Kính thưa quý vị đại biểu,
Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh,
Kinh thưa cử tri và Nhân dân tỉnh nhà
Trước Kỳ họp, tại các địa phương, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã tổ chức thảo luận, có hơn 186 ý kiến phát biểu đóng góp vào nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp. Những nội dung cụ thể đã được tổng hợp tại báo cáo thảo luận tổ và báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri; Chủ tọa Kỳ họp đã giao Tổ thư ký, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết.
Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh tiếp thu, giải trình của Chủ tọa Kỳ họp về ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại Hội trường
|
Tại Phiên thảo luận chiều nay, đã có 08 đại biểu đại diện cho các Tổ đại biểu tham gia ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội trường. Các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết trước cử tri và Nhân dân; kịp thời phản ánh các ý kiến cử tri, những vấn đề thực tiễn tại địa phương. Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với các nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2024
Tại Phiên thảo luận chiều nay, có 08 đại biểu đại diện cho các Tổ đại biểu tham gia ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội trường, một số đại biểu gửi ý kiến tham luận bằng văn bản. Các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm, tâm huyết trước cử tri và Nhân dân; kịp thời phản ánh các ý kiến cử tri quan tâm, những vấn đề thực tiễn tại địa phương. Đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với các nhận định, đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh: sáu tháng đầu năm, triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng với quyết tâm chính trị cao, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, hệ thống chính chính trị, đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế, xã hội tỉnh nhà đạt kết quả khả quan; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Đại biểu cũng tập trung phân tích, đánh giá những hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để khắc phục khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ.
Đại biểu tham dự kỳ họp |
I. Về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu tiếp tục kiến nghị tỉnh quan tâm các nội dung
- Đề nghị bổ sung báo cáo kinh tế - xã hội nội dung đánh giá công tác quản lý nhà nước về xây dựng, đặc biệt là công tác quản lý trật tự xây dựng. Bổ sung nguyên nhân khách quan của tồn tại hạn chế tại mục 2, phần III: “ Một số chính sách thay đổi liên tục như Luật quy hoạch, Luật đầu tư, Luật đấu thầu, Luật đất đai; sự chồng chéo các quy định tại các Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng làm chậm tiến độ thực hiện cũng như hạn chế việc thu hút đầu tư”.
- Đề nghị tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách đã ban hành. Tổ chức sơ kết đánh giá hiệu quả mô hình nông nghiệp hữu cơ, chuỗi sản phẩm trước khi triển khai nhân rộng. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý hoạt động chăn nuôi, nhất là đối với trang trại quy mô lớn và vừa. Chủ động triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp về phòng, chống, ứng phó với các tình huống khi có thiên tai, bão lũ xảy ra, bảo đảm an toàn các công trình, hồ chứa.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa mưa bão. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế.
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản dôi dư tại các địa phương, có phương án cụ thể về xử lý tài sản dôi dư do việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, giai đoạn 2024-2025. Nghiên cứu, ban hành chính sách cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, cán bộ không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ mới.
- Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các dự án đầu tư tồn đọng do vướng mắc theo Nghị định số 148/2023/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai. Bổ sung giải pháp xử lý đối với các dự án vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, vượt thẩm quyền, quy định pháp luật chưa rõ ràng.
Tiếp tục triển khai quyết liệt việc phân loại chất thải rắn tại nguồn, đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy, khu xử lý chất thải theo Đề án của tỉnh.
- Chỉ đạo đánh giá toàn diện, cụ thể hơn về tình hình hoạt động của các Khu Kinh tế, nhất là Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu treo; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, quan tâm bố trí các nguồn vốn đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu treo nhằm thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng biên theo tinh thần Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX, Thông báo Kết luận số 1059 ngày 13/6/2024 của Thường trực Tỉnh ủy.
- Tập trung nghiên cứu đầu tư mô hình du lịch văn hóa Truyện Kiều - Nguyễn Du. Sớm bố trí nguồn ngân sách mua sắm trang thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
* Những nội dung trên, Chủ tọa Kỳ họp đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu nghiêm túc, có những nội dung mang tính chiến lược, lâu dài, cần có sự nghiên cứu kỹ để xây dựng kế hoạch thực hiện.
Những nội dung có thể xử lý được ngay thì đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.
II. Về các nội dung cụ thể liên quan đến các địa phương
Một số ý kiến liên quan đến công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên môi trường, năng lượng. Đề xuất các chính sách thu hút đầu tư; sớm có phương án xử lý đối với vấn đề tồn đọng, vướng mắc trong triển khai các công trình, dự án; quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đầu tư các công trình hạ tầng cấp thiết trên địa bàn như giao thông, nước sạch, trường học; nâng cấp, sửa chữa các di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn; chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, xây dựng trường chuyên biệt cho người khuyết tật; xử lý các khó khăn của Trung tâm y tế cấp huyện sau thực hiện sáp nhập, giao tự chủ cho các cơ sở y tế sát với tình hình thực tế; bổ sung biên chế giáo viên….
Toàn cảnh kỳ họp |
* Các nội dung này, Chủ tọa Kỳ họp thấy rằng cơ bản các nội dung đã được tiếp thu, tổng hợp vào báo cáo kiến nghị cử tri hoặc nội dung chất vấn. Các nội dung còn lại, đề nghị Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ, gửi UBND tỉnh, chỉ đạo các cấp, các ngành kiểm tra, rà soát, xử lý, đảm bảo quy định và yêu cầu thực tiễn.
III. Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, điều chỉnh các cơ chế chính sách đã ban hành
- Điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh quy định tại Quyết định số 33 năm 2017 của UBND tỉnh, vì hiện tại các chi phí liên quan để làm căn cứ tính giá dịch vụ hiện không còn phù hợp.
- HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 70/2022/NQ-HĐND, trong đó hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ đủ 70 đến dưới 80 tuổi, đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người từ đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi.
- Về cơ chế hỗ trợ xi măng theo Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh: đề nghị giảm tỉ lệ vốn đối ứng của xã, tăng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh.
- Bổ sung chính sách hỗ trợ xây dựng đô thị văn minh đối với các phường, thị trấn; vì Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh chỉ hỗ trợ các xã.
* Các nội dung này, Chủ tọa đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, soát xét, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và tình hình thực tiễn địa phương để điều chỉnh, bổ sung hoặc tham mưu ban hành mới các chính sách phù hợp; các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết để xem xét, tham mưu đảm bảo đúng quy định, phù hợp thực tiễn.
IV. Về các nội dung góp ý vào các dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp này
Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung các tờ trình, dự thảo nghị quyết; một số ý kiến quan tâm, góp ý như sau:
1. Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ năm học 2023-2024
- Đề nghị sửa tên Nghị quyết thành “Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ năm học 2024-2025”
Theo Nghị định 97 năm 2023 của Chính phủ quy định giữ ổn định mức học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu năm học 2021-2022 và giao HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung này. Vì vậy, tên Nghị quyết như dự thảo là phù hợp.
- Đề nghị bỏ khoản 1, Điều 3 Quy định chuyển tiếp “Đối với cơ sở giáo dục đã thu học phí năm học 2023-2024 của học sinh theo mức thu quy định tại Nghị quyết số 93/2022/NQ-HĐND thì trả lại học sinh số chênh lệch tăng thêm so với mức thu học phí quy định tại Nghị quyết này”.
Nội dung này, Chủ tọa xin phép không tiếp thu để đảm bảo việc thu học phí từ năm học 2023-2024 đúng theo quy định
- Đề nghị quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập là trường Trung học cơ sở liên xã có điểm trường đóng trên địa bàn phường, thị trấn. Con em các xã học tại các điểm trường này phải đóng theo mức quy định của phường, thị trấn là không phù hợp.
Theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn liên quan mức thu học phí áp dụng theo địa điểm trường đóng là phù hợp, vì vậy xin giữ nguyên như dự thảo.
2. Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025.
- Đề nghị bổ sung điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND, ghi rõ phạm vi áp dụng (cấp xã hay thôn): Quy mô từ trên 250 ha đến 500 ha: 7 triệu đồng/ha. Quy mô từ trên 500 ha: 7,5 triệu đồng/ha.
- Xem xét mức hỗ trợ tối đa tính theo diện tích; không đưa ra mức hỗ trợ tối đa của địa phương/năm; không đưa ra mức trần để tạo động lực cho các địa phương có diện tích lớn, làm đồng bộ
Nội dung này Chủ tọa xin tiếp thu và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xem xét, điều chỉnh phù hợp.
Về kiến nghị các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 8 (chính sách phát triển lâm nghiệp) phù hợp với các quy định tại Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp (có hiệu lực từ ngày 15/7/2024).
Nội dung này đại biểu kiến nghị là phù hợp; tuy nhiên đến nay đã gần hết giai đoạn 2022-2025, do đó sẽ xem xét điều chỉnh vào Nghị quyết mới giai đoạn tiếp theo.
- Đề nghị tăng mức hỗ trợ tối đa; trong đó phân rõ nguồn ngân sách tỉnh, huyện về tổng mức đầu tư để đảm bảo công bằng ở các huyện.
Nội dung Chủ tọa xin không tiếp thu vì liên quan đến cân đối nguồn lực của các cấp ngân sách.
Một số ý kiến khác đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với việc thực hiện Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa tại một số hạng mục trên vùng tích tụ (cống, kênh mương,...) phù hợp với Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; có hướng dẫn cụ thể hoàn thiện quy trình hồ sơ thanh toán chính sách đối với diện tích, khối lượng công việc đã thực hiện theo Nghị quyết 51 nhưng chưa được hỗ trợ…
Chủ tọa tiếp thu và đề nghị UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu.
3. Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024
- Đề nghị xác định rõ số vốn sẽ bố trí đối với các dự án khởi công mới từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi năm 2023 và số vốn cần bổ sung giai đoạn sau gắn với việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030.
Nội dung này xin tiếp thu và đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét đưa vào Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030.
- Bổ sung dự án đường Thị Sơn vào danh mục đầu tư công với số tiền 125 tỷ vốn trung hạn, giai đoạn 2021-2025.
Nội dung này, Chủ tọa đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, xem xét trong thời gian tới.
4. Nghị quyết Thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất (bổ sung) năm 2024.
Xem xét bổ sung danh mục phát sinh do quá trình thực hiện dự án xây dựng tuyến đường An - Giang - Tiên - Yên, huyện Nghi Xuân (Thu hồi đất để thực hiện tái định cư).
Nội dung này Chủ tọa xin không tiếp thu vì dự án chưa phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất.
5. Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự; tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và các mức chi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp thứ 20 |
- Đề nghị hướng dẫn cụ thể về số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh trật tự đối với thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hoặc không đưa nội dung này vào tiêu chí số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh trật tự mà xem xét hỗ trợ thêm kinh phí cho các tổ vì khi không còn trong danh sách xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự thì khó khăn trong việc giảm số lượng thành viên tổ (nếu nhiều hơn 3 người).
Chủ tọa không tiếp thu vì quy định trên phù hợp với điểm a khoản 2 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 111/HĐND tỉnh.
- Về đề nghị có hướng dẫn cụ thể mỗi ngày làm thêm bao nhiêu giờ; trong trường hợp đặc biệt có thể huy động làm thêm nhiều hơn 10 ngày/tháng.
Nội dung này, đã được quy dịnh tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động TBXH.
- Đại biểu kiến nghị mức chi bồi dưỡng 32.000/ngày là quá thấp; nguồn kinh phí thực hiện giao ngân sách xã sẽ rất khó khăn, nhất là các xã khu vực biên giới.
Chủ tọa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu.
6. Nghị quyết về việc sử dụng ngân sách địa phương uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để cho vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024-2026.
- Đề nghị tăng độ tuổi xem xét cho vay lên không quá 40 tuổi để phù hợp với thực tế tuổi của đoàn viên đang tham gia sinh hoạt hiện nay.
Nội dung này, chủ tọa thấy rằng theo quy định tại Luật Thanh niên năm 2020: “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”. Tỉnh đoàn đã tham khảo các tỉnh, khảo sát về đối tượng và nhu cầu của thanh niên tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Tại dự thảo Nghị quyết, việc quy định độ tuổi không quá 38 là phù hợp.
- Về kiến nghị mức lãi suất 7,92%/năm như quy định là còn cao; xem xét, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội là 6,6%.
Nội dung này, đề nghị UBND tỉnh xem xét, tiếp thu trong quá trình xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với đối tượng trên.
7. Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
- Đề nghị bổ sung mục hỗ trợ tư vấn người tiêu dùng; bổ sung lĩnh vực cạnh tranh: “Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn chuyên sâu về Luật bảo vệ người tiêu dùng: nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Nội dung này Chủ tọa thấy rằng theo báo cáo ở địa phương không có danh mục lĩnh vực quản lý cạnh tranh. Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn chuyên sâu về Luật bảo vệ người tiêu dùng: nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước (trực tiếp đây là Sở Công Thương). Hằng năm đã được bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung nói trên.
- Tại Mục 12, 14 phần III, đề nghị chỉnh sửa cụm từ “chi phí” thành cụm từ “hỗ trợ tư vấn lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp”.
Chủ tọa xin xin không tiếp thu vì đã được quy định tại điểm e, h khoản 2 Điều 17 Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐNĐ tỉnh; đây là nội dung hỗ trợ chi phí tư vấn, nếu bỏ cụm từ “chi phí” sẽ không thực hiện đúng Nghị quyết 96 và ko xác định được định mức, chi phí thực hiện 02 dịch vụ nói trên.
8. Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực tài chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Đại biểu đề xuất bổ sung 3 danh mục: (1) Dịch vụ tư vấn thẩm định giá; liên kết thẩm định giá; (2) Dịch vụ thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với dự án đầu tư cấp xã; dịch vụ thẩm định quyết toán vốn dự án sửa chữa thuộc nguồn ngân sách nhà nước; (3) Dịch vụ tư vấn cho chủ đầu tư lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư, lập báo cáo thẩm tra quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành thuộc nguồn ngân sách nhà nước và nguồn khác.
Chủ tọa xin phép không tiếp thu do các danh mục trên không thuộc chức năng của đơn vị sự nghiệp/nhà cung ứng ngoài công lập; do thị trường định giá hoặc chưa được quy định.
9. Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi nghị quyết được thông qua, đề nghị sớm ban hành định mức, đơn giá của từng danh mục trên để các đơn vị, địa phương áp dụng thực hiện được thuận lợi và đảm bảo đúng quy định; đồng thời định kỳ, tiếp tục rà soát, bổ sung các danh mục để phù hợp hơn với tình hình thực tế của địa phương như: tư vấn về công nghệ cho các cơ quan nhà nước, dịch vụ phần mềm.
Nội dung này Chủ tọa xin tiếp thu và chuyển UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đối với các danh mục trên các lĩnh vực được ban hành.
10. Nghị quyết Quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước và thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ đối với nguồn kinh phí khoa học và công nghệ huộc phạm vi quản lý của tỉnh Hà Tĩnh.
Xem xét thẩm quyền quyết định mua sắm của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đối với tài sản của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước không được vượt quá 01 tỷ đồng, để đảm bảo phù hợp với các quy định về phân cấp quản lý tài sản công trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Chủ tọa xin phép không tiếp thu, vì nội dung này đã được quy định tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
11. Quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
- Tại mục 8 phụ lục dự thảo Nghị quyết, đề nghị:
+ Tăng mức chi hỗ trợ tiền nước uống cho thành viên tham gia hội nghị ra mắt Câu lạc bộ Pháp luật: Áp dụng cho cấp huyện, cấp xã 40.000đ/người/ngày lên 50.000đ/người/ngày cho phù hợp với điểm a, điều 12 Thông tư 56/2023/TT-BTC.
+ Tăng mức chi hỗ trợ tiền nước uống cho người dự sinh hoạt CLB Pháp luật từ 15.000đ/người/buổi lên 20.000đ/người/buổi cho phù hợp với điểm b, điều 12 Thông tư 56/2023/TT-BT.
Nội dung này liên quan đến cân đối ngân sách của từng cấp, Chủ tọa xin tiếp thu, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban phối hợp với UBND tỉnh nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện Nghị quyết.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức; tỉnh đã nỗ lực cố gắng để tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển, ban hành các cơ chế, chính sách. Tuy vậy, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đại biểu và cử tri. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, rất mong sự chia sẻ của đại biểu và cử tri.
Chủ tọa Kỳ họp giao Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh xem xét cụ thể từng nội dung trong quá trình hoàn thiện Nghị quyết.
Trên đây là tổng hợp ý kiến thảo luận tại Hội trường, Chủ tọa Kỳ họp tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh.
Xin trân trọng cảm ơn!
Tin mới cập nhật
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chung vui ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn An Phúc Lộc, Xuân Liên, Nghi Xuân ( 09/11)
- Can Lộc cần phối hợp với các đơn vị mỏ đôn đốc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản ( 08/11)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Kỳ Anh ( 01/11)
- Thạch Hà : Phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản ( 31/10)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Hương Sơn ( 25/10)
- Huyện Nghi Xuân chủ động đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ sau khi khai thác khoáng sản ( 24/10)