Sau khi nghiên cứu Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, Ban Văn hóa - Xã hội có ý kiến thẩm tra về lĩnh vực văn hóa - xã hội như sau:
|
Đồng chí Đoàn Đình Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trình bày báo cáo thẩm tra trên lĩnh vực văn hóa xã hội |
I. Về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm 2016
Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với các nội dung nhận định, đánh giá của Uỷ ban nhân dân tỉnh; mặc dù 6 tháng đầu năm, tỉnh ta thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến đất nước ta; trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển đã tác động xấu đến việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra từ đầu năm. Tuy vậy, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà, trên lĩnh vực văn hóa - xã hội vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tổ chức tốt các hoạt động chào mừng các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục có chuyển biến. Thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chất lượng giáo dục được giữ vững, chất lượng mũi nhọn đạt kết quả cao. Triển khai đồng bộ, tích cực các nội dung đổi mới giáo dục, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016. Thực hiện tốt việc tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp. Quản lý nhà nước về y tế được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được nâng lên, vấn đề y đức được quan tâm chấn chỉnh. Chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Công tác dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng. Bước đầu triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định mới. Tiếp tục thực hiện chính sách đối với người có công, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo triển khai khá đồng bộ, kịp thời. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được quan tâm. Quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có chuyển biến tích cực. Các nhiệm vụ thông tin truyền thông được triển khai khá đồng bộ. Quản lý báo chí được tăng cường. Hạ tầng bưu chính viễn thông được quan tâm đầu tư. Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành tác nghiệp của các cấp các ngành và địa phương được quan tâm thực hiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng trân trọng, Ban nhận thấy trên lĩnh vực văn hóa - xã hội vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như sau:
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa vẫn còn có mặt hạn chế, một số kết quả được nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh như: Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế, Ban nhận thấy việc công nhận, xếp hạng được quan tâm thực hiện với số lượng lớn song việc đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp các di tích sau công nhận, xếp hạng còn chậm; công tác quản lý nhà nước tại một số di tích lịch sử văn hóa còn thiếu chặt chẽ, chưa thực hiện đúng theo quy định của Luật Di sản văn hóa, như: việc thành lập tổ chức quản lý di tích; khai thác di tích; sử dụng các nguồn thu từ di tích. Một số địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện các quy định thu phí theo Nghị quyết 67/2013/NQ-HĐND, Nghị quyết 85/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh chưa báo cáo, đề xuất giải pháp xử lý.
Thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang và lễ hội ở một số đơn vị, địa phương chưa nghiêm. Việc bình xét, công nhận, biểu dương gia đình văn hóa; thôn, tổ dân phố văn hóa ở một số địa phương còn nặng về số lượng, chưa quan tâm đến tính bền vững của phong trào. Việc xây dựng đơn vị văn hóa ở khối cơ quan, công sở chưa được quan tâm. Các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đạt kết quả còn thấp, chậm được cải thiện so với các tiêu chí khác.
Hoạt động du lịch, dịch vụ chuyển biến chậm. Sự cố môi trường trên biển ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch tỉnh nhà; cả số lượng khách đến du lịch và doanh thu đều giảm mạnh.
Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Một số tồn tại đã được Ban kiến nghị nhiều lần trong các kỳ họp trước nhưng chậm được xử lý như: Tình trạng cơ sở vật chất trường học sau sáp nhập nơi thừa, nơi thiếu, có những trường học sinh vẫn học ở nhiều điểm trường; tình trạng thừa và thiếu giáo viên cục bộ ở từng địa phương; việc thực hiện một số khoản thu trái quy định trong các trường học.
Công tác đào tạo nghề tuy đạt được một số kết quả như đã nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh nhưng vấn đề phát huy hiệu quả sau đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư.
Mặc dù, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành giám sát sâu về công tác quản lý, xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế; sau giám sát ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung kiến nghị của Ban. Tuy vậy, kết quả thực hiện chưa nghiêm túc; cá biệt còn có đơn vị y tế tuyến huyện vận chuyển, đổ chất thải y tế nguy hại ra bãi rác sinh hoạt, gây nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Cơ sở vật chất các trạm y tế còn bất cập. Công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa tốt, chưa tạo được sự yên tâm cho người dân.
Việc chậm ban hành chính sách về nước sạch nông thôn làm ảnh hưởng đến khai thác hiệu quả các công trình cấp nước đã được xây dựng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư mới, dẫn đến nhiều vùng đời sống người dân gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.
Về kết quả thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công, báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh nêu: “đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho các đối tượng”. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù tỉnh ta đã hoàn thành Chương trình “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015” nhưng đến nay việc sai, sót, chậm trễ trong thực hiện các chế độ, chính sách vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện các chính sách đối với người có công còn rườm rà; tinh thần, thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Kết quả thanh tra, kiểm tra đối tượng hưởng chế độ thương binh do cơ quan quân đội xác lập theo Thông tư số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998 của liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tiến độ còn chậm. Việc thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở kéo dài thời gian, chậm hoàn thành.
Tình trạng các đơn vị sử dụng lao động nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội chưa được xử lý nghiêm, số nợ bảo hiểm xã hội hiện nay trên 78 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có số nợ lớn, kéo dài dẫn đến ảnh hưởng việc giải quyết chế độ cho người lao động khi có phát sinh.
Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá công tác quản lý hoạt động báo chí được tăng cường, chỉ đạo thường xuyên theo đúng định hướng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quản lý nhà nước đối với một số báo, các trang mạng xã hội chưa kịp thời; còn để xảy ra tình trạng đưa tin tức, hình ảnh trái chiều, phản ánh sai thực tế, gây hoang mang trong dư luận, làm cho tình hình đã khó khăn càng khó khăn thêm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ công tác Thông tin truyền thông ở Phòng Văn hóa thông tin các địa phương còn thiếu và yếu. Hạ tầng an toàn thông tin chưa thực sự đảm bảo, nguy cơ mất an toàn thông tin đang ở mức cao.
II. Về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016
Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Uỷ ban nhân dân tỉnh đã nêu và đề nghị quan tâm thêm một số nội dung như sau:
1. Mặc dù, điều kiện thu ngân sách đang còn khó khăn, song đề nghị tỉnh tiếp tục cân đối, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, đặc biệt là kinh phí để thực hiện các đề án, chính sách đã được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành trong thời gian qua.
2. Tập trung quyết liệt để hoàn thành, phê duyệt và triển khai Quy hoạch phát triển Văn hoá và Thể thao tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Dự án Bảo tàng Hà Tĩnh và đón nhận Mộc bản Trường Phúc Giang được UNESCO vinh danh là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2016. Xây dựng đề án bảo tồn và phát huy di sản văn chương Nguyễn Du, Truyện Kiều và Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du. Có các giải pháp bảo vệ khẩn cấp di sản ca trù.
3. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo tốt cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Rà soát lại cơ sở vật chất các trường học sau sáp nhập để có phương án xử lý cơ sở vật chất thừa, tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho những trường còn khó khăn để sớm đưa học sinh về học tại một địa điểm, gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới. Có giải pháp kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng thu trái quy định tại các nhà trường. Chuẩn bị tốt cho việc khai giảng và triển khai nhiệm vụ năm học mới, đảm bảo cho tất cả trẻ em đều được đến trường.
4. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là tuyến cơ sở, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Quan tâm bố trí kinh phí để triển khai bệnh viện Sản Nhi. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tuyến, cơ sở y tế. Sớm triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung theo kế hoạch đã được phê duyệt để giảm chi phí và cải thiện chất lượng môi trường trong các cơ sở y tế công lập. Tăng cường quản lý nhà nước về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là hoạt động lưu thông, buôn bán thực phẩm. Tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu và sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, trong đó có hải sản.
Có giải pháp giảm quá tải ở một số bệnh viện tuyến huyện sau khi thực hiện thông tuyến huyện về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và kiểm soát tốt nguồn quỹ khám chữa bệnh.
5. Đẩy mạnh thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội; phấn đấu tăng số lượng người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội.
6. Tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Rà soát lại quy trình thực hiện các chính sách cho người có công, đối chiếu với các văn bản quy định để đảm bảo thực hiện đúng, nhanh gọn, tránh kéo dài thời gian, gây phiền hà cho đối tượng. Bố trí đủ nguồn kinh phí để sớm hoàn thành việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng quy chế phối hợp quản lý lao động người nước ngoài phù hợp với chủ trương mới của Chính phủ và tình hình thực tế tại địa phương.
7. Quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình dự án về công nghệ thông tin đã được ban hành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành trong các cơ quan quản lý nhà nước phục vụ cải cách, hiện đại hóa nền hành chính.
Tin mới cập nhật
- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chung vui ngày Hội Đại đoàn kết dân tộc tại thôn An Phúc Lộc, Xuân Liên, Nghi Xuân ( 09/11)
- Can Lộc cần phối hợp với các đơn vị mỏ đôn đốc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản ( 08/11)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Kỳ Anh ( 01/11)
- Thạch Hà : Phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản ( 31/10)
- Giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại huyện Hương Sơn ( 25/10)
- Huyện Nghi Xuân chủ động đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ sau khi khai thác khoáng sản ( 24/10)