Tại 3 tổ thảo luận, đã có 192 đại biểu tham dự, trong đó có 45 đại biểu HĐND, 147 đại biểu khách mời; có 38 ý kiến phát biểu trực tiếp tại các tổ, 161 ý kiến đóng góp bằng phiếu thảo luận. Nhìn chung, việc thảo luận diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết cao của đại biểu tham dự, về cơ bản các ý kiến bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các nội dung báo cáo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân tỉnh và các ngành liên quan; tán thành với các tờ trình, đề án của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp lần này; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nhóm vấn đề:
|
Đại biểu Đậu Thị Thủy phát biểu thảo luận tại tổ 1 |
Đối với báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2015, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2015 các đại biểu đồng tình, thống nhất với báo cáo của UBND tỉnh; đồng thời đóng góp một số ý kiến trên các lĩnh vực như:
Trên lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp - nông thôn, chất lượng thực hiện công tác quy hoạch trên lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; mô hình chăn nuôi nhỏ và vừa còn gặp khó khăn, chậm được nhân rộng do khó khăn về nguồn giống và thị trường tiêu thụ; một số vấn đề tồn tại nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khả thi để khắc phục như: hiện tượng nông dân bỏ ruộng, không mặn mà với sản xuất nông nghiệp; nhiều hộ có đông lao động thì thiếu đất sản xuất trong khi có hộ không có lao động để ruộng bỏ hoang; tình trạng giống, vật tư nông nghiệp kém chất lượng; tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, không ổn định. Việc thực hiện Nghị quyết 90/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối ngân sách, do đối tượng hưởng thụ chính sách rộng, mức hỗ trợ lớn.
|
Đại biểu Võ Hồng Hải phát biểu thảo luận tổ 1 |
Trên lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường, Khoa học - Công nghệ, một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác vật liệu xây dựng không thực hiện đúng nội dung giấy phép, cũng như cam kết môi trường, lãng phí đất đai, gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được kiểm tra, xử lý; chưa có giải pháp mạnh để xử lý nghiêm việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Quản lý rừng, đất rừng còn bất cập; một số vụ tranh chấp, lấn chiếm đất rừng kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, nhất là ô nhiễm ở các mô hình chăn nuôi tập trung chưa được khắc phục. Công tác giải phóng mặt bằng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lực đầu tư và tiến độ thực hiện dự án.
Trên lĩnh vực Văn hóa - Xã hội, các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm ban hành nhiều nhưng tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chưa cao. Phát triển du lịch, dịch vụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thu hút được nhiều du khách đến với Hà Tĩnh. Tình trạng sử dụng lòng lề đường để kinh doanh ở một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh tiếp tục diễn ra nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
|
Đại biểu Nguyễn Trọng Sơn tham gia thảo luận tổ 1 |
Trên lĩnh vực Quốc phòng - An ninh, xây dựng chính quyền, công tác dự báo, nắm tình hình tại các địa bàn trọng điểm (nhất là khu kinh tế Vũng Áng) thiếu kịp thời, còn lúng túng, bị động trong xử lý một số vụ việc; tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số đơn vị được bàn giao về cấp huyện quản lý như Trạm bảo vệ thực vật, Trạm thú y quá trình hoạt động còn bất cập.
Các đại biểu đề nghị: cần có chủ trương, giải pháp cụ thể để tiến hành tích tụ ruộng đất; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư cánh đồng lớn làm cơ sở cho sản xuất hàng hóa, liên kết tiêu thụ nông sản; quan tâm hiệu quả sản xuất vụ hè thu hàng năm. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ trồng chè xen dắm; hướng dẫn kỹ thuật trồng cây bản địa, khuyến khích cải tạo rừng sản xuất bằng hình thức trồng xen dưới tán lá rừng; nghiên cứu chuyển giao cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế vùng đồi, rừng. Khảo sát, đánh giá chủ trương sáp nhập trường học trên địa bàn tỉnh, tính toán, cân nhắc việc sáp nhập phù hợp với thực tiễn địa phương. Hàng năm, đánh giá cụ thể về kỹ thuật ngành y tế để xem xét mức độ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, vai trò của dịch vụ y tế trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác giáo dục, đào tạo, y tế. Quan tâm điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên các tuyến đường mới xây dựng; quy hoạch hệ thống bán lẻ xăng dầu trên địa bàn…
Đối với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2015. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với báo cáo UBND tỉnh. Một số ý kiến bổ sung như sau:
|
Đại biểu Đặng Quốc Cương phát biểu thảo luận tổ 2 |
Về tồn tại, hạn chế, việc thực hiện các thủ tục đầu tư, giải ngân nguồn vốn một số dự án trọng điểm còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là một số công trình dân sinh cấp bách. Công tác đầu tư cho phát triển đô thị thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại 2 triển khai chậm, trong khi huy động nguồn lực xã hội còn gặp nhiều khó khăn; đầu tư cho phát triển kinh tế tập thể chưa đáp ứng yêu cầu; có sự chênh lệch khá lớn giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư phát triển văn hóa, xã hội, nhất là việc bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành. Việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như công viên, khu vui chơi dành cho thiếu nhi ở các thành phố, thị xã chưa được quan tâm đúng mức. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp còn hạn chế …
Đại biểu Dương Tất Thắng phát biểu thảo luận tô 2 |
Về các giải pháp đã đưa ra trên lĩnh vực đầu tư phát triển, các đại biểu đề nghị: tập trung chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020) đảm bảo sát đúng với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Quan tâm chất lượng các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình xây dựng nông thôn mới; ưu tiên bố trí nguồn trả nợ công trình xây dựng cơ bản; điều chuyển nguồn vốn từ các công trình có tiến độ và giải ngân chậm để thực hiện các công trình thiết yếu còn thiếu kinh phí. Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư. Xây dựng công trình cấp nước tập trung cho các xã xa trung tâm, nguồn nước khó khăn. Tạo điều kiện để các địa phương tiếp cận với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn để làm tốt công tác kêu gọi đầu tư.
|
Đại biểu Trần Trung Dũng phát biểu thảo luận tổ 3 |
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã bổ sung một số ý kiến thêm vào báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết như: Báo cáo kết quả thực hiện thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2015; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 5 năm 2011-2015; Báo cáo đánh giá kết quả thu hút, huy động và sử dụng vốn đầu tư phát triển và công tác xã hội hóa đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn tới; Báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13 ngày 10/4/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã Kỳ Anh và 06 phường thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; Báo cáo các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C trọng điểm xin chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh; Báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015; Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2016 - 2020...
|
Đồng chí Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu thảo luận tổ 3 |
Và đưa ra một số ý kiến đề nghị HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các chính sách đã ban hành như: việc hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp, sản xuất cần có quy định tối đa số máy nông nghiệp trong một xã phù hợp với công suất máy và khả năng cân đối ngân sách của địa phương; cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015 được ứng trước kinh phí để sớm hoàn thành các tiêu chí còn thiếu. Quan tâm việc hướng dẫn thực hiện các chính sách sau khi được ban hành; rà soát các chính sách đã ban hành để thống nhất tập trung các lĩnh vực ưu tiên. Cần có Nghị quyết riêng về phát triển đô thị và dùng trái phiếu chính quyền địa phương để phát triển đô thị; cần có chính sách mạnh và cụ thể hơn cho chính sách du lịch....
Sáng mai 16/7/2015, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI tiến hành phiên thảo luận chung tại hội trường.
Tin mới cập nhật
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chung vui ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn An Phúc Lộc, Xuân Liên, Nghi Xuân ( 09/11)
- Can Lộc cần phối hợp với các đơn vị mỏ đôn đốc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản ( 08/11)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Kỳ Anh ( 01/11)
- Thạch Hà : Phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản ( 31/10)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Hương Sơn ( 25/10)
- Huyện Nghi Xuân chủ động đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ sau khi khai thác khoáng sản ( 24/10)