Tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn huyện Đức Thọ
EmailPrintAa
20:45 05/06/2018

Ngày 5/6, Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải dẫn đầu đã tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với UBND huyện Đức Thọ về “công tác quản lý các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”.

Buổi sáng, Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Chùa Am (xã Đức Hòa), Đình Trung, Khu lưu niệm Trần Phú (xã Tùng Ảnh), Khu mộ Phan Đình Phùng, Đền Liên Minh (xã Liên Minh) và tìm hiểu hoạt động CLB Dân ca ở xã Thái Yên.

8
Đoàn khảo sát tại Di tích Đình Trung xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ

 

Theo báo cáo và qua khảo sát thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện Đức Thọ hiện có hơn 130 di tích, trong đó có 72 di tích đã được xếp hạng (gồm 15 di tích cấp Quốc gia, 57 di tích cấp tỉnh). Đức Thọ còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa là những điểm đến du lịch tâm linh thu hút du khách như Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú, Chùa Am, Chùa Đá, Đền Nguyễn Biểu... mỗi di tích trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện đều hàm chứa những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Đối với công tác quản lý và sử dụng di tích được huyện phân cấp cụ thể, 100% các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện đều do UBND huyện quản lý về nhà nước và giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý sử dụng, đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hoá và các quy định pháp luật hiện hành; đối với các di tích chưa được xếp hạng, giao UBND các xã, thị trấn quản lý toàn diện.

Đại biểu Đỗ Khoa Văn, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu

 

Về công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể, tính đến tháng 5/2018, trên địa bàn huyện có 8 Câu lạc bộ Dân ca, Ví, Giặm được thành lập và ra mắt hoạt động (Tùng Ảnh, Yên Hồ, Thái Yên, Đức Đồng, Trung Lễ, Đức Dũng, Đức Thịnh và Thị Trấn Đức Thọ). Việc thành lập hệ thống câu lạc bộ hát dân ca cũng như việc đưa dân ca vào trường học, tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan dân ca đã tạo ra không gian văn hóa mới cho Ví, Giặm thực hành. Vì thế, phong trào hát dân ca ngày càng được mở rộng trong các tầng lớp nhân dân, làm cho đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú, đa dạng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh
 
Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Trần Tuấn Nghĩa

 

Thảo luận tại cuộc làm việc, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý các di sản văn hóa trên địa bàn huyện như: việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích chưa thường xuyên; hoạt động của ban quản lý di tích chưa hiệu quả; số lượng di tích xuống cấp nhiều, việc huy động nguồn lực xã hội hóa gặp khó khăn; tổ chức bộ máy còn nhiều bất cập, đội ngũ cán bộ quản lý di tích cấp huyện, xã còn ít, trình độ chuyên môn chưa cao, khả năng vận động quần chúng tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa chưa thực sự hiệu quả; việc phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn còn hạn chế… Qua đó, đề nghị cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải kết luận cuộc làm việc

 

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải ghi nhận những kết quả và nỗ lực của huyện trong công tác quản lý các di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị: tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa; kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý di tích; đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng để nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá trên địa bàn… Đối với những kiến nghị, đề xuất của huyện, Đoàn sẽ tổng hợp chung các kiến nghị từ các địa phương, từ đó có ý kiến tại cuộc làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan để có giải pháp xử lý, giải quyết.


    Ý kiến bạn đọc