Thảo luận tập trung, trách nhiệm, tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến giúp tỉnh nhà vượt khó, đạt kết quả cao trong năm 2017
EmailPrintAa
07:27 14/12/2016

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều nay 13/12/2016, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh đã tiến hành thảo luận tại Tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 và các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp.

Đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ 1

 

Tại 3 tổ thảo luận, đã có 171 đại biểu tham dự, trong đó có 53 đại biểu Hội đồng Nhân dân, 118 đại biểu khách mời; có 34 ý kiến phát biểu trực tiếp tại các tổ, 161 ý kiến đóng góp bằng phiếu thảo luận. HĐND tỉnh đã tiến hành xin ý kiến thảo luận về: 9 báo cáo của UBND tỉnh; 3 báo cáo của các cơ quan nội chính, tư pháp; 29 báo cáo của Thường trực, các ban HĐND tỉnh; 19 Tờ trình, Đề án, dự thảo Nghị quyết. Nhìn chung, việc thảo luận diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết cao của đại biểu tham dự, về cơ bản các ý kiến bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với các nội dung báo cáo của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các ngành liên quan; tán thành với các tờ trình, đề án của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp lần này; phân tích, làm rõ các tồn tại, hạn chế trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị để phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Đồng thời, một số ý kiến bổ sung, cụ thể như sau:

Về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016, nhiệm vụ năm 2017; thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016, nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch năm 2017; tình hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách năm 2016, quyết định phân bổ dự toán ngân sách năm 2017; quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2015.

Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ 3

 

* Về báo cáo kinh tế xã hội:

Cần đánh giá sát hơn và nhìn nhận cụ thể về kết quả sản xuất ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Làm rõ nguyên nhân của việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh té xã hội năm 2016 như: Chưa khảo sát, tính toán kỹ, dự báo đầy đủ những tác động, ảnh hưởng đến tình hình địa phương; việc đề ra các chỉ tiêu quá cao, dẫn đến nhiều chỉ tiêu không đạt

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả chưa cao; công tác dồn điền đổi thửa, phân bổ đất sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có chính sách nhận diện và xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống. Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới cần kiên trì theo hướng bền vững, thực chất, tránh tình trạng nợ tiêu chí và nợ xây dựng cơ bản.

Công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Cần có giải pháp đột phá khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất giống, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cần đánh giá đúng thực chất hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để điều chỉnh chính sách hợp lý, tránh tình trạng lợi dụng chính sách.


Đại biểu Nguyễn Thị Nữ Y, Tổ đại biểu huyện Thạch Hà

 

Trong phát triển đô thị, báo cáo chỉ đặt vấn đề đối với phát triển thành phố Hà Tĩnh và 2 thị xã. Đề nghị khẩn trương hoàn thành, phê duyệt chương trình phát triển đô thị và lập kế hoạch phát triển đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là các thị trấn đã có quy hoạch lên đô thị loại 4 và các xã có định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch vùng.

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản, tài nguyên môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin truyền thông, tôn giáo… còn hạn chế; tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc chưa được kiểm soát; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy hải sản xảy ra nhiều nơi, lặp lại nhiều năm nhưng chưa có giải pháp căn cơ để xử lý. Tiến độ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất lâm nghiệp còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số địa phương xảy ra tình trạng chuyển nhượng trái phép đất rừng sau khi được giao, sử dụng không đúng mục đích. Tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn.


Đại biểu Nguyễn Thị Gái, Tổ đại biểu huyện Đức Thọ

 

Quan tâm công tác thu gom, vận chuyển và đầu tư nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn.

Rà soát lại các dự án được giao đất, kiên quyết thu hồi đối với những doanh nghiệp, nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết; trong đầu tư thực hiện các dự án cần đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục quan tâm về công tác khắc phục sự cố môi trường biển; sớm khôi phục hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch biển; kiểm tra mẫu thường xuyên, công khai để khẳng định chất lượng và độ an toàn hải sản; quan tâm đầu tư xây dựng dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đề nghị bổ sung các giải pháp, nguồn lực để tiếp tục phát triển Khu kinh tế Vũng Áng, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành động lực phát triển theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; xây dựng Đề án liên kết vùng các huyện phía Tây của tỉnh để khai thác tiềm năng đất lâm nghiệp.

Đại biểu Hoàng Trung Dũng, Tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh

 

Cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng văn hóa, văn minh công sở; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, đơn vị; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Ban hành hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh việc sắp xếp cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Xem xét lại việc chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định 158 đối với các chức danh địa chính, văn hóa cấp xã…

Nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tập trung xử lý các kiến nghị của cử tri kéo dài qua nhiều kỳ họp; có giải pháp hiệu quả hơn trong công tác bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng, an ninh tôn giáo. Quan tâm công tác dân vận chính quyền cơ sở.


Đại biểu Nguyễn Hồng Lĩnh, Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh

 

* Về báo cáo thu chi ngân sách:

Đề nghị nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo nguồn thu, đặc biệt phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu, soát xét kỹ lượng, xây dựng và giao dự toán thu ngân sách năm 2017 cho các địa phương sát đúng với thực tế để đảm bảo cân đối ngân sách hàng năm. Chỉ tiêu thu ngân sách không nên dùng từ “phấn đấu” mà phải xác định chỉ tiêu cụ thể; tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội không dùng từ “khoảng” mà phải thống kê chi tiết.

Phần thu cấp quyền khai thác khoáng sản từ mỏ sắt Thạch Khê đề nghị không giao nhiệm vụ thu cho huyện Thạch Hà.

Một số chính sách đã có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đầu năm nhưng việc phân bổ nguồn vốn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Quan tâm bố trí nguồn ngân sách tỉnh cho việc thực hiện các chính sách trên lĩnh vực văn hóa – xã hội.

Trong phẩn bổ dự toán chi hàng năm vẫn còn hiện tượng “gửi nhờ” cho một số đơn vị để hợp thức hóa lợi ích cho một số cá nhân, tổ chức.

Đại biểu Dương Tất Thắng, Tổ đại biểu thị xã Kỳ Anh

 

* Về đầu tư phát triển:

Triển khai kế hoạch đầu tư công nhìn chung còn chậm. Tình trạng nợ xây dựng cơ bản lớn, chậm được xử lý; vẫn phát sinh nợ mới sau thời điểm 01/01/2015 nhưng chưa được làm rõ trách nhiệm. Việc phân bổ, giải ngân một số nguồn vốn còn chậm. Cần xác định lại quy trình, thời gian phê duyệt dự án đầu tư. Việc bố trí ngân sách cho các dự án vẫn còn biểu hiện “sân sau”, “chạy dự án”; thực hiện quy chế đấu thầu chưa nghiêm túc, còn hiện tượng “thông thầu”, chỉ đạo từ trên xuống cho các doanh nghiệp “sân sau”, người nhà.

Quan tâm bố trí kinh phí cho các hoạt động quẩn lý, bảo vệ môi trường theo quy định; ưu tiên bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA đã được nhà tài trợ đưa vào kế hoạch và đang triển khai; trả nợ vay tạm ứng năm trước và trả nợ vay tín dụng ưu đãi năm 2017.

Cần rà soát, đánh giá cụ thể nợ đầu tư xây dựng cơ bản các dự án cấp huyện, xã quyết định đầu tư. Một số công trình trong quá trình khảo sát, thiết kế chưa tham vấn ý kiến người dân, thiếu sự giám sát của công đồng nên chất lượng chưa đảm bảo, hiệu quả chưa cao. Cần đánh giá về một số dự án chưa phát huy hiệu quả như Âu thuyền tại Kỳ Anh, nhà máy chế biến súc sản,…; tăng cường hơn nữa công tác giám sát, đánh giá đầu tư, quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công.


Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu, Tổ đại biểu huyện Nghi Xuân

 

Thu hút vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tỉnh cần tập trung xây dựng các cơ chế về đất đai, giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính để thu hút mạnh nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức PPP. Ban hành hướng dẫn thực hiện một số chủ trương để các cấp và doanh nghiệp dễ thực hiện trong huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội theo hình thức đối tác công tư; đầu tư hạ tầng một số cụm công nghiệp trọng điểm để thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Làm rõ lộ trình đầu tư dự án mỏ sắt Thạch Khê, đanh giá lựa chọn công nghệ, quan tâm công tác đảm bảo môi trường, ưu tiên xây dựng nhà máy sản xuất tại chỗ, tính toán lợi ích của tỉnh về ngân sách, việc làm; bổ sung danh mục đầu tư khởi công mới cho các công trình thuộc đề án 946 giai đoạn 2017-2020 nhằm sớm ổn định tình hình dân cư, giải quyết tình trạng cơ sở hạ tầng đã xuống cấp; ngoài ra cần có giải pháp cụ thể để nhân dân vùng dự án có đất ở, đất sản xuất.


Đại biểu Trần Ngọc Thanh, Tổ đại biểu huyện Hương Sơn

 

Về các báo cáo khác trình tại kỳ họp

* Báo cáo kết quả thực hiện tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2016; quyết định tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2017.

Việc tuyển dụng công chức, viên chức còn thiếu kịp thời, chậm giải quyết tình trạng giáo viên dôi dư, thừa, thiếu cục bộ; cần sớm công bố kết quả thi tuyển công chức hành chính năm 2016 để bổ sung cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Cần quy định số lượng biên chế đối với Văn phòng điều phối Nông thôn mới cấp huyện và xem xét phân cấp cho cấp huyện quyết định trong tổng số biên chế được giao.

Có ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm giao khoán biên chế hành chính và khoán xe công.


Đại biểu Nguyễn Văn Hổ, Tổ đại biểu thị xã Hồng Lĩnh

 

* Báo cáo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách giai đoạn 2011 - 2016 và xây dựng một số cơ chế, chính sách năm 2017

Đề nghị tiếp tục rà soát việc thực hiện các chính sách trên tất cả các lĩnh vực để có đánh giá sát đúng kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai, dừng thực hiện đối với những chính sách không phát huy hiệu quả;

Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên các chính sách đã ban hành và bố trí nguồn kinh phí thực hiện; kịp thời chi trả chính sách cơ giới hóa nông nghiệp đối với các trường hợp tồn đọng. Xem xét, đánh giá việc thực hiện chính sách “hỗ trợ lãi suất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh” của tỉnh;

Cách thức, phương pháp, nguyên tắc xây dựng, ban hành, quản lý chính sách trong giai đoạn 2017 - 2019 chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đề nghị cần phải có giải pháp cụ thể hơn. Trong xây dựng chính sách mới cần tiếp thu nghiêm túc ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và quan tâm bố trí đủ nguồn lực theo nguyên tắc cấp nào quy định chính sách thì cấp đó đảm bảo kinh phí thực hiện. Đối với các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, dự kiến trong thời gian tới  chưa phát huy hiệu quả do chỉ hỗ trợ vay trung, dài hạn.

Không nên tiếp tục hỗ trợ chính sách phát triển các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong các khu dân cư; quan tâm ưu tiên xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cam, hươu... để tạo lợi thế cạnh tranh. Tiếp tục ưu tiên cho sản xuất một số giống cây con, nhất là giống hươu để phát triển công nghiệp chế biến sâu; giống cây lâm nghiệp để phục vụ nguyên liệu cho nhà máy MDF tại Vũ Quang. Nên nghiên cứu một số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngư nghiệp.


Đại biểu Bùi Nhân Sâm, Tổ đại biểu huyện Can Lộc

 

* Báo cáo kết quả chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh năm 2016; kết quả công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017.

Báo cáo đánh giá về công tác chỉ đạo điều hành còn mang tính chất chung chung, chưa cụ thể trách nhiệm của từng thành viên Ủy ban nhân dân. Đề nghị bổ sung vào báo cáo đánh giá một số hạn chế như: Thiếu tính chủ động, còn lúng túng trong phát hiện và xử lý một số vụ việc, đang nặng về giải quyết sự vụ nên chưa tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn; chỉ đạo trong lĩnh vực quản lý môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm còn thiếu quyết liệt.

Đề nghị trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh cần nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; tập trung giải quyết dứt điểm những trường hợp khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến an ninh trật tự, xuyên tạc chính sách gây phiền hà đến nhiều cấp nhiều ngành. Đề nghị có giải pháp đối với những đối tượng lợi dụng dân chủ, nhân quyền để kích động nhân dân gây rối, khiếu kiện đông người, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền để thống nhất phương án xử lý.


Đại biểu Nguyễn Văn Danh, Tổ đại biểu huyện Kỳ Anh

 

Về kết quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, báo cáo cần bổ sung một số hạn chế như: một số cán bộ lãnh đạo được phân công nhưng vẫn vắng mặt tại trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh, chỉ đạo xử lý một số vụ việc chậm, thiếu thống nhất nên để kéo dài và làm phức tạp thêm tình hình; đánh giá rõ hơn nguyên nhân dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài. Cần có giải pháp phân công cán bộ cụ thể, giao thời hạn giải quyết. Đánh giá đúng trách nhiệm của người đứng đầu tại các địa phương, đơn vị.

* Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ tham gia giám sát và xây dựng chính quyền năm 2016: Đề nghị tiếp tục có giải pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới.

* Báo cáo đánh giá kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh: Cần xác định cụ thể hơn về các giải pháp và thời gian để giải quyết các kiến nghị khó, phức tạp.


Đại biểu Võ Văn Phúc, Tổ đại biểu huyện Hương Sơn

 

* Báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân: Đề nghị Viện tăng cường kiểm sát việc thụ lý hồ sơ một số vụ án tồn đọng, kéo dài; có hình thức, biện pháp hoặc kiến nghị xử lý đối với cơ quan, đơn vị thực hiện không nghiêm túc các kiến nghị, kháng nghị qua công tác kiểm sát.

* Báo cáo của Tòa án nhân dân:

Chất lượng xét xử của Tòa án hai cấp còn hạn chế, tiến độ xử lý một số vụ án còn kéo dài, còn xảy ra tình trạng án bị hủy, cải sửa, án tuyên chưa phù hợp với tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, mức hình phạt chưa đủ sức răn đe; án tuyên không rõ ràng gây khó khăn trong việc thi hành án. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là các vụ án trọng điểm, tăng số vụ xét xử lưu động để tạo tính lan tỏa, răn đe.

Báo cáo cần đánh giá sâu hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của các bản án tòa tuyên không rõ, khó thi hành; nêu rõ về chất lượng xét xử một số vụ án còn nhiều ý kiến, dư luận khác nhau; trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình giải quyết vụ án; đánh giá thực chất năng lực đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân, từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng.


Đại biểu Nguyễn Huy Hùng, Tổ đại biểu huyện Lộc Hà

 

* Báo cáo của Cục Thi hành án Dân sự: Chất lượng thi hành một số vụ án còn hạn chế, để kéo dài, thiếu kiên quyết đối với các trường hợp cố tình không chấp hành, đề nghị báo cáo cần đánh giá kỹ hơn thực trạng này.

* Báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả hoạt động năm 2016, nhiệm vụ năm 2017.

Tăng cường giám sát việc thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị, chất vấn của Thường trực, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân; giám sát hiệu quả của công tác đào tạo nghề; kết quả bình xét gia đình văn  hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa.

Có ý kiến đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức phụ cấp cho Phó Trưởng ban Hội đồng nhân dân cấp huyện và kiêm nhiệm đối với cấp xã.


Đại biểu Đặng Quốc Cương, Tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên

 

* Báo cáo giám sát chuyên đề về “Công tác quản lý thuế trên địa bàn tỉnh”: Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục giám sát nội dung này trong những năm tiếp theo, đi sâu vào các nhóm nguyên nhân gây thất thu ngân sách.

 * Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Xử lý các vụ việc tồn đọng trong khiếu nại, tố cáo, phản ánh của tổ chức công dân”: Xem xét lại kiến nghị xử lý của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về trường hợp bà Nguyễn Thị Nhung (Thạch Đài, huyện Thạch Hà) và ông Nguyễn Trung Thực (Thạch Tân, huyện Thạch Hà) khiếu nại Ủy ban nhân dân huyện Thạch Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thửa đất là tài sản thừa kế chung của các anh, chị em trong gia đình. Theo quy định khi cấp giấy chứng nhận cần phải có ý kiến đồng ý của các thành viên; hai trường hợp này nếu khởi kiện ra Tòa yêu cầu chia thừa kế không được chấp nhận vì đã hết thời hiệu nên hiện tại đây vẫn là tài sản thừa kế chung chưa xử lý.

Về nội dung các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017: Đề nghị bổ sung nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và kinh tế đối ngoại


Đại biểu Trần Nhật Tân, Tổ đại biểu huyện Thạch Hà

 

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương hướng dẫn việc chuyển phí vệ sinh sang thu theo cơ chế giá, trong đó quan tâm để đảm bảo chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách, tỷ lệ % phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2017 - 2020; định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn 2017 - 2020:

Đề nghị quan tâm bổ sung mức chi đảm bảo hoạt động đặc thù cho cấp ủy cấp huyện và một số hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã;

Quỹ đất giao cho các nhà đầu tư (sau khi trừ chi phí đầu tư) như dự thảo nghị quyết là chưa hợp lý; do các huyện khó khăn hơn thành phố, thị xã trong thu hút đầu tư nên cần ưu tiên hơn; vì vậy, đề nghị sửa điểm c, mục 4, Phần IX phụ lục 02 dự thảo Nghị quyết “Phát sinh trên địa bàn còn lại: Ngân sách tỉnh 30%, huyện 70%”.


Đại biểu Trịnh Văn Ngọc, Tổ đại biểu huyện Vũ Quang

 

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết đề nghị thông qua Kế hoạch biên chế công chức, viên chức, hợp đồng lao động năm 2017: Đề nghị căn cứ vào tình hình thực tiễn, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị để rà soát tinh giản cho phù hợp, đảm bảo có chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục cho tuyển dụng số biên chế còn thiếu so với số được giao của năm 2016.

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2017 – 2020:

Cần xem xét lại phần ngân sách huyện, thành phố, thị xã đảm bảo mức 10% cho thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm để thực hiện chính sách đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách.

Xem xét lại chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất, việc tích tụ ruộng đất phải tuân theo nhu cầu thực tế của sản xuất, ai có năng lực và nhu cầu thì thuê đất, chuyển nhượng đất hoặc góp vốn... Chính quyền chỉ hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích sản xuất đã ban hành và đảm bảo môi trường đầu tư. Đối với chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò quy mô nhỏ chỉ nên hỗ trợ chế phẩm và đệm lót sinh học. Trong chăn nuôi lợn quy mô nhỏ chỉ hỗ trợ các hạng mục xử lý môi trường chứ không nên hỗ trợ như dự thảo nghị quyết.


Đại biểu Trần Báu Hà, Tổ đại biểu huyện Nghi Xuân

 

Về chính sách hỗ trợ lãi suất, trong dự thảo nghị quyết chưa quy định về thời gian tiếp tục được hỗ trợ đối với dư nợ ngắn hạn đã phát sinh; đề nghị quy định, bổ sung rõ nội dung này, cụ thể: Dư nợ cho vay ngắn hạn thì được hỗ trợ cho đến hết thời hạn cam kết.

Đối với chính sách hỗ trợ xi măng trong xây dựng nông thôn mới cần cho các thị trấn, phường được hưởng chính sách. Cần có chính sách để đưa đất làm muối bỏ hoang vào nuôi trồng thủy sản, để không lãng phí tài nguyên đất đai. Trong tổ chức thực hiện nên giao cụ thể trách nhiệm các đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách 


Đại biểu Nguyễn Đình Thọ, Tổ đại biểu thành phố Hà Tĩnh

 

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế chính sách huyện đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020:

Có 50 Đại biểu tham gia ý kiến (trong đó: Có 12% thống nhất thông qua Nghị quyết đối với huyện Đức Thọ, 4% thống nhất thông qua Nghị quyết đối với huyện Nghi Xuân; 4% không thống nhất thông qua Nghị quyết; còn lại 80% thống nhất thông qua như dự thảo). Nội dung các ý kiến khác như sau:

Có 06 ý kiến cho rằng với nguồn lực ngân sách giai đoạn 2017-2020 dự báo còn khó khăn, cần cân nhắc xem xét chỉ chọn huyện Đức Thọ vì đây là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế sản xuất nông nghiệp, truyền thống văn hóa, an ninh chính trị... Có 02 ý kiến nên chọn huyện Nghi Xuân. Có 02 ý kiến khác cho rằng trước mắt chưa thông qua Nghị quyết mà thực hiện cơ chế treo thưởng để các huyện cùng phấn đấu, đến cuối năm 2018 sẽ đánh giá lại và quyết định cụ thể (trong đó có 01 ý kiến nên dành cơ chế cho huyện Vũ Quang).

Có ý kiến đề nghị chính sách cho huyện Nông thôn mới cần quy định, gắn trách nhiệm, chế tài trong công tác cán bộ nếu không đạt được mục tiêu.


Đại biểu khách mời Đặng Thanh Hải, Bí thư Thị ủy thị xã Hồng Lĩnh

 

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết thông qua kế hoạch tinh giản biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2021:

Cần xem xét lại biên chế các hội đặc thù và một số hội có vị trí chính trị - xã hội, như: Hội Nhà báo, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật, Hội Chữ thập đỏ. Không nên giao biên chế cho Hội Luật gia, Hội Đông y vì đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuần túy.

Cần có lộ trình và giải pháp cụ thể hơn để đảm bảo mục tiêu tinh giản biên như trong dự thảo Nghị quyết; việc thực hiện tinh giản biên chế, giao biên chế cần căn cứ vào tình hình hình thực tiễn của từng ngành, từng lĩnh vực. Rà soát nhu cầu biên chế cần gắn với đề án vị trí việc làm. Sáp nhập các đơn vị ở cấp huyện, như: Trung tâm y tế dự phòng, phòng y tế... để đảm bảo hiệu quả theo chủ trương của Trung ương và kết luận 05-KL/TU ngày 29/6/2016 của Ban TV Tỉnh ủy

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án Quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Làm rõ hơn các giải pháp xã hội hóa để phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên tập trung xây dựng Trường Cao đẳng nghề Việt Đức và Cao đẳng Công nghệ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Rà soát, đánh giá vai trò các Trung tâm giáo dục hướng nghiệp dạy nghề cấp huyện để có hướng sáp nhập, thu gọn đầu mối.

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh: Cần có giám sát đánh giá mô hình cấp tỉnh, trước khi triển khai ở cấp huyện. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, lựa chọn đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ .

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về thông qua Đề án kiện toàn Quỹ đầu tư phát triển tỉnh: Bố trí số lượng thành viên Hội đồng quản lý quỹ phải đảm bảo phù hợp với quy định.

Về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về việc đặt tên một số tuyến đường trên địa bàn các thị trấn Phố Châu, Tây Sơn (huyện Hương Sơn); thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ); thị trấn Nghi Xuân, Gia Lách (huyện Nghi Xuân): Tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân: cần viết đúng tên đường là “Da Lách, Rú Cơm” chứ không phải là “Gia Lách, Núi Cơm” như dự thảo.

Về Dự thảo Nghị quyết kế hoạch tổ chức kỳ họp thường lệ năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh: Đề nghị bổ sung Nghị quyết thông qua Đề án tổng thể phát triển Thể dục thể thao tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo.


Đại biểu khách mời Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

 

Một số nội dung khác

Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét việc đặt trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.

Đề nghị tỉnh có giải pháp cấm xe thô sơ, xe gắn máy tự chế chở hàng hóa cồng kềnh trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong công tác đào tạo cán bộ cần quan tâm đến tính dài hạn, cán bộ phải có đủ tâm, đủ đức, đủ tài, có cọ sát với thực tiễn, phù hợp với sự phát triển, đặc biệt phải tạo được niềm tin của hệ thống, tránh tư duy nhiệm kỳ.

Khi thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn, đề nghị tỉnh cần đánh giá sát đúng năng lực của các nhà đầu tư; những lĩnh vực cần ưu tiên, tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội; tránh thu hút đầu tư dàn trải, không có chiều sâu, không khả thi.

Xây dựng lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm giảm áp lực cho ngân sách.

Hiện nay, một số đơn vị trong tỉnh đang phải thuê trụ sở làm việc trong khi một số trụ sở không sử dụng, gây lãng phí; đề nghị tỉnh có giải pháp phù hợp.

Đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương thành lập thị trấn Lộc Hà.

Triển khai đưa Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động để giúp các doanh nghiệp có vốn vay duy trì sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.


Đại biểu khách mời Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Nông thôn mới


Đại biểu khách mời Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế

Trong những năm qua, mỗi năm trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng mới từ 800 - 900 km đường giao thông. Tuy vậy, kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên ít được quan tâm, nên hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh. Đề nghị tỉnh quan tâm bổ sung nguồn kinh phí này.

Hiện nay toàn tỉnh có 11 bến đò ngang, đề nghị tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng cầu thay thế các bến đò nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho người dân trong đi lại an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ.

Công tác bảo đảm môi trường ở các doanh nghiệp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập, đề nghị tỉnh chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.

Đề nghị ngành công an xem xét lại việc xử phạt của Công an Thành phố đối với phương tiện giao thông ở một số địa điểm chưa mang tính giáo dục; ví dụ như: Việc lập chốt kiểm tra, xử phạt phương tiện vượt đèn vàng ở những điểm đèn tín hiệu không có đồng hồ đếm ngược nên người dân không chủ động dừng phương tiện dẫn đến vi phạm


    Ý kiến bạn đọc