Phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao trên lĩnh vực kinh tế ngân sách
EmailPrintAa
16:07 27/06/2016

(Trích báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 1 khóa XVII)

Thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định và phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách đã thẩm tra các tờ trình, báo cáo, Dự thảo Nghị quyết về Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016 và các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về lĩnh vực kinh tế và ngân sách trình kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII. Ban Kinh tế và Ngân sách báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thẩm tra như sau:


Đồng chí Trần Viết Hậu, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh khóa XVII trình bày báo cáo thẩm tra trên lĩnh vực kinh tế ngân sách

 

I. Về Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm

Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất cao với Báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh; đồng thời bổ sung và nhấn mạnh một số nội dung như sau:

1. Về kết quả đã đạt được

Trong 6 tháng đầu năm 2016, lĩnh vực nông nghiệp có bước phát triển toàn diện cả về trồng trọt và chăn nuôi; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp. Tích cực giải quyết hậu quả của sự cố môi trường biển để ổn định sản xuất và đời sống nhân dân. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

2. Về tồn tại, hạn chế

Ngoài những nội dung tồn tại, hạn chế và nguyên nhân theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban KTNS cho rằng cần làm rõ và nhấn mạnh thêm một số nội dung cụ thể như sau:

(1). Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, hóa chất nuôi trồng thủy sản, các chất kính thích tăng trưởng, tăng trọng, chất bảo quản, chế biến thực phẩm...còn nhiều hạn chế nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục; ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn theo nghị quyết của HĐND tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật của máy cơ giới, cơ chế quản lý sử dụng và tổ chức hoạt động; quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn và lúng túng.

(2). Về lĩnh vực công nghiệp, thương mại: Công nghiệp phụ trợ, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển; thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế; Hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn khó khăn, thị trường chưa bền vững.

(3). Về thực hiện dự toán thu ngân sách: Thu ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm đạt thấp so tiến độ dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, thu nội địa dự kiến đạt 2.600 tỷ đồng, bằng 35% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

(4). Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn 6 tháng đầu năm 2016 nhìn chung còn thấp; nhất là nguồn vốn phân bổ từ ngân sách Trung ương, vốn Chương trình mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ. Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án chậm, thủ tục hành chính còn ách tắc dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; số dư tạm ứng từ năm 2014 về trước còn cao (gần 970 tỷ đồng), trong đó một số dự án có số dư lớn, kéo dài nhiều năm và đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tạm ứng.

(5). Về quản lý tài nguyên-môi trường: Công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện chưa triển khai theo đúng quy định; Tiến độ cấp, đổi giấy CNQSD đất gắn với đo đạc bản đồ địa chính kết quả chưa cao; Công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới nông lâm trường và cấp GCNQSD đất tiến độ thực hiện chậm. Một số nhà máy xử lý chất thải rắn chậm được đầu tư, nhất là các nhà máy xử lý rác thải quy mô nhỏ tại các xã để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Việc quản lý môi trường ở các dự án đầu tư, quản lý chất thải nguy hại còn buông lỏng gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ chế quản lý và nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn nhiều bất cập. Chưa thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị sau giám sát, thanh tra kiểm tra về quản lý khai thác khoáng sản.

 (6). Cải cách hành chính, nhất là thời gian thực hiện các thủ tục còn chậm, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bị xuống hạng so với các năm trước.

3. Về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sáu tháng cuối năm 2016

Ban KTNS HĐND tỉnh đồng tình với mục tiêu, chỉ tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như Báo cáo của UBND tỉnh, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

(1). Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực, hệ thống cơ chế chính sách về phát triển kinh tế xã hội, điều hành thu chi ngân sách giai đoạn 2017-2020 theo quy định hướng dẫn của bộ, ngành trung ương và thực tiễn của địa phương.

Tập trung công tác phục hồi, giảm thiểu tác hại của sự cố môi trường biển; Có chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống trước mắt và lâu dài cho người dân bị ảnh hưởng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ khởi công, đóng mới các tàu vỏ thép xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

 (2). Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Thu hút đầu tư xã hội hóa để phát triển các đô thị theo định hướng, trước mắt tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng thương mại, tài chính ngân hàng, giao thông đô thị.

(3). Tiếp tục khai thác có hiệu quả các nguồn thu thuế, phí (thuế xây dựng nhà ở tư nhân, phí bảo vệ môi trường...); phân tích, đánh giá sâu nguyên nhân  giảm thu ngân sách và có giải pháp cụ thể, đồng bộ để hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2016. Rà soát, đánh giá dự báo khả năng thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước mức độ đáp ứng cân đối trong điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2016 Báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Chỉ đạo các cấp, ngành, chủ đầu tư và Hội đồng bồi thường GPMB các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, rà soát số vốn đã tạm ứng cho các dự án từ 2014 trở về trước để thực hiện hoàn ứng theo đúng quy định. Rà soát, cân đối, ưu tiên nguồn lực để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, thảo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư xây dựng.

 (4). Tăng cường quản lý đối với công nghiệp khai thác, chế biến tiêu thụ khoáng sản, nhất là khoáng sản có giá trị kinh tế cao, đòi hỏi phải chế biến sâu như quặng secricit; quan tâm công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kiểm tra, rà soát và có giải pháp xử lý, thu hồi số mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản nhiều năm không hoạt động hoặc đã ngừng hoạt động, có số nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền thuê đất, nợ các loại thuế khác lớn nhưng không có khả năng thu. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, xử lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để các đơn vị sớm hoàn thành thủ tục thuê đất phục vụ khai thác mỏ. Xem xét, sớm ban hành Thông báo kết luận về kết quả kiểm tra, rà soát các mỏ đá dọc theo Quốc lộ 1A để các đơn vị hoạt động khoáng sản có cơ sở triển khai thực hiện.

(5). Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường rà soát, đầu tư xây dựng, sữa chữa các hồ chứa nước ngọt, nhà máy nước phục vụ dân sinh trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống hạn mặn. Làm rõ cơ chế quản lý và bố trí kinh phí hỗ trợ trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là kinh phí cho vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; kinh phí lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học Hà Tĩnh giai đoạn 2016 – 2020; kinh phí quy hoạch sử dụng đất. Có phương án giải quyết dứt điểm các tồn tại trong xử lý sai phạm về đất đai trên địa bàn tỉnh; phê duyệt đề án sắp xếp đổi mới nông lâm trường làm căn cứ để phê duyệt phương án sử dụng đất các công ty nông lâm nghiệp, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đo vẽ cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ thuê đất cấp GCNQSDĐ các công ty nông lâm nghiệp. Chỉ đạo các huyện xử lý dứt điểm chồng đè giữa các loại đất, tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bản đồ sau cấp giấy, cắm mốc các tổ chức sử dụng đất lâm nghiệp.

(6). Quan tâm giải quyết một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết của tỉnh thực hiện chưa hiệu quả, như: bảo quản chế biến các sản phẩm, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ. Triển khai có hiệu quả các đề án khoa học công nghệ đã được phê duyệt.

(7). Tiếp tục rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2016 để có các biện pháp chỉ đạo thực hiện trong những tháng còn lại, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao; Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Đề án, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành; Hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2017 để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

II. Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về lĩnh vực kinh tế và ngân sách

Nhìn chung các tờ trình, đề án và dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình kỳ họp lần này đã có đầy đủ hồ sơ, thủ tục, các căn cứ pháp lý liên quan, có tính cấp bách cần thiết, có ý nghĩa quan trọng tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quản lý điều hành ngân sách nhà nước và thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh. Nội dung các Tờ trình, Đề án và dự thảo Nghị quyết kèm theo đã được cơ quan soạn thảo xây dựng công phu, tổ chức nhiêu cuộc họp lấy ý kiến đóng góp nhiều lần của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ sở, các tổ chức kinh tế - xã hội liên quan và đã được cơ quan tư pháp thẩm định theo đúng trình tự, quy phạm pháp luật. Kết quả thẩm tra các nội dung cụ thể:

1. Về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết thông qua Danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (bổ sung) 6 tháng cuối năm 2016.

- Thực hiện Luật đất đai năm 2013, đến nay Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua danh mục 2.461 công trình dự án cần thu hồi đất với diện tích 6.393,68 ha và danh mục 434 công trình dự án chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 713,15 ha (chưa kể danh mục trình lần này). Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, kết quả thực hiện đạt thấp.

- Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết:

+ Trong Danh mục 134 công trình, dự án cần thu hồi đất trình lần này có 60 công trình, dự án chưa có quy hoạch, kế hoạch, chủ trương, quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền hoặc được ghi kế hoạch vốn thực hiện trong năm (theo Điểm b, Khoản 6, Điều 56, Thông tư 29/2014/TT-BTNMT ngày 02 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định chi tiết việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất).

+ Trong Danh mục 76 công trình, dự án xin chuyển mục đích sử dụng đất, có Dự án Hạ tầng khu dân cư Miệu Nấp (thành phố Hà Tĩnh) chuyển đổi đất trồng lúa với diện tích 20,6 ha vượt quá thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh (theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật đất đai năm 2013).

- Theo dự thảo Nghị quyết, tổng dự toán nguồn kinh phí bồi thường GPMB khi thu hồi đất là 307,27 tỷ đồng (Trong đó ngân sách trung ương 4,71 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 88,3 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 46,73 tỷ đồng, ngân sách xã 35,62 tỷ đồng, doanh nghiệp 131,9 tỷ đồng) không gắn với việc ghi kế hoạch vốn thực hiện trong năm. Vì vậy, sẽ rất khó khả thi trong triển khai thực hiện.

Căn cứ các nội dung kết quả thẩm tra nói trên, Ban Kinh tế ngân sách đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh:

(1). Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo danh mục đã thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2014 đến nay, phần chưa thực hiện đưa ra khỏi danh mục cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất hoặc đưa vào kế hoạch thực hiện trong năm 2017. Xây dựng Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

(2). Thông qua Danh mục:

- 130 công trình, dự án cần thu hồi đất sau khi đã bổ sung đầy đủ căn cứ pháp lý cho 60 công trình dự án còn thiếu theo đúng quy định.

- 68 công trình, dự án xin chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (Trừ Dự án Hạ tầng khu dân cư Miệu Nấp, thành phố Hà Tĩnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ).

- 04 công trình, dự án cần thu hồi đất với tổng diện tích 9,20 ha và 07 công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 88,83 ha (đã được Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận tại Văn bản số 84/HĐND ngày 17/3/2016 và Văn bản số 141/HĐND ngày 22/4/2016).

(3). Đối với 01 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất vượt thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh nêu trên, đề nghị UBND tỉnh lập hồ sơ thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật đất đai năm 2013.

2. Về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc ban hành một số cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2018

Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết đã có sự thống nhất, đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương. Các cơ chế, chính sách như dự thảo là phù hợp, góp phần tạo nguồn lực để thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2018.

Tuy vậy, tại Mục 6.1, Khoản 6, Điều 1 Dự thảo Nghị quyết quy định: “Nguồn thu ngân sách hình thành từ các cơ chế, chính sách đặc thù này (bao gồm: thu hỗ trợ, tăng thu, thu tiền sử dụng đất, nguồn huy động đóng góp của nhân dân, nguồn vay ngân sách các cấp) được nộp vào ngân sách nhà nước điều tiết cho các cấp ngân sách theo quy định hiện hành của nhà nước” là chưa rõ;  vì vậy đề nghị điều chỉnh lại như sau:  “Nguồn vốn hình thành từ các cơ chế, chính sách đặc thù này (bao gồm: thu hỗ trợ, tăng thu, thu tiền sử dụng đất, nguồn huy động đóng góp của nhân dân, nguồn vay ngân sách các cấp) là nguồn thu ngân sách nhà nước được điều tiết theo tỷ lệ (%) cho các cấp ngân sách quy định tại Nghị quyết này gồm:

- Đối với tiền sử dụng đất ở các khu vực phải đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, đất các khu tái định cư, áp dụng tỷ lệ điều tiết được qui định tại tiết a, b Khoản 5.1.1 (điều chỉnh khoản 1,2 Mục IX “Tiền sử dụng đất” Nghị quyết số 136/2010NQ-HĐND ngày 24/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV)  Kho bạc Nhà nước thực hiện việc điều tiết theo qui định;

- Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất khi giao đất cho các nhà đầu tư xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố; tiền đất phát sinh từ các dự án do Trung tâm phát triển quỹ đất làm Chủ đầu tư trên địa bàn thành phố; số vượt thu tiền sử dụng đất phần ngân sách tỉnh được hưởng (Ngoài Quỹ phát triển đất của tỉnh) ở các khu vực phải đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, đất các khu tái định cư (Tại Điểm 5.1.1 Khoản này); tiền sử dụng đất phần ngân sách tỉnh được hưởng đối với các lô đất bố trí tái định cư tại Quỹ đất tạo ra từ nguồn vốn vay Bộ Tài chính khi thực hiện chỉnh trang các nút giao thông trên địa bàn được qui định tại các Khoản 5.1.2, 5.1.3, 5.1.4, 5.1.5 là các khoản thu ngân sách tỉnh, sau khi trừ chi phí đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm chuyển giao cho các cấp ngân sách theo qui định.

- Đề nghị điều chỉnh Mục 5.3 Khoản 5 Điều 1 dự thảo Nghị quyết: “Đồng ý chủ trương cho UBND thành phố Hà Tĩnh lập báo cáo đề xuất đầu tư đối với các dự án được đầu tư theo hình thức PPP như sau: Các công trình giao thông quan trọng của Thành phố: (1) Đầu tư xây dựng đường Lê Ninh kéo dài kết hợp tuyến mương T4; (2) đường Xuân Diệu kéo dài (từ đường vành đai khu đô thị Bắc đến đường Ngô Quyền); (3) Đường bao phía Bắc (khu đô thị Bắc)-từ Quốc lộ IA đến đường Nguyễn Công Trứ; (4) Đường Xô viết Nghệ Tĩnh kéo dài phía Tây (đoạn từ đường Trần Phú đến đường Hàm Nghi)- giai đoạn 1; (5) Đường giao thông phía Tây trường THCS Lê Văn Thiêm; (6) Đường nối từ đường Vũ Quang đến đường Hàm Nghi (phía Tây kênh N1-9); và thực hiện dự án Nhà ở xã hội trên địa bàn (trước mắt thực hiện tại khối phố Hòa Linh, phường Thạch Linh)”.


    Ý kiến bạn đọc