Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 , dưới sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà... nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục giữ được xu hướng phục hồi và phát triển.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga trình bày báo cáo thẩm tra về lĩnh vực kinh tế, ngân sách. |
Có 26/29 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%, dẫn đầu trong 06 tỉnh Bắc Trung Bộ, xếp thứ 15 cả nước. Sản xuất nông nghiệp được mùa, các mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất, dồn điền, đổi thửa phát triển mạnh; Chăn nuôi duy trì ổn định; Sản xuất lâm nghiệp, quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện hiệu quả; Sản xuất thủy sản tăng 2,1%; tiếp tục duy trì và thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm theo kế hoạch.
Khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Khu vực du lịch, dịch vụ tăng 10,4% so với cùng kỳ cao hơn bình quân chung của cả nước. Hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, kim ngạch xuất khẩu tăng. Thu ngân sách cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ chi được giao. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội vượt kế hoạch đề ra, tăng cao so với năm 2022; Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; Tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2023. Các dự án lớn, trọng điểm được tập trung chỉ đạo; tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung cả nước và cùng kỳ năm 2022. Công tác GPMB, tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, khối lượng bàn giao mặt bằng đạt trên 98%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với những hạn chế theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra và đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề sau đây:
Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng vẫn chủ yếu từ ngành thép; còn lại nhiều nhóm hàng khác gặp khó khăn. Thu nội địa đạt dự toán nhưng một số khoản hụt thu. Thu NSNN trên địa bàn chưa thực sự bền vững, còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là phụ thuộc thu từ các doanh nghiệp lớn…
Chi thường xuyên vẫn chiếm 50,76% tổng chi ngân sách địa phương. Chi đầu tư phát triển nếu loại trừ các khoản chi từ dư tạm ứng năm trước chuyển sang, ghi chi kinh phí thực hiện cơ chế xi măng, thì chỉ bằng 56,4% kế hoạch tỉnh giao. Giải ngân vốn đầu tư công tại một số đơn vị tỷ lệ thấp hơn, có dự án chưa giải ngân. Phân bổ kinh phí cho các đề án, chính sách do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đạt thấp…
Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 , Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
Tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025, các nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh và các giải pháp điều hành mà Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra cho năm 2024.
Xây dựng kế hoạch đầu tư vốn NSĐP năm 2024 bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên theo quy định; Tạo mọi điều kiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh. Năm 2024 là năm thứ tư của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025; vì vậy, cần đánh giá bước đầu về kết quả thực hiện, để kịp thời dự kiến cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 theo đúng quy định.
Triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; từng bước đạt được mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Hà Tĩnh phát triển bền vững, hiệu quả, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bảo đảm an ninh lương thực, môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại biểu tham dự kỳ họp |
Tập trung triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế biển, nâng cao tỉ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh theo mục tiêu tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tập trung xử lý các tồn đọng về đất đai, khoáng sản; tháo gỡ vướng mắc trong công tác định giá đất. Kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ số điều chỉnh giá đất khi giá đất trên thị trường có biến động. Thực hiện có hiệu quả Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo đã được UBND tỉnh phê duyệt…
Về các t ờ trình và dự thảo Nghị quyết trên lĩnh vực kinh tế và ngân sách, Ban cơ bản thống nhất với các nội dung của Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết và có một số ý kiến cụ thể như sau:
Tờ trình , Dự thảo Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn , Ban đề nghị quan tâm một số nội dung sau:
Đối với các dự án quyết định chủ trương đầu tư: Thống nhất đề nghị HĐND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các nội dung ở bước tiếp theo. Cụ thể: Dự án Nhà làm việc 3 tầng và các hạng mục phụ trợ - Trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh. Rà soát, cập nhật Quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với thực tế sử dụng đất. Quá trình quyết định đầu tư quan tâm đến biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến điều kiện làm việc của Hội Liên hiệp Phụ nữ và các đơn vị trong cùng khuôn viên.
Dự án đường giao thông từ đường Hồ Chí Minh vào Cụm công nghiệp Gia Phố, huyện Hương Khê (Giai đoạn 1): Đề nghị lựa chọn nội dung, quy mô, phân kỳ đầu tư đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được duyệt tại Quyết định số 2396/QĐ-UBND ngày 18/8/2014 của UBND tỉnh. Phần vốn ngân sách huyện Hương Khê bố trí (4,3 tỷ đồng), đề nghị Ủy ban nhân dân huyện báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bố sung danh mục, mức vốn vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương.
Đối với các dự án điều chỉnh Dự án “Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, hợp phần tỉnh Hà Tĩnh” vay vốn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB): Về nguồn vốn, ngoài bổ sung từ Trung ương, số vốn đối ứng ngân sách địa phương còn thiếu chưa có phương án bố trí vốn là 46,897 tỷ, trong đó: Ngân sách tỉnh 23,215 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện, xã 23,682 tỷ đồng; vì vậy, trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước nếu có phát sinh nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 cùng với phương án tại Nghị quyết số 122/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh để linh hoạt bố trí.
Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024: Ban thống nhất và đề nghị quan tâm:
Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024: Nguồn thu từ đất là một trong các nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án có sử dụng đất để sớm triển khai dự án và có nguồn thu. Về khoản thu dự kiến thu các nhiệm vụ chưa chi năm 2023, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm xây dựng phương án sử dụng, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 31/03/2023 theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2024: Rà soát và giao chi tiết đối với các Đề án, chính sách đã ban hành, sớm phân bổ cho các địa phương, đơn vị để đảm bảo tiến độ giải ngân trong năm 2024. Đối với những đề án, chính sách có tỷ lệ giải ngân các năm trước đạt thấp, chưa có đối tượng hấp thụ hoặc hấp thụ ít, đề nghị có giải pháp điều chuyển phù hợp, bố trí sang những đề án, chính sách có tỷ lệ giải ngân cao hơn. Bổ sung ngân sách tỉnh cho địa phương, đơn vị đảm bảo thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng (phần còn thiếu giữa nhu cầu kinh phí thực hiện cho cả 12 tháng năm 2024 sau khi đã sử dụng nguồn cải cách tiền lương theo quy định của địa phương).
Tờ trình và dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Tổng quyết toán ngân sách địa phương năm 20 22: Đề nghị chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về kết quả kiểm toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Tờ trình và dự thảo Nghị quyết thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng, tỷ lệ 1/2.000: Về thực trạng sử dụng đất cần làm rõ chi tiết các loại đất trong đất nông nghiệp, để có giải pháp phân kỳ đầu tư theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Về định hướng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 13 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP , như: Bổ sung vị trí, quy mô các điểm dừng, đón trả công nhân trong KCN, bảo đảm thuận lợi, đáp ứng tốt nhu cầu khi KCN đi vào hoạt động ... Cạnh khu công nghiệp Gia Lách có 02 trường Trung học cơ sở Xuân Hồng, Xuân Viên và tuyến Quốc lộ 1A tránh thị xã Hồng Lĩnh đi qua; vì vậy, cần tính toán lưu lượng tham gia giao thông để có phương án cụ thể.
Về dự thảo Nghị quyết: Đề nghị bổ sung đầy đủ các nội dung theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 114/NQ-HĐND ngày 12/6/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tờ trình và dự thảo Nghị quyết thông qua Đồ án điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch biển Lộc Hà: Hiện trạng mặt bằng quy hoạch cần thể hiện đầy đủ các công trình nổi và ngầm, như: Tại phân khu II (Khu phía Bắc) có tuyến đường ống cấp nước sạch của nhà máy nước Thạch Bằng; tại Khu phía Nam có nhà máy nước Thạch Bằng và hệ thống đường ống của nhà máy và tuyến đường ống cấp nước của trạm bơm An Thịnh đi qua… Đồng thời với đó có phương án phối hợp đấu nối hoặc di dời phù hợp. Bên cạnh đó, Đồ án phân khu xây dựng Khu du lịch biển huyện Lộc Hà cần nghiên cứu cả phương án khi sáp nhập địa giới hành chính các đơn vị liên quan theo chủ trương của Trung ương và lộ trình chung của tỉnh;
Về Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung đầy đủ các nội dung theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 107/NQ-HĐND ngày 07/4/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tờ trình và dự thảo Nghị quyết: Điều chỉnh Nhiệm vụ, dự toán khảo sát, lập điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Gia Lách; thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Gia Lách : Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với việc điều chỉnh nhiệm vụ và thông qua Đồ án, đồng thời lưu ý Dự thảo Nghị quyết thông qua Đồ án cần bổ sung đầy đủ các nội dung theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 106/NQ-HĐND ngày 31/3/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh, như: Quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, làm rõ các mặt cắt giao thông, cao độ san nền, thoát nước mưa, nước thải; cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc. Cao độ san nền, thoát nước mưa, nước thải; cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc… phải đồng bộ với Đồ án phân khu xây dựng Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng trình lần này.
Tờ trình và dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất năm 20 24: Đề nghị báo cáo đánh giá cụ thể kết quả thực hiện danh mục thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để địa phương kịp thời triển khai thực hiện.
Tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025: Về tên dự thảo Nghị quyết, đề nghị sửa thành “Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2025” ; Vì thời gian thực hiện nghị quyết bắt đầu từ năm 2024.
Tại khoản 1 Điều 1, đề nghị xem xét đưa phạm vi điều chỉnh “khu kinh tế - quốc phòng” ra khỏi dự thảo Nghị quyết; Vì hiện nay Hà Tĩnh chưa hình thành khu kinh tế - quốc phòng.
Tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định nội dung, mức hỗ trợ, định mức chi ngân sách nhà nước, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023-2025: Đề nghị sửa tên dự thảo Nghị quyết thành “ Nghị quyết quy định nội dung, mức hỗ trợ, mức chi ngân sách nhà nước, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2025” để phù hợp với thời điểm ban hành và thời gian thực hiện nghị quyết.
Tờ trình và dự thảo Nghị quyết một số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025: Về tên dự thảo Nghị quyết, đề nghị sửa thành “ Nghị quyết m ột số chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2025” để thống nhất với giai đoạn thực hiện của các chính sách khác.
Đối với các Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết: Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Bãi bỏ Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 18/7//2018 về thông qua điều chỉnh Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy định mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh : Ban thống nhất đề nghị HĐND tỉnh thông qua./.
Tin mới cập nhật
- Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh thông qua 26 nghị quyết quan trọng ( 13/12)
- Khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ( 13/12)
- Chủ động thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy tinh gọn ( 13/12)
- Tư lệnh ngành Tài nguyên Môi trường trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm ( 12/12)
- Cơ sở vật chất, hạ tầng, học phí trường nghề và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên làm “nóng” nghị trường ( 12/12)
- Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc ( 12/12)