“… Trong các ngày từ 08 - 12/12/2022, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thảo luận trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII, với sự tham gia của trên 360 đại biểu. Đã có 170 ý kiến phát biểu đóng góp vào nội dung các báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh.
![]() |
Đồng chí Trần Văn Kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các Tổ đại biểu HĐND tỉnh |
Nhìn chung, các đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung được trình tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh; đồng thời phân tích thêm những kết quả, hạn chế và nguyên nhân; bổ sung một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện trong các báo cáo trình Kỳ họp. Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp ý kiến thảo luận Tổ như sau:
I. Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022
1. Về kết quả đạt được: Đa số ý kiến đại biểu đồng tình với nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Đồng thời có một số ý kiến đề nghị bổ sung đánh giá sâu thêm một số nội dung, như:
Về lĩnh vực kinh tế, bổ sung đánh giá việc phát triển kinh tế tập thể; việc xây dựng, phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh gắn với việc ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”;
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, cần đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động văn hóa ở cơ sở; kết quả phân luồng học sinh sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT trong toàn tỉnh; kết quả đánh giá chương trình sách giáo khoa năm 2018; bổ sung về tình hình, kết quả đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học thuộc các cấp học trong toàn tỉnh; tình hình tuyển dụng lao động của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Đại biểu tham dự kỳ họp |
2. Về những tồn tại, hạn chế: Đề nghị đánh giá sâu hơn một số nội dung sau:
Công tác chỉ đạo, điều hành có lúc còn lúng túng, chưa kịp thời có các biện pháp tháo gỡ các vấn đề khó khăn, khi giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân, doanh nghiệp. Khu vực du lịch, dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế (chiếm 46,93%) song đóng góp chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế.
Cơ cấu nguồn thu ngân sách chưa bền vững, thu nội địa chiếm tỷ lệ thấp trong tổng thu ngân sách (chiếm 44,6%) và thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỉ trọng lớn (33,1%). Chi ngân sách không đạt kế hoạch đề ra, chi thực hiện cho các đề án chính sách đạt rất thấp.
Sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi liên kết, mô hình nông nghiệp an toàn đã được quan tâm nhưng phát triển chậm, hiệu quả thấp; triển khai thực hiện nghị quyết về tích tụ, tập trung ruộng đất khó khăn; sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ hè - thu ở một số địa phương không đạt chỉ tiêu kế hoạch cả về diện tích và năng suất.
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa nghiêm. Cơ sở hạ tầng về du lịch và các sản phẩm dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc cung ứng thuốc và thiết bị y tế chậm, thiếu, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân...
3. Về nguyên nhân, trách nhiệm
Đề nghị phân tích kỹ nguyên nhân việc tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt thấp (thấp nhất trong khu vực Bắc Trung bộ); bổ sung nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư công chậm nhất là giải ngân nguồn vốn ODA chủ yếu do hồ sơ thủ tục triển khai dự án chậm và vai trò, trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu và các Ban quản lý dự án.
4. Về các nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2022
Ngoài các giải pháp đã đề ra tại báo cáo, qua thảo luận đại biểu đề nghị:
Sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, khẩn trương công bố quy hoạch, tập trung thu hút đầu tư, nhất là phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ lôgistic, đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Quyết liệt đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, đặc biệt là chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Quan tâm đến việc liên kết trong sản xuất, nhất là phát triển kinh tế tập thể. Nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; xây dựng các chính sách đủ mạnh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Không nên hạn chế về chỉ tiêu khi các huyện đăng ký thực hiện xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉ đạo các Sở ngành liên quan hướng dẫn cụ thể để có chính sách phù hợp đối với các cơ sở OCOP hiện nay xây dựng nhà xưởng chủ yếu trên đất ở hoặc đất vườn. Đồng thời mỗi sản phẩm hàng hóa OCOP không nên cấp chứng nhận cho nhiều địa phương, cơ sở sản xuất, gây lãng phí.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất rừng và đất nông nghiệp; thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với các chủ rừng nhà nước; khảo sát, đánh giá lại một số diện tích đất cao su trên địa bàn tỉnh hiệu quả thấp để chuyển về cho địa phương quản lý, giao cho người dân sản xuất. Có các chính sách hỗ trợ để phát triển rừng, nhất là hỗ trợ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên; trồng cây bản địa dài ngày nhằm đảm bảo môi trường sinh thái bền vững. Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức.
Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, có kinh nghiệm trong phát triển du lịch về đầu tư trên địa bàn tỉnh. Triển khai có hiệu quả Đề án Văn hóa con người Hà Tĩnh, trong đó quan tâm việc đầu tư thiết chế văn hóa cho cơ sở theo Nghị quyết số 265/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của HĐND tỉnh…
![]() |
Toàn cảnh kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII |
II. Về các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp
Có 04/18 dự thảo Nghị quyết xin ý kiến được đại biểu cơ bản đồng tình [1] ; 05/18 dự thảo Nghị quyết đã xin ý kiến đại biểu nhưng sẽ xem xét trình tại các kỳ họp tiếp theo [2] . Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung đối với 09 dự thảo nghị quyết, cụ thể như sau:
1. Dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng bổ sung 6 tháng cuối năm 202 2: Đề nghị bổ sung đầy đủ thông tin các công trình, dự án trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua danh mục cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Xem xét bổ sung Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ hồ Ghè đến hồ Vụng Lỡ, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh với diện tích 0,49ha (đã có Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 05/01/2022 của HĐND xã Thạch Hạ).
2 . Dự thảo Nghị quyết về q uy định chi tiết nhiệm vụ chi ngân sách các cấp về bảo vệ môi trường : Đề nghị tiếp tục nghiên cứu các nội dung chi còn lại theo quy định tại Điều 153, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Tại khoản 1 Điều 5, đề nghị xem xét mở rộng phạm vi, không giới hạn trong dự án đầu tư. Tại Điều 6, Điều 7, dự thảo Nghị quyết quy định nhiệm vụ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường ngân sách cấp xã nhiều nội dung, tuy nhiên tại Nghị quyết số 41/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên sự nghiệp môi trường cho mỗi xã 50 triệu/xã/năm, đối với thị trấn 70 triệu đồng/xã/năm là rất thấp, không đảm bảo các nhiệm vụ chi.
3 . D ự thảo Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung một số khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉn h : Xem xét bổ sung thu phí xử lý nước thải, hiện nay trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên có 02 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư: Hạ tầng Nam Thiên Cầm và Hạ tầng Cụm CN Bắc Cẩm Xuyên có 02 hạng mục xử lý nước thải, sau khi hoàn thành dự án đưa vào hoạt động nếu chưa có mức thu phí xử lý nước thải cụ thể sẽ khó khăn trong việc thu phí từ các Doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh. Tại điểm c khoản 1 Điều 1, đề nghị xem xét lại mức thu đối với đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho cả hộ hoặc từng người; tại khoản 2 Điều 1 đề nghị làm rõ gia hạn tạm trú và đăng ký ban đầu (nếu gia hạn tạm trú thì đề nghị mức thu thấp hơn so với đăng ký ban đầu).
4 . D ự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ Ngân sách Nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của Ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 – 2025: Tại Tiểu Dự án 1 đề nghị cần làm rõ đối tượng thực hiện. Đề nghị xem xét bổ sung chính sách về đào tạo nghề cho một số vùng khó khăn của thị xã Kỳ Anh như phường Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, xã Kỳ Nam và nhân dân vùng tái định cư có độ tuổi lao động cao, không có việc làm, không có đất sản xuất.
5 . D ự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ Ngân sách Trung ương, tỉnh và tỷ lệ vốn đối ứng của Ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2022 – 2025: Tại khoản 3 Điều 3, đề nghị xem xét bổ sung nội dung ưu tiên hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý, bảo vệ môi trường. Tại khoản 2 Điều 4, đề nghị xem xét, bổ sung nội dung ưu tiên phân bổ vốn đối với các huyện, xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhất là các huyện chưa nằm trong kế hoạch thực hiện theo Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo nguồn lực xây dựng thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2022-2025; bổ sung nội dung thưởng các địa phương đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu hoàn thành trước kế hoạch…
6 . D ự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Hà Tĩnh : Đề nghị giữ nguyên quy định tại điểm g khoản 2 Điều 10 của Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND (nếu thực hiện như dự thảo nghị quyết sẽ vướng Luật Đầu tư công); bổ sung thêm quy trình, điều kiện hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới thực hiện các công trình một cách hợp lý, chặt chẽ. Quan tâm bố trí nguồn kinh phí thực hiện chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện theo Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
7. Dự thảo Nghị quyết thông qua chính sách về giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 : Tại điểm a khoản 1 Điều 5 Chương II, đề nghị xem xét sửa lại cụm từ “thu nhập không ổn định”, cần quy định mức thu nhập rõ ràng. Tại điểm c khoản 1 Điều 7 Chương III, đề nghị xem xét bỏ đối tượng 3, người lao động thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025” (nhóm này đã được quy định trong Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Tại điểm b khoản 1 Điều 8, Chương III, đề nghị bỏ phần xác nhận của Phòng LĐ-TB và XH cấp huyện đối với hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi mà chỉ cần xác nhận của Chủ tịch UBND cấp xã. Tại điểm a khoản 1 Điều 14, Chương VI, đề nghị bổ sung cụm từ “Đại diện” và sửa thành “Đại diện thân nhân hưởng trợ cấp tiền tuất...
8. Dự thảo Nghị quyết thông qua chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2022 – 2025 : Tại khoản 1 Điều 4, đề nghị: Bổ sung đối tượng là người thuộc diện chính sách người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người tàn tật...; Bổ sung nhóm đối tượng người bị thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ cho các chương trình dự án, đất kinh doanh... Tại khoản 2 Điều 4: Đề nghị xem xét tăng mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại phù hợp với tình hình thực tiễn (mức hỗ trợ tại dự thảo Nghị quyết đã được áp dụng từ năm 2017 nhưng hiện nay do giá cả thị trường tăng lên nên mức hỗ trợ này không còn phù hợp). Xem xét bổ sung chính sách đối với các nhóm đối tượng được quy định tại Nghị quyết số 150/2019/NQ-HĐND ngày 15/7/2019 về ban hành một số chính sách giải quyết việc làm; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2019-2025…
9 . Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực Y tế - Dân số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 – 2025 : Tại điểm a khoản 1 Điều 3, đề nghị bổ sung thêm lĩnh vực chống nhiễm khuẩn. Tại khoản 1 Điều 3, đề nghị: Xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ đối với bác sỹ công tác trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc trung tâm Y tế/bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố lên mức 1 triệu đồng/tháng (dự thảo Nghị quyết quy định mức 750.000 đồng/người/tháng). Xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ từ 1.500.000 đồng/người/tháng lên mức 2.000.000 đồng/người/tháng đối với bác sỹ công tác tại trạm Y tế xã, phường, thị trấn…”
[1] Có 03 dự thảo nghị quyết đồng tình, gồm: Nghị quyết về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết đặt tên một số tuyến đường tại thị xã Kỳ Anh; Nghị quyết sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố tại các huyện: Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Sơn.
[2] Có 05 dự thảo nghị quyết không trình tại kỳ họp thứ 8, gồm: Nghị quyết thông qua Kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết phân bổ vốn ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho các đơn vị, địa phương; Nghị quyết quy định mức thu học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết Quy định một số chính sách đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2022 - 2025 và nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết bổ sung nội dung, mức chi quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 66/2022/NQ-HĐND ngày 29 tháng 4 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung, mức chi tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tin mới cập nhật
- Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh chỉ định 499 đại biểu HĐND xã sau sắp xếp ( 14/07)
- Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh triệu tập Kỳ họp thứ 30 HĐND tỉnh Hà Tĩnh ( 12/07)
- Tập trung hoàn thiện các nội dung trình Kỳ họp họp thứ 30 HĐND tỉnh ( 09/07)
- Thông qua 11 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 29 HĐND tỉnh Hà Tĩnh ( 28/06)
- HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 11 nghị quyết quan trọng trên 3 lĩnh vực tài chính ngân sách, đầu tư ngoài ngân sách, nông nghiệp tài nguyên môi trường ( 27/06)
- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra các nội dung trên lĩnh vực kinh tế và ngân sách ( 27/06)