Phải đôn đốc cho đến khi kết luận giám sát được thực hiện
EmailPrintAa
14:06 15/05/2012

Hiệu quả giám sát thể hiện qua các kiến nghị được cơ quan chức năng tiếp thu và thực hiện. Vì vậy, sau khi có kết luận giám sát, nếu việc tiếp thu, giải quyết chưa đạt yêu cầu, cần phải tiếp tục đôn đốc bằng nhiều biện pháp.

Nội dung giám sát là yếu tố quan trọng hàng đầu, phải đúng theo nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND tỉnh, hoặc giám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc được đại biểu HĐND phát hiện hoặc cử tri có ý kiến. Cũng có thể giám sát nhằm mục đích thu thập thông tin về những vấn đề HĐND chuẩn bị bàn thảo và quyết định… Xác định đúng trọng tâm sẽ giúp cho công tác giám sát chủ động và thu được kết quả. Trên cơ sở nội dung giám sát, cần xác định phạm vi và đối tượng, trình tự các bước tiến hành. Bước này để đoàn giám sát hình dung công việc cần làm, mục đích và kết quả cần đạt trong mỗi cuộc giám sát.

Sau khi xác định phạm vi và đối tượng giám sát, Thường trực hoặc ban HĐND xác định thời gian, mời thành phần tham gia, phương thức tiến hành giám sát… Tất cả đều được thể hiện trong kế hoạch ban hành kèm theo quyết định thành lập đoàn giám sát. Quyết định thành lập đoàn giám sát được ban hành sớm sẽ giúp các thành viên đoàn giám sát và đơn vị được giám sát chủ động bố trí công việc, tạo điều kiện cho đoàn giám sát hoàn thành nhiệm vụ.

Chuẩn bị xuống cơ sở, đoàn giám sát yêu cầu các cơ quan, đơn vị được giám sát gửi báo cáo, tài liệu liên quan để các thành viên nghiên cứu. Quy trình này được thực hiện nghiêm túc giúp cho đoàn giám sát nắm bắt thông tin và có thể đặt được nhiều câu hỏi cho đơn vị giám sát, từ đó phân tích những mặt tích cực, nguyên nhân hạn chế để đưa ra những giải pháp khắc phục.

Giám sát thực tế tại cơ sở là bước quan trọng. Thông tin báo cáo mới là tai nghe, còn mắt thấy là qua khâu này. Vì vậy, Đoàn giám sát xuống cơ sở để xem xét vấn đề thấu đáo, trao đổi, tọa đàm, có thể chất vấn đối với cơ quan chuyên môn về việc thực hiện chính sách mà đoàn phát hiện qua giám sát.

Họp đoàn và ra kết luận giám sát là khâu khép lại quy trình đợt giám sát, đòi hỏi có sự tư duy thống nhất của cả đoàn. Trên cương vị chuyên môn và vai trò của người đại biểu nhân dân, các thành viên đoàn giám sát đánh giá chung về đối tượng giám sát: ưu điểm, hạn chế và kiến nghị để khắc phục những hạn chế, khó khăn của đơn vị được giám sát.

Chất lượng giám sát được thể hiện qua các kiến nghị sau giám sát đã được cơ quan chức năng tiếp thu và thực hiện. Đơn cử một số cuộc giám sát điển hình các kiến nghị đã được thực hiện khá triệt để. Năm 2010, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thường trực HĐND đã mời đại diện Thanh tra tỉnh, Văn phòng tiếp công dân tỉnh phối hợp tham gia. Qua 6 buổi làm việc tại 2 huyện và 1 thành phố, Đoàn đã ra thông báo về kết quả giám sát và tháo gỡ khó khăn cho cơ sở giải quyết 3 vụ việc khiếu nại kéo dài liên quan đến nội dung đất đai và quản lý tài chính, chế độ hỗ trợ người nghèo... Đoàn giám sát đã chỉ rõ nhiệm vụ giải quyết của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị liên quan. Đến hết năm 2010, các công dân này không còn khiếu kiện, các kết luận, kiến nghị giám sát đã được thực hiện đầy đủ, tuân thủ quy định pháp luật. Năm 2011, Thường trực, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tại Sở Khoa học – Công nghệ và đi thực tế một số cơ sở ứng dụng KHCN vào sản xuất. Trước khó khăn về vốn KHCN do tỉnh phân bổ chưa đủ theo yêu cầu, Đoàn giám sát đã kiến nghị với UBND tỉnh, ngay sau đó UBND tỉnh đã phân bổ cho sự nghiệp KHCN số tiền 39 tỷ đồng…

Thực tế, hoạt động giám sát của HĐND có nhiều hình thức, phương pháp và cách làm. Song giám sát theo chuyên đề là một trong những hoạt động có hiệu quả và thiết thực nhất. Vì vấn đề được tập trung, có điều kiện đi sâu, xem xét kỹ sẽ tìm ra những giải pháp trúng và đúng, nêu ra những kiến nghị hợp lý, có khả năng thực hiện.

Chọn vấn đề hoặc chuyên đề để giám sát cần tập trung, không dàn trải. Muốn làm được điều này, ngoài bám sát chương trình giám sát đã được HĐND thông qua hàng năm cần phải tìm hiểu, nắm chắc tình hình địa phương, đơn vị hoặc nội dung cần giám sát; coi trọng ý kiến tham gia của các ban HĐND; hết sức lưu tâm các kiến nghị chính đáng của cử tri đã đề cập nhiều lần nhưng chưa được giải quyết và cả những vấn đề đã được chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND nhưng xét thấy chưa thỏa đáng cần được làm rõ.

Mỗi cuộc giám sát phải xây dựng kế hoạch cụ thể, khoa học và thông báo tới các cơ quan đơn vị, địa phương chịu sự giám sát kịp thời, tránh chồng chéo gây khó khăn cho cơ sở. Đồng thời, cũng phải yêu cầu cơ sở xác định trách nhiệm, tạo điều kiện để đoàn giám sát thực hiện tốt kế hoạch đề ra.

Giám sát là công việc khó và phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải nắm vững pháp luật, tình hình cụ thể của địa phương, vừa phải có khả năng tổng hợp, phân tích vấn đề, vừa phải am hiểu về lĩnh vực giám sát. Do vậy, phải có biện pháp hoặc cách làm phù hợp để huy động được lực lượng chuyên môn, chuyên sâu; khi cần thiết mời những cá nhân có năng lực, am hiểu thực tế, các chuyên gia tham gia.

Các kết luận giám sát phải khách quan, kịp thời; kiến nghị qua giám sát phải rõ ràng chính xác, đúng pháp luật, đúng với thực tế, bảo đảm cho tổ chức và cá nhân thực hiện, khắc phục thiếu sót và tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; thúc đẩy địa phương, đơn vị được giám sát hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sau khi có kết luận sau giám sát, nếu việc tiếp thu, giải quyết kém hiệu quả phải tiếp tục có ý kiến kết hậu giám sát. Khi được cấp, ngành khắc phục hoặc trả lời thỏa đáng mới có thể tạm dừng. Mặt khác, cần duy trì tốt chế độ giao ban hàng tháng giữa Thường trực HĐND – UBND – ủy ban MTTQ và Đoàn ĐBQH tỉnh để các ý kiến, kiến nghị của đoàn giám sát được phản ánh trực tiếp và cùng bàn bạc, thống nhất giải pháp khắc phục.


    Ý kiến bạn đọc