện, lãnh đạo các sở, ngành liên quan tới chuyên đề buổi tiếp xúc và đại diện các ngành dự liệu sẽ phát sinh những vấn đề bức xúc liên quan. Khi có đủ đại diện UBND các cấp và lãnh đạo ngành liên quan tham dự buổi tiếp xúc, hầu hết ý kiến, kiến nghị của cử tri được phúc đáp trực tiếp, kịp thời. Thực tế, có những kiến nghị không thể giải quyết ngay được do khó khăn về cơ chế, chính sách, nguồn vốn thực hiện, nguồn nhân lực... nhưng với việc tạo cơ hội cùng trao đổi và thảo luận đã giải tỏa được những khúc mắc, tạo được sự cảm thông của cử tri với cái khó chính quyền địa phương, tránh bức xúc thái quá và gây không khí căng thẳng tại hội nghị.

Về thành phần cử tri tham dự các buổi tiếp xúc, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị mời đầy đủ các thành phần trong đơn vị tham dự, gồm: Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban Chấp hành công đoàn, các phòng ban (tuỳ theo điều kiện hội trường mời từ 100 - 200 cử tri trở lên tham dự). Tiếp xúc tại các bệnh viện mời cả cử tri là bệnh nhân các khoa; tiếp xúc tại các nhà máy thì có cả thành phần là công nhân nhà máy; tại các trường chuyên nghiệp thì mời cả học sinh, sinh viên... Vì vậy, những ý kiến phản ánh, đóng góp không những đa dạng mà còn đi sâu vào chủ đề của hội nghị. Mặt khác, Chủ tọa nắm vững chủ đề, chủ động điều hành cuộc tiếp xúc theo những nội dung đã đề ra nên định hướng được cử tri phát biểu ý kiến trên tinh thần xây dựng. Thông qua các buổi TXCT, Thường trực và các ban HĐND tỉnh đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng, góp phần thiết thực vào việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH ở địa phương.

Kinh nghiệm cho thấy, để hoạt động TXCT, nhất là các cuộc tiếp xúc theo chuyên đề ngày càng thiết thực, hiệu quả, kế hoạch tiếp xúc phải được xây dựng sớm và khoa học, hợp lý: căn cứ vào nội dung từng kỳ họp để lựa chọn hình thức, địa điểm phù hợp. Mỗi năm, HĐND cần lựa chọn một số chuyên đề về những vấn đề đang bức xúc cần giải quyết; những chủ trương, chính sách đã được HĐND quyết nghị nhưng còn nhiều vướng mắc nên việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả, hay tham vấn ý kiến về các nội dung sẽ trình tại kỳ họp để nghe các cơ quan liên quan, người dân bàn, đối thoại trực tiếp.

Nội dung TXCT cần được chuẩn bị đầy đủ, dành nhiều thời gian cho việc trao đổi giữa đại biểu và cử tri. Mặt khác, tăng cường sử dụng các công cụ hỗ trợ cho việc thu thập thông tin của cử tri về chủ đề tiếp xúc như: bộ câu hỏi dành cho chủ tọa; phiếu câu hỏi điều tra hay tham vấn ý kiến lãnh đạo các cấp chính quyền, cơ quan liên quan, cán bộ, nhân dân về chủ đề tiếp xúc. Chủ tọa điều hành cần phối hợp nhịp nhàng “vừa vấn, vừa cung cấp thông tin” để tìm thông tin mới hơn, cụ thể, sát thực hơn. Được định hướng, cử tri sẽ mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình, nhất là đối với những vấn đề liên quan mật thiết đến cộng đồng và gia đình; đồng thời đề đạt nhiều giải pháp mang tính xây dựng để công tác điều hành, quản lý của các cấp chính quyền tốt hơn. Cũng cần từng bước mở rộng hình thức TXCT chuyên đề tới các tổ đại biểu và đại biểu. Cụ thể, sau khi lựa chọn được nội dung phù hợp, cần chỉ đạo Văn phòng xây dựng bộ câu hỏi của chủ tọa và phiếu tham vấn ý kiến cử tri gửi cho các Tổ đại biểu yêu cầu lấy ý kiến cử tri; hoặc đề nghị các Tổ đại biểu chủ động lựa chọn chủ đề khi thực hiện chương trình TXCT của tổ.

Trước khi tham dự các buổi TXCT, đại biểu cần dành thời gian nắm tình hình địa bàn, chuẩn bị kỹ nội dung và nên đến trước giờ quy định để có điều kiện gặp gỡ, thăm dò các vấn đề cử tri quan tâm; phát hiện vấn đề nóng có thể phát sinh để chuẩn bị phương án xử lý. Quá trình tiếp xúc, đại biểu cần tạo được không khí thân mật, gần gũi để khuyết khích cử tri phát biểu, đóng góp ý kiến, đồng thời phải ứng xử bình tĩnh, có chính kiến rõ ràng với những vấn đề cử tri đặt ra.

Việc lựa chọn địa bàn, đối tượng và thời điểm tiếp xúc phải phù hợp với nội dung cần lấy ý kiến. Có thể lựa chọn cách tiếp xúc với mọi thành phần hoặc chỉ tiếp xúc với những người trực tiếp công tác tại lĩnh vực, ngành nghề HĐND sẽ ban hành nghị quyết. Như, bàn về nội dung xóa đói, giảm nghèo thì TXCT ở những xã, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao; về công tác phòng, chống ma tuý thì tổ chức TXCT ở những địa bàn có nhiều tụ điểm diễn biến phức tạp về vấn đề này, tại các Trung tâm cai nghiện để tham vấn ý kiến các cán bộ, công nhân viên chức và những người đang cai nghiện... Những người được mời tham dự hội nghị tiếp xúc cần được biết về mục đích và những vấn đề sẽ thảo luận trước buổi tiếp xúc một số ngày để có thể bố trí thời gian và chuẩn bị ý kiến tham gia chất lượng hơn.

Một vấn đề cũng cần chú ý là lựa chọn, phân loại kiến nghị phù hợp. Cụ thể, đối với các kiến nghị không nằm trong phạm vi chủ đề xin ý kiến nên phân loại đưa vào báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để chất vấn hoặc báo cáo tại kỳ họp; đồng thời tích cực đôn đốc, giám sát việc giải quyết của ngành hữu quan.Những kiến nghị liên quan tới nội dung sẽ trình tại kỳ họp, nếu thấy phù hợp thì lựa chọn đưa vào báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh, làm cơ sở cho đại biểu HĐND thảo luận, quyết định chính xác tại kỳ họp.


    Ý kiến bạn đọc