Phối hợp giữa các ban HĐND trong công tác thẩm tra
EmailPrintAa
09:06 27/02/2012

Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với nhau thì báo cáo thẩm tra của các ban HĐND sẽ thiếu sự thống nhất, thậm chí còn mâu thuẫn ở một số nội dung làm cho đại biểu HĐND khó biểu quyết theo hướng nào. HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã khắc phục bất cập trên bằng việc thực hiện nghiêm quy trình thẩm tra theo quy định và có sự phối hợp khá tốt giữa các ban HĐND.

Trong thẩm tra dự thảo nghị quyết và các báo cáo, đề án trình HĐND

Chuẩn bị cho mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh phân công các ban thẩm tra báo cáo chung và Dự thảo Nghị quyết về tình hình KT-XH, bảo đảm AN-QP do UBND tỉnh trình. Trong đó Ban Kinh tế-Ngân sách thẩm tra phần kinh tế ngân sách, Ban Văn hóa-Xã hội thẩm tra phần văn hóa xã hội, Ban Pháp chế thẩm tra phần nội chính, quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với nhau thì báo cáo thẩm tra của các ban HĐND sẽ thiếu sự thống nhất, thậm chí còn mâu thuẫn ở một số nội dung làm cho đại biểu HĐND khó biểu quyết theo hướng nào.

Thời gian qua, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã khắc phục những bất cập trên bằng việc thực hiện nghiêm quy trình thẩm tra theo quy định và có sự phối hợp khá tốt giữa các ban HĐND. Đó là: Thường trực HĐND tỉnh phân công đúng thẩm quyền và lĩnh vực chuyên môn, nhiệm vụ của ban HĐND theo quy định, mỗi một đề án hay báo cáo của UBND và các ngành trong đó có thể chứa đựng nhiều nội dung thuộc lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, để thẩm tra một báo cáo, đề án thường là các ban phối hợp với nhau. Ví dụ, thẩm tra báo cáo chung của UBND tỉnh thì cả 3 ban đều thẩm tra, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng ban để thẩm tra trên từng lĩnh vực. Thẩm tra Đề án về Quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản giao Ban Pháp chế chủ trì phối hợp với Ban KT-NS; thẩm tra Đề án về Tổng biên chế hay Biên chế sự nghiệp GD-ĐT: Ban Pháp chế chủ trì phối hợp với Ban VH-XH; thẩm tra về lĩnh vực tài chính ngân sách và công tác đầu tư XDCB: Ban KT-NS chủ trì phối hợp với các ban HĐND khác thực hiện; thẩm tra Đề án về Bổ sung, điều chỉnh viện phí, học phí, Ban KT-NS chủ trì phối hợp với Ban VH-XH thực hiện, thẩm tra Đề án Thu hút nhân tài hay Đề án Đào tạo nguồn nhân lực thì Ban VH-XH chủ trì phối hợp với Ban KT-NS thực hiện...

Thường trực và các ban HĐND đặt yêu cầu cao về chất lượng các báo cáo, đề án của UBND tỉnh trình trong các cuộc thẩm tra. Đó là yêu cầu có đầy đủ các báo cáo, thuyết minh, giải trình, có so sánh với thực hiện kỳ trước, có đối chiếu với số liệu của tỉnh bạn hay cả nước. Báo cáo phải có đầy đủ các văn bản quy định. Ví dụ, thẩm tra các báo cáo và đề án về đánh giá tình hình thực hiện năm trước và phân bổ nguồn thu, nhiệm vụ chi, bố trí đầu tư XDCB cho năm kế hoạch, yêu cầu UBND tỉnh phải thực hiện đầy đủ biểu mẫu theo Thông tư số 59 của Bộ Tài chính đã quy định. Thẩm tra báo cáo quyết toán, ngoài đánh giá chung về số liệu tổng thể và số liệu theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục phải có thêm báo cáo so sánh giữa thực hiện với số phân bổ đầu năm theo từng mục chi tiết thuộc các lĩnh vực và theo từng địa phương về thu chi ngân sách; có thuyết minh, giải trình tăng, giảm, nhất là các khoản tăng, giảm đột biến.

Tính kịp thời trong các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết gửi Thường trực và các ban HĐND để thẩm tra là một yêu cầu bắt buộc, đồng thời là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra. Những năm trước đây, việc gửi tài liệu trước cho các ban HĐND thẩm tra thường chậm hơn so với quy định, một trong những nguyên nhân do công tác chuẩn bị của UBND chậm, hoặc do cấp ủy bố trí lịch hội nghị muộn nên sau khi xin ý kiến cấp ủy, UBND hoàn chỉnh báo cáo trình HĐND chậm so với yêu cầu. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ qua, thời gian gửi báo cáo để các ban thẩm tra đã cơ bản thực hiện theo quy định, tạo thuận lợi cho các ban thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thành phần tham dự các cuộc thẩm tra, về phía HĐND là thành viên các ban, đại diện Thường trực HĐND. Đối với các đơn vị chuẩn bị báo cáo, đề án phải là cấp trưởng các sở, ngành, có đại diện là Chủ tịch, hay ít nhất là Phó chủ tịch phụ trách khối tham dự để tiếp thu các ý kiến phản biện của các ban HĐND và các đại biểu dự thẩm tra. Đối với những báo cáo, đề án có tính nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, thành phần mời thêm đại diện Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh hay đại diện các tổ chức đoàn thể.

Thẩm tra dự thảo đề án và nghị quyết chuyên đề

Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển KT - XH hàng năm trên từng lĩnh vực cụ thể, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết có tính chuyên đề. Theo đó HĐND tỉnh giao UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan chuẩn bị nội dung các đề án; Thường trực HĐND phân công các ban HĐND phối hợp trên các lĩnh vực theo dõi, giám sát quá trình xây dựng và thẩm tra các đề án, dự thảo nghị quyết. So với thẩm tra dự thảo các nghị quyết chung thì thẩm tra đề án và dự thảo nghị quyết chuyên đề là hoạt động đòi hỏi có tính chuyên sâu hơn. Công tác khảo sát, phân tích đánh giá các thông tin liên quan đòi hỏi phải được cập nhật đầy đủ, chính xác; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đòi hỏi phải cụ thể hơn, sát đúng hơn, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa bảo đảm thực hiện tốt các nhu cầu đời sống xã hội. Trước khi thẩm tra, Thường trực và các ban HĐND thường tổ chức tham vấn ý kiến các đối tượng liên quan chịu tác động trực tiếp của nghị quyết để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Cụ thể, Đề án thành lập Trường THPT Cù Huy Cận, huyện Vũ Quang, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục - Đào tạo là cơ quan chuẩn bị nội dung và dự thảo Nghị quyết để trình tại Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Khóa XV. Ban VH - XH được Thường trực HĐND tỉnh phân công chủ trì phối hợp với các ban khác thẩm tra. Trước khi trình ra kỳ họp, Ban VH - XH phối hợp với các ban HĐND tỉnh tổ chức nhiều cuộc làm việc với Sở Giáo dục - Đào tạo. Qua thảo luận, nhiều nội dung trong Đề án còn có nhiều ý kiến khác nhau, như: sự cần thiết thành lập Trường THPT Cù Huy Cận, trong điều kiện hiện nay trên địa bàn phụ cận đã có 2 trường THPT, số lượng học sinh, điều kiện về ngân sách, đội ngũ, đất đai và một số điều kiện khác đang còn khó khăn. Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định tổ chức tham vấn ý kiến các bên liên quan. Cuộc tham vấn đã làm rõ được sự cần thiết phải thành lập Trường và đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn. Sau phiên tham vấn, trên cơ sở ý kiến của các địa phương, các ngành, của phụ huynh học sinh, báo cáo thẩm tra của Ban VH-XH nhất trí trình HĐND cho thành lập Trường THPT Cù Huy Cận và kiến nghị các giải pháp thực hiện. Nghị quyết thành lập Trường đã được HĐND thông qua với sự nhất trí rất cao của các đại biểu HĐND.

Tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Khóa XV, UBND tỉnh trình Đề án và dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch, quản lý tài nguyên khoáng sản; Ban Pháp chế được phân công chủ trì phối hợp với các ban thẩm tra đề án. Quá trình thảo luận, đối thoại giữa Thường trực, các ban HĐND tỉnh và tổ chuyên gia với UBND tỉnh, lãnh đạo và một số chuyên viên Sở Tài nguyên - Môi trường, nhiều nội dung chưa được thống nhất giữa các bên tham gia, như: thực trạng công tác quản lý tài nguyên; quy trình cấp phép hoạt động; dây chuyền công nghệ cũng như công tác bảo vệ môi trường; chính sách bảo hộ, chế độ của người lao động trong khu vực khai thác mỏ; tỷ lệ điều tiết phí tài nguyên, cơ chế hỗ trợ địa phương vùng mỏ… Thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Pháp chế chủ trì phối hợp với các ban HĐND tổ chức nhiều buổi làm việc với các ngành liên quan, địa phương vùng mỏ và tổ chức 2 lần tham vấn rộng rãi với nhiều thành phần tham gia. Trên cơ sở đó, thẩm tra của Ban Pháp chế đã được HĐND tỉnh đồng tình với nội dung chưa thông qua Nghị quyết về Quy hoạch, quản lý tài nguyên khoáng sản, giao UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến chuẩn bị trình tại kỳ họp sau.

Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ qua, tất cả các đề án, dự thảo nghị quyết chuyên đề có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng đều được Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với các ban HĐND tổ chức tham vấn lấy ý kiến các đối tượng liên quan để giúp HĐND nắm thêm các thông tin và tạo sự đồng thuận cao trước khi HĐND đưa ra các quyết định. Những ý kiến khác nhau về nội dung các báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết đều được đặc biệt quan tâm để quyết sách của HĐND sát thực và sớm phát huy hiệu quả trong cuộc sống.


    Ý kiến bạn đọc